“Nỗi đau” biết ngỏ cùng ai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thức dậy vào buổi sáng với người bị đau mãn tính là một cực hình. Chân, tay, vai, cổ và lưng của mình có một cảm giác đau đớn tột cùng và mỗi bước đi đều phải chịu đau đớn...

Albert Schweitzer, là một tiến sĩ, thầy thuốc người Đức từng đoạt giải Nobel Hoà bình năm 1952, đã nói: “Đối với loài người, đau còn khủng khiếp hơn chính cả cái chết”. Những ai đang bị cơn đau dai dẳng hành hạ có lẽ sẽ thấm thía câu nói này, bởi họ đang phải chịu đựng những nỗi khổ không biết ngỏ cùng ai.

1. Thức dậy vào mỗi buổi sáng là một thách thức

Thức dậy vào buổi sáng với người bị đau mãn tính là một cực hình. Jenni Prokopy là người sáng lập ChronicBabe.com, và cũng là một người bị đau cơ xơ hóa đồng thời với các bệnh mãn tính khác; cô cho biết chân, tay, vai, cổ và lưng của mình có một cảm giác đau đớn tột cùng và mỗi bước đi đều phải chịu đau đớn. Việc ra khỏi giường và bắt đầu ngày làm việc mới là cả một thách thức đối với cô.

2. Giấc ngủ thật khó gặp

Giấc ngủ có thể có tác động rất lớn đến các triệu chứng đau mãn tính và ngược lại. Cơn đau làm người bệnh khó đi vào giấc ngủ. Ngược lại, tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ làm cho tình trạng đau mãn tính trầm trọng hơn và nó tạo ra một vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Thiền định, hít thở sâu, đốt tinh dầu oải hương, đeo nút tai, giữ phòng ngủ ở nhiệt độ phù hợp, sử dụng tấm trải giường siêu mềm và không nhìn vào màn hình điện tử trong 30 phút trước khi đi ngủ... là một vài điều mà người bị đau mãn tính thường được khuyên nên áp dụng. Trong trường hợp nặng hơn, có người phải dùng đến thuốc ngủ.

3. Tiêu trầm và tăng nguy cơ trầm cảm

Các nghiên cứu cho thấy, những người bị đau mãn tính có nhiều nguy cơ bị trầm cảm và tự tử cao hơn những người khác. Paul J là giáo sư chuyên khoa đau tại Trường Y khoa Johns Hopkins và là người dẫn chương trình phát thanh của Aches and Gains, ông cho biết: "Đau mãn tính có thể khiến bạn cảm thấy mất tinh thần và mất khả năng làm việc, giao tiếp xã hội, tập thể dục và làm những việc khiến cuộc sống trở nên đáng sống".

Đau mãn tính cũng có thể làm cho các triệu chứng trầm cảm hiện có tồi tệ hơn. Ngày qua ngày, khi cơn đau mãn tính ngày một nặng, thì sự tự tin và niềm tin của người bệnh vào cuộc sống sẽ ngày một giảm. Do đó, nhà trị liệu cần hiểu được nhu cầu của bệnh nhân đau mãn tính, đây có thể là chìa khóa để duy trì sức khỏe tinh thần cho họ.

4. Gặp khó khăn trong việc tập trung

Nhiều bệnh nhân đau mãn tính gặp khó khăn trong việc tập trung. Cơn đau chiếm toàn bộ tâm trí họ, gây khó khăn cho việc tập trung vào những thứ mà họ muốn làm, chẳng hạn như đọc sách, tập thể dục hoặc thậm chí là nói chuyện.

5. Những câu hỏi như: “Hôm nay bạn có đau không?” trở nên thật ngớ ngẩn

Một người đau mãn tính tâm sự: “Tôi không thể nhịn cười trước câu hỏi này. Và càng cảm thấy tồi tệ khi phải bắt buộc trả lời. Tôi biết người hỏi không phải vì ác ý hoặc thiếu hiểu biết, mà là vì họ phải hỏi thôi”. Không ai có thể hiểu rõ được nỗi đau của người khác, cho đến khi chính họ trải nghiệm nó.

6. Bác sĩ không phải lúc nào cũng hiểu bệnh nhân

Các bác sĩ là những người tuyệt vời, họ làm công việc khó khăn nhất trên thế giới. Nhưng không phải lúc nào họ cũng hiểu bệnh nhân của mình. Một số bác sĩ cho rằng người trẻ không thể bị đau mãn tính và các loại thuốc giảm đau mạnh sẽ luôn gây nghiện.

7. Cảm thấy nhẹ nhõm khi thuốc giảm đau bắt đầu hoạt động

Đau đớn ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người bệnh, bao gồm cả cách họ tương tác với người khác. Khi thuốc giảm đau phát huy tác dụng, nó sẽ làm cơn đau nhẹ đi hoặc tan biến. Lúc đó, họ cảm thấy thật nhẹ nhõm. Thoát khỏi nó, họ như được trở lại là chính mình, thay vì là một người vật vã chống chọi với cơn đau để sống qua ngày.

8. Phụ thuộc thuốc

Bất kỳ sai sót về thủ tục nào làm việc cấp thuốc giảm đau cho lần tiếp theo bị trì hoãn, đều sẽ khiến cho cuộc sống của người bệnh trở nên vô cùng khó khăn. Không có thuốc giảm đau, họ sẽ chẳng làm được gì ngoại trừ việc phải sống trong đau đớn.

9. Vậy mà... thuốc không thể hoàn toàn loại bỏ cơn đau

Thuốc giảm đau không điều trị được căn nguyên của bệnh tật, do đó, người bệnh sẽ sống chung với cơn đau mãn tính cả cuộc đời. Đó là chưa kể đến các tác dụng phụ do việc dùng thuốc giảm đau gây ra.

10. Nhìn bề ngoài thì không ai tin là bạn đang bị bệnh

Không giống như các bệnh có thể thấy bằng mắt thường, cơn đau mãn tính là vô hình. Bạn có thể thấy ai đó đeo băng bó hoặc nẹp khi họ bị chấn thương, còn các cơn đau mãn tính thì ở bên trong. Nó ở trong não, tủy sống, cơ thể và mọi người không thể nhìn thấy nó, vì thế họ sẽ không dễ dàng tin và cảm thông với người đau mãn tính. Đó chính là nỗi đau cả về thể xác và tinh thần mà người đau mãn tính phải chịu đựng. Và họ, thật sự cần được hỗ trợ.

Minh Sang
- Tổng hợp từ WebMD và Prevention.com.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

“Nỗi đau” biết ngỏ cùng ai