Phẫu thuật Trung Y cổ đại rất phát triển, vậy tại sao hiện lại thất truyền?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người hiện đại thường nghĩ y học Tây phương mới có thể tiến hành phẫu thuật, Trung Y thì làm sao có thể làm phẫu thuật được? Trên thực tế, thời Trung Quốc cổ đại, ngoại khoa trong y học rất phát triển và đã được ghi chép lại rất nhiều trong sách cổ...

Triều đại nhà Tùy có cuốn y thư rất nổi tiếng tên là Chư bệnh nguyên hậu luận (nguyên nhân và chứng hậu của các bệnh tật). Cuốn y thư này được viết bởi Thái y Sào Nguyên Phương, trong đó có đoạn thuật lại rằng:

“Khi bị thương bởi đao kiếm mà đứt ruột, nếu thấy đầu đứt của hai khúc ruột ấy, vẫn có thể nối lại. Trước tiên dùng chỉ khâu nối lại, phương pháp như sau: nối các đoạn ruột, liền lấy máu gà thoa vào chỗ ấy, chớ để thoát mất khí, đẩy sát chúng vào nhau. Nếu vết thương đau nhiều, nên lấy chỉ mới khâu lại, tránh để chảy máu”.

Đoạn ghi chép này mô tả lại việc thầy thuốc nối lại ruột của một bệnh nhân bị đứt thông qua phẫu thuật. Trung Y cổ đại đã sử dụng các dụng cụ gì để phẫu thuật và tiến hành thao tác như thế nào? Tại sao phẫu thuật trong ngoại khoa của Trung Y lại không truyền lại được cho thế hệ sau?

Thuốc gây mê trong Trung Y cổ đại

Nhắc đến phẫu thuật thời cổ đại, mọi người đầu tiên thường nghĩ đến Hoa Đà. Đây cũng ông tổ ngành phẫu thuật trong ngoại khoa của y học Trung Hoa.

Hoa Đà đã phát minh ra “ma phí tán” - loại thuốc gây mê sớm nhất trên thế giới. Người bệnh sau khi uống ma phí tán, cơ thể sẽ mất tri giác. Các thầy thuốc sau đó có thể “khô phá phúc bối, trừu cát tích tụ” - nghĩa là tiến hành phẫu thuật mở bụng để cắt bỏ các khối u. Rất tiếc là ma phí tán về sau đã bị thất truyền.

Tuy nhiên, sau ma phí tán cũng có xuất hiện các loại thuốc gây mê khác. Ví dụ có “hồi hương thảo tán” của y học gia Trần Thực Công thời nhà Minh chuyên về ngoại khoa. Hồi hương thảo tán là loại thuốc gây mê cục bộ được chế từ 2 vị thuốc hồi hương thảo và cao lương khương. Trong cuốn Ngoại khoa chính tông, ông có ghi lại việc sử dụng hồi hương thảo tán trong phẫu thuật cắt polyp mũi:

“Trước tiên, dùng hồi hương thảo tán thổi vào niêm mạc mũi 2 lần, sau đó dùng một sợi chỉ để quấn chặt chân của polyp mũi, xoắn lại và kéo xuống, polyp sẽ rụng ra”.

Dao mổ thời cổ đại là như thế nào?

Từ trước thời Hoa Đà, đã có nhiều sách vở ghi chép về dụng cụ tiến hành phẫu thuật trong ngoại khoa của Trung Y. Trong Sơn hải kinh có đoạn thuật lại rằng: “Núi ở Cao Thị trên đó có rất nhiều ngọc, có loại đá có thể làm kim châm đá, có thể phá vỡ được các loại u nhọt”.

Sách Tố Vấn cũng có ghi rằng: “Ở Phương Đông... các bệnh đều là ung nhọt, chữa bệnh ấy nên dùng đến biếm thạch”.

Vào thời đó, người ta sử dụng biếm thạch để chế tạo các dụng cụ y tế khác nhau, như kim châm đá, liềm đá, và chúng có đủ các kích cỡ to nhỏ khác nhau. Liềm đá tương tự như một lưỡi dao, có thể sử dụng để cắt bỏ khối u và cắt lọc phần thịt đã thối nát.

Hiện nay, liềm đá đã được khai quật và phát hiện ở Trung Quốc, cụ thể là huyện Cảo Thành, tỉnh Hà Bắc. Niên đại của khí cụ này là từ thời nhà Thương, cách ngày nay 3400 năm, có thể nói đây là con dao mổ đầu tiên trên thế giới.

Ngoài ra, biếm thạch còn được dùng để dưỡng sinh và điều trị bệnh tật, có tác dụng điều lý khí huyết, sơ thông kinh lạc. Y học hiện đại cũng đã phát hiện biếm thạch có chứa ít nhất hơn 30 loại nguyên tố vi lượng có lợi cho sức khỏe.

Theo sự ngày càng phổ biến của đồ đồng và đồ sắt, người ta bắt đầu sử dụng các kim loại như đồng, sắt để chế tạo kim, dao, liềm và nhiều dụng cụ phẫu thuật khác.

Sau thời Tần-Hán, dụng cụ phẫu thuật đã không ngừng phát triển. Trong cuốn sách Thế y đắc hiệu phươngVĩnh loại kiềm phương đều có ghi chép:

Các dụng cụ phẫu thuật phổ biến như nhíp và kéo đã được tìm thấy trong các di tích văn hóa được khai quật từ thời nhà Đường... Từ thời Tống đã xuất hiện rất nhiều các dụng cụ hoàn chỉnh thường dùng trong phẫu thuật ngoại khoa, như kim, dao, kéo, nhíp, đục. Một loại dụng cụ y tế đã được khai quật ở huyện Giang Âm, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ngoài dao bằng sắt và đồng, kéo nhỏ và nhíp, còn có một con dao phẫu thuật hình lá liễu có cạnh sắc ở một đầu, rất giống với dao mổ thời hiện đại.

Trong cuốn Ngoại khoa minh ẩn tập, được viết bởi y gia Hà Cảnh Tài thời nhà Thanh, có mô tả ngắn gọn về một số dụng cụ phẫu thuật như dao sang, kim tam lăng, dao bình nhận, dao nguyệt nhận, kéo và nhíp… Dao sang là con dao mỏng và sắc bén nhất, dùng nó thao tác ra vào phải rất nhanh. Kim tam lăng là kim dùng để giải phóng máu độc bị ứ trệ, dùng nó chích cho lỗ thủng rộng ra, để dịch ứ đọng có thể chảy ra. Dao bình nhận dùng để cắt phần thịt đã hoại tử hay da thừa. Dao nguyệt nhận thì để cắt bỏ khối u ở sâu bên trong. Nhíp dùng để kẹp cố định phần da thừa, thịt chết, giúp dao mổ tiến hành dễ dàng hơn.

Chỉ phẫu thuật: “chỉ dâu”

Chỉ phẫu thuật cũng là một phát minh quan trọng trong lịch sử ngành ngoại khoa của Trung Y. Chỉ dâu là một trong những chỉ khâu thường dùng. Sách phức phương có chép lại phương pháp chữa trị ruột bị cắt đứt: “chỉ dâu dùng để khâu ruột, liền da dùng bột bồ hoàng”.

Cuốn Khuê xa chí thời nhà Tống có viết: “...dùng dao tự tử, kết cục lại không chết, thầy thuốc dùng chỉ dâu khâu vết thương và bôi thuốc’’.

Các thầy thuốc Trung Y từ thời xưa đã chỉ ra phương pháp làm chỉ dâu. Trước tiên, cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài, lựa những gân vỏ to, rồi xé nhỏ ra. Sau đó lại lấy vỏ bên ngoài lau sợi chỉ từ đầu đến đuôi 7 lần để cho sợi chỉ mỏng mượt hơn, cất trữ cẩn thận. Đến khi sử dụng, khử trùng bằng hơi nước đun sôi, sợi chỉ sẽ lại mềm như mới. Chỉ dâu có thể được cơ thể hấp thu, do đó không cần phải tháo chỉ sau khi khâu.

Chỉ dâu rất tiện sử dụng mà lại không dễ bị đứt. Không chỉ vậy, bản thân vỏ dâu có dược tính bình hòa, có tác dụng thanh nhiệt giải độc và thúc đẩy quá trình làm nhanh lành vết thương.

Làm thế nào để khử trùng vết thương và cầm máu?

Ngoại khoa thời cổ đại có các loại thuốc cao, thuốc rửa, và các loại khác có tác dụng rất tốt trong phẫu thuật như chống thối rữa, sinh cơ, làm se da... để giúp cầm máu và chữa lành vết mổ.

Tại sao phẫu thuật ngoại khoa trong Trung Y không được truyền lại đến ngày nay?

Việc phát hiện ra các dụng cụ phẫu thuật này, cho đến các phương pháp phẫu thuật và cách sử dụng thuốc trong sách cổ, đủ để chứng tỏ phẫu thuật trong Trung Y cổ đại rất phát triển. Đáng tiếc là rất nhiều thứ tinh hoa không được lưu truyền lại. Cho nên rất ít người thời nay liên kết Trung Y với phẫu thuật.

Nguyên nhân của điều này, một phần là do suy nghĩ của mọi người đang dần bị Tây hóa, mặt khác cũng do tập quán truyền thừa của y học Trung Quốc và những thay đổi trong toàn bộ môi trường xã hội.

Trong Trung Y, hay rộng hơn là Đông Y, y thuật truyền cho đồ đệ giống với Đạo gia. Mặc dù các thầy thuốc có thể thu nhận nhiều đệ tử, nhưng chỉ có một người trong số đó được chân truyền.

Một số thầy thuốc hành nghề y có được những phương thuốc gia truyền và kinh nghiệm quý báu của tổ tiên để lại, nhưng họ vẫn luôn tìm những người có đạo đức, tâm tính và ngộ tính tốt mới truyền dạy. Phải có đủ cả y đức lẫn y thuật, thì đồ đệ mới có thể được thầy truyền thụ cho tinh hoa cốt tủy chân chính.

Xã hội thời nay, giáo dục đào tạo Trung Y nói chung cũng đã được Tây hóa. Người học Trung Y cần phải học Tây Y, có được bằng cấp và chứng chỉ học thuật, mới được xã hội công nhận. Một số thầy thuốc dân gian, tuy được kế thừa rất tốt về y thuật, nhưng họ không được mọi người chấp nhận bởi họ không có bằng cấp học thuật hiện đại.

Hơn nữa, trong thời đại xã hội hỗn loạn này, sự lưu truyền các bài thuốc thật giả lẫn lộn, khiến người bình thường khó mà phân biệt được, nên những điều thật sự trân quý cũng khó được phát hiện và bảo tồn.

Thiên Thanh
- Theo The Epoch Time.



BÀI CHỌN LỌC

Phẫu thuật Trung Y cổ đại rất phát triển, vậy tại sao hiện lại thất truyền?