Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: ‘Cứ 1 người nhiễm lại lây cho 5 người’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, biến chủng Delta trong đợt bùng phát thứ tư tại thành phố có tốc độ lây lan nhanh. Hiện tại, 1 thành viên mắc Covid-19 có thể lây nhiễm cho cả gia đình.

Theo ông Hưng, điều này hoàn toàn trái ngược với các biến chủng trước đó, vì vậy, có khả năng thời gian tới sẽ xuất hiện thêm nhiều ca mắc ngoài cộng đồng.

Biến thể Delta (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ) hiện được truyền thông nhắc đến như một mối hiểm hoạ đáng gờm, xem đây là biến chủng hoàn thiện và có thể phá bỏ mọi thành quả chống dịch trước đó của các quốc gia trên thế giới.

Nghiên cứu của các chuyên gia tại Úc cho thấy chỉ số lây nhiễm R0 của biến thể này là 5, so với 2 - 2.5 của biến thể gốc ban đầu ở Trung Quốc.

Thống kê cũng cho thấy khoảng 90% gen của chủng virus đang hoành hành tại Anh là Delta, điều này gây gián đoạn và trì hoãn kế hoạch tái mở cửa vốn đã được lên kế hoạch trước đó.

Lý giải sự lây lan nhanh của biến chủng Delta

Theo trang web MarthaStewart, các nhà khoa học cho rằng khả năng lây lan nhanh của Delta liên quan đến việc virus đột biến có liên kết tốt hơn - tức là khi một virus tìm được đường đến tế bào người, nó có thể bám chắc hơn. Đồng thời, các bệnh nhân nhiễm virus dường như có tải lượng virus cao (hay số lượng virus trong máu của họ), do đó, virus phát tán nhiều và lây lan dễ dàng hơn.

Bà Bhakti Hansoti, Phó Giáo sư về Y học Cấp cứu - Y tế quốc tế tại Đại học Johns Hopkins và Trường Y tế Công cộng Bloomberg, nói với tờ USA Today rằng, một số trường hợp dương tính với chủng Delta có các triệu chứng mất thính giác, đau bụng dữ dội và buồn nôn.

Dù vậy, so với các biến chủng trước đó, hiện vẫn chưa có đủ bằng chứng để xác nhận các tác động nghiêm trọng hơn của Delta lên cơ thể.

Một bức tranh khác về chủng Delta

Nhiều chuyên gia cho rằng để chống lại biến thể Delta, phương pháp chủ yếu vẫn là dựa vào vaccine.

Nghiên cứu được công bố từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh cho thấy một người tiêm đủ hai liều vaccine mRNA (Pfizer và Moderna) đạt hiệu quả bảo vệ 88% trước Delta. Trong khi đó, vaccine AstraZeneca có hiệu quả 60% sau liều thứ hai.

Nhưng, biến thể Delta có thể không thật sự đáng sợ giống như cách truyền thông đang cố gắng “tô vẽ”.

Dữ liệu nghiên cứu của các nhà khoa học cũng cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác về biến chủng này.

Theo đó, Cơ quan Y tế Công cộng Anh đánh giá Delta là biến chủng dễ lây lan, nhưng cũng là một biến thể có “mức độ nhiễm trùng thấp”. Ngoài ra, mặc dù số ca nhiễm do chủng Delta ở Anh lớn, nhưng tỷ lệ tử vong do biến thể này chỉ là 0.1%.

Mặt khác, The Hill hôm 10/6 thậm chí còn tuyên bố, những người mới tiêm vaccine mũi đầu có nguy cơ lây nhiễm Delta cao hơn so với người tiêm đủ 2 liều, do khả năng bảo vệ ở liều đầu tiên chỉ đạt 33%.

Tuy nhiên, những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine cũng không thể tự tin rằng họ đã nằm trong diện an toàn, khi dữ liệu từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh cũng cho thấy có những trường hợp dù đã hoàn thành tiêm chủng vẫn thực sự chết vì biến thể này.

Tờ Dailymail dẫn số liệu các ca tử vong ở Anh do biến thể Delta tính đến giữa tháng 6 cho thấy, trong số 42 nạn nhân thì có 12 người (tức khoảng 29%) đã tiêm đủ 2 liều và 7 người chỉ mới tiêm 1 liều duy nhất.

Như vậy, đã có khoảng 45.2% những người đã tiêm vaccine từ 1 - 2 liều tử vong vì biến chủng Delta, điều đó chứng tỏ rằng, việc dựa dẫm vào vaccine nhằm chống lại sự lây lan của virus không hẳn là một biện pháp đem lại hiệu quả tuyệt đối.

Bảo Vy



BÀI CHỌN LỌC

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: ‘Cứ 1 người nhiễm lại lây cho 5 người’