Nọc của ong mật có thể tiêu diệt tế bào ung thư ác tính trong vòng 60 phút

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ong chích có thể gây tử vong cho con người, nhưng theo một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí ung thư Precision Oncology, độc tố trong nọc ong mật có thể tiêu diệt tế bào ung thư vú...

Những vết ong chích thường vô cùng đau nhức và thậm chí gây tử vong cho con người. Tuy nhiên, theo nghiên cứu gần đây của Tiến sĩ Ciara Duffy đăng trên tạp chí ung thư Precision Oncology cho thấy, độc tố trong nọc ong mật có thể tiêu diệt tế bào ung thư vú.

Tiến sĩ Ciara Duffy, Trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y khoa Harry Perkins và Đại học Tây Australia cho biết: độc tố này có tên là melittin, chưa bao giờ được thử nghiệm rộng rãi về đặc tính chống ung thư trên các dạng phụ khác nhau của ung thư vú, bao gồm cả ung thư vú bộ ba âm tính. Ung thư vú bộ ba âm tính là ung thư có thụ thể estrogen, progestrogen và HER2 âm tính.

Ung thư vú bộ ba âm tính là dạng ung thư vú khó điều trị. Nó có thể gây tử vong trong 5 năm đầu tiên nếu không được chữa trị kịp thời. Và cho dù được điều trị, tế bào ung thư vẫn có thể xâm lấn ra ngoài vú và tái phát trong vòng 3 năm sau đó.

Đáng chú ý là độc tố trong nọc của ong mật không chỉ tiêu diệt ung thư, nó còn có thể phá vỡ khả năng sinh sản dai dẳng của tế bào ác tính chỉ trong một thời gian ngắn. Tiến sĩ Duffy cho biết:

“Chúng tôi phát hiện ra rằng melittin (trong nọc độc của ong mật) có thể phá hủy hoàn toàn màng tế bào ung thư chỉ trong vòng 60 phút”, và độc tố này chỉ mất 20 phút để có thể xóa sổ các đường truyền tín hiệu phân chia bên trong tế bào ung thư để giảm sự nhân lên của tế bào.

Khi melittin bị ngăn chặn bởi kháng thể, các tế bào ung thư vẫn sống sót sau khi tiếp xúc với nọc ong. Nó cho thấy melittin thực sự là thành phần nọc độc ảnh hưởng đến các kết quả thử nghiệm trước đó.

Nọc độc của các loài ong khác có lợi hại như vậy không?

Trên thế giới hiện nay đã khám phá được hơn 20.000 chủng loài ong khác nhau, nhưng không phải tất cả đều chữa được ung thư.

Tiến sĩ Duffy đã làm thí nghiệm trên 312 chú ong mật và ong vò vẽ đến từ thủ phủ Perth của bang Tây Úc. Kết quả cho thấy nọc độc của ong vò vẽ không hề có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư. Còn đối với ong mật, kể cả có nguồn gốc khác nhau (chẳng hạn Anh và Ireland), thì khả năng điều trị ung thư vẫn không hề thay đổi.

Không dừng lại ở đó, nhà khoa học Úc này đã tìm cách chiết xuất melittin từ ong mật còn sống và bà phát hiện thấy nó "vẫn phản ánh phần lớn tác dụng chống ung thư như của nọc ong mật”. Với phát hiện này, Tiến sĩ Duffy hy vọng có thể kết hợp độc tố này với các loại thuốc khác để điều trị ung thư.

“Chúng tôi phát hiện ra rằng melittin có thể được sử dụng với các phân tử nhỏ hoặc các liệu pháp hóa trị - chẳng hạn như docetaxel - để điều trị các loại ung thư vú giai đoạn cuối. Sự kết hợp giữa melittin và docetaxel là cực kỳ hiệu quả trong việc giảm sự phát triển của khối u ở chuột".

Kim Anh
- Theo Studyfinds.



BÀI CHỌN LỌC

Nọc của ong mật có thể tiêu diệt tế bào ung thư ác tính trong vòng 60 phút