Phương pháp điều trị mới chấm dứt chứng co giật ở trẻ em

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nghiên cứu mới đây, những trẻ em mắc chứng động kinh khó chữa hiện đã có sự lựa chọn để được sống một cuộc sống không bị phiền hà bởi những cơn co giật...

Theo báo cáo từ nghiên cứu, các học giả sẽ sử dụng liệu pháp nhiệt kẽ bằng laser - kỹ thuật sử dụng tia laser để phá hủy một phần nhỏ của mô não - kết hợp với chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định vị trí tiến hành thủ thuật. Các nhà nghiên cứu cho biết kỹ thuật này, còn gọi là LITT, là một kỹ thuật xâm lấn tối thiểu (hạn chế tối đa kích thước vết mổ) dành cho trẻ em bị động kinh kháng thuốc.

Báo cáo đã ghi nhận tỷ lệ thành công và hồi phục trong thời gian ngắn ở hơn một nửa số ca ứng dụng thủ thuật này.

Để đưa ra được kết luận đó, các nhà nghiên cứu đã phân tích kết quả điều trị của trẻ em ở Hoa Kỳ và Canada. Số liệu được thống kê bắt đầu từ năm 2013, so sánh giữa kỹ thuật LITT với các loại hình phẫu thuật khác, một lựa chọn điều trị khác.

Bác sĩ Elysa Widjaja thuộc khoa thần kinh nhi tại Bệnh viện nhi Toronto và là tác giả của nghiên cứu cho biết:

"Đây là một thủ thuật tương đối mới hiện nay, ở cả Canada và ở Hoa Kỳ, không có nhiều tài liệu về kết quả (nghiên cứu) cũng như về các biến chứng của thủ thuật này".

Theo báo cáo, các chuyên gia đã nghiên cứu kết quả điều trị của 182 trẻ em trong 7 năm về trước. Họ phát hiện ra: trong số 137 trẻ em được thực hiện thủ thuật - chỉ 1 lần duy nhất, thì 1 năm sau đó, có tới 54% không bị co giật nữa; 20 trẻ khác đã thực hiện thủ thuật 2 lần, và 60% trong số đó không bị co giật nữa - cũng sau 1 năm thực hiện thủ thuật.

Những dữ liệu này được đóng góp bởi 6 trung tâm phẫu thuật ở Hoa Kỳ và 2 trung tâm ở Canada. Nhiều đơn vị khác cũng đang bổ sung thêm thông tin cho dữ liệu tổng hợp này.

Thứ Sáu tuần trước (11/12) các nhà nghiên cứu đã trình bày phát hiện của họ tại cuộc họp (trực tuyến) thường niên của Hiệp hội Động kinh Hoa Kỳ. Nghiên cứu này hiện đang được coi là sơ bộ và cần thẩm định trước khi được công bố chính thức trên một tạp chí uy tín.

TS Widjaja nói: “Tôi có thể nói rằng, kết quả nghiên cứu sơ bộ của chúng tôi hiện đã chỉ ra một cách hợp lý rằng tia laser có thể đem lại một kết quả ‘không co giật’. Kết quả này thấp hơn một chút [nếu so với phẫu thuật], nhưng liệu pháp laser có lợi thế hơn so với phẫu thuật. [Nó] ít xâm lấn hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn, ít tổn thương hơn đối với não bình thường và chắc chắn là có ít biến chứng hơn".

Theo báo cáo, tỷ lệ thành công của phẫu thuật chữa động kinh này là 65%.

Bên cạnh đó, có khoảng 8% trẻ em được phẫu thuật laser bị rối loạn thị giác hoặc cảm giác, nhưng đó chủ yếu là tạm thời. Theo nghiên cứu, tất cả những biến chứng này đều có thể được giải quyết, chỉ trừ 1% theo thống kê của nghiên cứu.

Ngoài ra, các tác giả cho biết thêm rằng, có khoảng 5% những người được phẫu thuật bị suy giảm thần kinh vĩnh viễn.

Báo cáo ghi nhận 1 ca bệnh nhi được điều trị bằng laser sau đó đã chết vì sưng não, tương đương với tỷ lệ tử vong 0,5%. Trong phẫu thuật mở, tỷ lệ tử vong chiếm khoảng từ 0,4% đến 1,2%, tùy thuộc vào vị trí của tổn thương được cắt bỏ.

Trước khi điều trị bằng laser, phẫu thuật là lựa chọn duy nhất có khả năng chữa khỏi chứng động kinh. Theo bác sĩ Widjaja cho biết, có nhiều cách điều trị khác, nhưng chúng chủ yếu chỉ nhằm giảm bớt chứ không chữa khỏi cơn động kinh.

Trong quy trình laser, bác sĩ phẫu thuật tạo một lỗ nhỏ trên hộp sọ. Sau đó, một tia laser rất mảnh sẽ đi qua vùng bị tổn thương - hoặc những điểm ở trong não được coi là nguồn gốc của các cơn co giật. Năng lượng nhiệt của tia laser đốt cháy điểm tổn thương. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng, MRI được sử dụng để theo dõi nhiệt độ và bảo vệ các mô não ở quanh đó đó.

Còn đối với phương pháp phẫu thuật, bác sĩ sẽ phải rạch một đường trên da đầu, thảo một mảnh xương từ hộp sọ để cắt bỏ tổn thương, sau đó lắp lại.

Bác sĩ Widjaja cho biết thêm một lợi thế nữa của liệu pháp laser là nó có thể được sử dụng cho các tổn thương sâu bên trong não mà không gây tổn thương nhiều đến các mô bình thường. Nó cũng có ít biến chứng hơn, thời gian nằm viện sau thủ thuật chỉ là 2 ngày, so với phẫu thuật thì mất đến 7 ngày.

Những tổn thương phổ biến nhất mà những người tham gia nghiên cứu phải trải qua là u mỡ “hamartomas” vùng dưới đồi và loạn sản vỏ não khu trú.

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, hamartomas vùng dưới đồi là những khối dị dạng giống u nhưng hiếm gặp. Chúng xuất hiện ngay từ khi mới sinh và có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó có thể bao gồm động kinh. Còn về loạn sản vỏ não khu trú, theo Hiệp hội Động kinh, nó liên quan đến những tổ chức bất thường của tế bào não.

Trước những phát hiện mới của báo cáo, cựu chủ tịch của Hiệp hội Động kinh Hoa Kỳ, TS William Gaillard, hiện đang là trưởng khoa thần kinh của Bệnh viện nhi Quốc gia, ở Washington D.C. cho biết:

"Thật đáng khích lệ vì phẫu thuật xâm lấn tối thiểu có số ngày nằm viện ít hơn. Có xu hướng ít biến chứng hơn. Ít nhiễm trùng hơn. Ít đột quỵ hơn".

Gaillard cho rằng mọi người thường không sớm nghĩ đến thủ thuật phẫu thuật dành cho bệnh nhân động kinh. Ông cho biết (nếu để ý sớm), các hậu quả thần kinh về hành vi và nhận thức ở trẻ em sẽ giảm.

Cựu chủ tịch của Hiệp hội Động kinh cho biết thêm, đối với sử dụng thuốc, chúng có tác dụng, nhưng cũng đi kèm tác dụng phụ; con người minh mẫn hơn và có chức năng tư duy tốt hơn khi họ ngừng sử dụng thuốc và không bị co giật.

Ông chi biết tử vong do động kinh là một nguy cơ thực sự, và đây chính là một lý do để lựa chọn một thủ thuật ngăn chặn cơn động kinh.

Gaillard nói: “Cách tốt nhất để tránh cái chết vì động kinh là loại bỏ chứng động kinh. Bạn sẽ không còn bị kỳ thị. Khi bạn được tự do khỏi động kinh, bạn sẽ có khả năng học lái xe, trở nên độc lập hơn, học hành được tốt hơn - đây đều là những thứ quan trong”.

Vũ Phong
- Theo HealthDay.



BÀI CHỌN LỌC

Phương pháp điều trị mới chấm dứt chứng co giật ở trẻ em