Phát hiện loại virus corona 'đột biến nhất' với 34 lần biến đổi gen

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Có vẻ như virus đang phát triển khá nhanh mặc dù chúng ta áp dụng các biện pháp phong toả. Vẫn còn khá sớm để đưa ra kết luận về biến thể này, nhưng các dấu hiệu có vẻ không ổn".

Một biến thể của virus corona được cho là có nhiều đột biến nhất thế giới đã được tìm thấy ở Tanzania (Châu Phi), theo các nhà nghiên cứu.

Các nhà virus học cho biết loại virus này có nhiều đột biến hơn bất kỳ chủng nào khác, bao gồm các biến thể tìm thấy ở Nam Phi và Ấn Độ.

Loại biến thể này được phát hiện lần đầu từ ba du khách khi xét nghiệm tại một sân bay ở Angola sau khi họ bay từ Tanzania vào giữa tháng Hai, theo báo Daily Mail.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các mẫu trong phòng thí nghiệm và phát hiện ra virus này đã có 34 lần biến đổi, 14 trong số đó nằm trên protein 'đột biến' mà nó sử dụng để bám vào tế bào người và gây bệnh.

Giáo sư Tulio de Oliveira, người phát hiện ra biến thể, cho biết: "Khi so sánh với các biến thể khác, đây là biến thể khác biệt nhất."

Ông mô tả chủng, được gọi là A.VOI.V2 là "dòng A đa dạng nhất từng được mô tả". Dòng A là biến thể trực tiếp của dòng virus Vũ Hán ban đầu.

Trong khi đó, biến thể ở Nam Phi và Ấn Độ là các dòng B - những biến thể bắt nguồn từ một dòng khác - đã lây lan mạnh trong thời gian gần đây, dù có ít thay đổi gen hơn.

Hiện chưa có kết luận về việc biến thể Tanzania có nguy hiểm hơn những biến thể hiện nay hay không. Các nhà khoa học cũng chưa biết loại virus này có phổ biến hay không vì việc xét nghiệm ở châu Phi rất hạn chế.

Giáo sư Tulio de Oliveira cho biết A.VOI.V2 "có khả năng được quan tâm" đơn giản vì nó có nhiều đột biến.

Giáo sư de Oliveira cho biết trên Twitter: "Đó là trình tự dòng A đa dạng nhất từng được mô tả".

"Điều này cũng khiến chúng tôi lo lắng vì nó được tìm thấy ở ba du khách đến từ Tanzania ở Angola. Hầu như không có dữ liệu về dịch Covid-19 ở Tanzania".

Lý do khiến một số lượng lớn các đột biến gây lo ngại cho các nhà khoa học vì nó làm giảm tác dụng của vaccine.

Các kháng thể của hệ thống miễn dịch sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn đối với các loại virus mà chúng chưa từng thấy trước đây.

Do đó, nhiều người đã được tiêm chủng vẫn có thể bị tái nhiễm hoặc bị nhiễm dịch nếu các biến thể mới chiếm ưu thế trong tương lai.

Trong bài báo, các nhà nghiên cứu cho rằng biến thể Tanzania có thể có "khả năng chống lại các kháng thể trung hòa và có khả năng tăng khả năng lây truyền".

Quy mô thực sự của đợt bùng phát ở Tanzania vẫn chưa được biết nhưng Tổ chức Y tế Thế giới đã ghi nhận 24.518 trường hợp nhiễm dịch và 563 ca tử vong ở quốc gia này.

Bình luận về các trường hợp biến thể mới, Giáo sư Paul Hunter, một nhà dịch tễ học từ Đại học East Anglia, nói thêm: "Có vẻ như virus đang phát triển khá nhanh mặc dù chúng ta áp dụng các biện pháp phong toả. Vẫn còn khá sớm để đưa ra kết luận về biến thể này, nhưng các dấu hiệu có vẻ không ổn".

Xem thêm:

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện loại virus corona 'đột biến nhất' với 34 lần biến đổi gen