Những rủi ro và chú ý khi nhuộm tóc, 6 loại người không nên nhuộm tóc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhuộm tóc làm đẹp rất phổ biến hiện nay, dù nam hay nữ, già hay trẻ. Sử dụng thuốc nhuộm vừa phải sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng có một số người thì nên đặc biệt lưu ý...

Nhuộm tóc giúp người già tự tin và trẻ trung, giúp bạn trẻ thể hiện nét cá tính, là nhu cầu của hầu hết mọi lứa tuổi. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể nhuộm tóc. Trong một số trường hợp, phản ứng gặp phải sau khi nhuộm tóc thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Những tai nạn đáng tiếc

Theo báo Tuổi trẻ đưa tin, giáo viên Trần Thị D. 70 tuổi ở Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội, sau khi dùng thuốc nhuộm tóc do con gái từ nước ngoài gửi về thì đã bị dị ứng nhiều lần. Mới đầu chỉ nhẹ, nhưng đến lần thứ tư thì bị nặng - sưng mặt, đầu và hai mắt, mụn nổi đầy mặt.

Một trường hợp khác cũng ở Hà Nội, sau khi được vợ nhuộm tóc cho, anh chồng đã phải nhập viện cấp cứu do dị ứng nghiêm trọng với thuốc nhuộm. Và không chỉ ở Việt Nam, nước ngoài cũng có nhiều tai nạn xảy ra sau khi nhuộm tóc.

Cô Xu, 28 tuổi, người Trung Quốc, đã đi nhuộm tóc tại một salon nổi tiếng. Sau đó, da cô bắt đầu bị ngứa và các nốt mụn nước lớn đã xuất hiện ở trên đầu, cổ. Cô được bác sĩ chẩn đoán bị bỏng hóa chất do thuốc nhuộm.

Cũng tại Trung Quốc, nhưng không được may mắn như cô Xu, một giáo viên nữ 47 tuổi ở Liêu Ninh đã gặp phản ứng dị ứng nặng sau khi nhuộm tóc. Mặt, mắt bị đỏ và sưng tấy, đồng thời cô thở rất khó khăn. Sau 10 ngày điều trị, cô đã tử vong.

Những rủi ro cần lưu ý khi nhuộm tóc

1. Dị ứng da

Thuốc nhuộm tóc là một hỗn hợp của rất nhiều hợp chất khác nhau, thường chứa hydrogen peroxide, NH3, kim loại nặng, p-phenylenediamine (PPD) và hợp chất amin thơm. Tất cả chúng đều có thể gây ra dị ứng. Đỏ và ngứa da đầu là những phản ứng bất lợi thường gặp phải. Thời gian nhuộm càng lâu, nguy cơ xảy ra rủi ro càng cao.

Trong số những hợp chất này, PPD có chi phí thấp nhất, nhanh lên màu và giữ màu bền nhất, là thành phần quan trọng của thuốc nhuộm. Tuy nhiên, PPD đặc biệt dễ thẩm thấu vào cơ thể thông qua da đầu và là một chất có nguy cơ gây dị ứng cao. Trường hợp dị ứng phổ biến nhất do nó gây ra là viêm da tiếp xúc.

Cần chú ý thuốc nhuộm tóc trước khi sử dụng... (Pixabay)
2. Hỏng tóc hay xơ tóc

Nhuộm tóc sẽ khiến tóc bạn bị khô, giòn và xỉn màu. Thuốc nhuộm kích thích da đầu trong thời gian lâu có thể dễ gây ra hiện tượng teo nang lông và dẫn đến rụng tóc vĩnh viễn.

3. Nhiễm độc chì

Sau khi thuốc nhuộm được hấp thụ vào cơ thể thông qua da đầu, những chất có hại trong thuốc sẽ được chuyển hóa và bài tiết thông qua gan, thận. Thường xuyên nhuộm tóc sẽ làm tổn thương chức năng của những nội quan này. Ví dụ: chì là kim loại nặng thường có trong thuốc nhuộm tóc và có thể tích tụ lâu dài. Nó có thể gây ra ngộ độc chì, là nguyên nhân của tình trạng chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, tê bì, đau bụng và các triệu chứng khác.

4. Nguy cơ gây ung thư

Theo kết luận nghiên cứu của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế thuộc Tổ chức Y tế thế giới (IARC), thuốc nhuộm tóc có thể gây ra ung thư đối với thợ làm tóc, khả năng gây ung thư đối với người nhuộm tóc thì chưa rõ. Tuy nhiên, một số báo cáo cho thấy, nguy cơ ung thư da và ung thư bàng quang tăng lên sau 10 năm sử dụng thuốc nhuộm tóc liên tục.

Mặc dù bằng chứng về nguy cơ gây ung thư của PPD vẫn chưa đầy đủ, nhưng các nước như: Đức, Pháp, Thụy Điển và một số nước khác đã cấm thuốc nhuộm tóc có chứa PPD. Để giảm nguy cơ ung thư, Liên minh châu Âu, Đài Loan và Hoa Kỳ đã quy định nồng độ của chất này trong thuốc nhuộm tóc lần lượt là không quá 2%, 4% và 8%.

Dù chúng ta có thích nhuộm tóc nhiều đến mấy, thì cũng không nên nhuộm tóc khi rơi vào 6 nhóm đối tượng sau:

      1. Bệnh nhân bị bệnh chàm (eczema) da đầu hay viêm da tiết bã;
      2. Người có vết thương trên da đầu;
      3. Người bị dị ứng;
      4. Bệnh nhân suy giảm chức năng gan và thận;
      5. Bệnh nhân ung thư;
      6. Phụ nữ mang thai và cho con bú.

Trước-Trong-Sau khi nhuộm tóc và những điều cần chú ý

Nguyên tắc cơ bản khi nhuộm tóc là cần giảm tổn thương trực tiếp tới đầu và da đầu.

Trước khi nhuộm

Đầu tiên là cần chú ý thuốc nhuộm tóc. Cần phải dùng loại có thương hiệu rõ ràng, chất lượng. Những người bị dị ứng với p-phenylenediamine phải chọn loại thuốc nhuộm không chứa thành phần này.

Thử dị ứng trên một vùng da trước. Phương pháp là bôi thuốc nhuộm lên tay hay sau tai và quan sát. Nếu thấy dấu hiệu da mẩn đỏ, sưng tấy, mụn rộp và các phản ứng khác, thì nên đổi loại thuốc nhuộm hay dừng lại.

Không gội đầu hai ngày trước khi nhuộm. Mục đích là để tạo một lớp màng bảo vệ tự nhiên cho da đầu. Bạn cũng có thể bôi một lớp kem chống nắng hay dầu khoáng để bảo vệ da đầu.

Trong khi nhuộm

Cần tránh thuốc nhuộm dính vào tay, cổ, mắt, tai... Đeo khẩu trang khi sử dụng thuốc nhuộm có mùi quá mạnh. Ngoài ra, tham khảo hướng dẫn thời gian nhuộm trên sản phẩm để tránh đợi quá lâu. Thời gian nhuộm thích hợp khoảng 20-30 phút.

Sau khi nhuộm

Xả tóc với nước ấm và đợi đến khi da đầu sạch sẽ thì gội lại cho sạch đầu. Bạn phải sử dụng vòi hoa sen gội đầu, không nên ngâm toàn bộ đầu vào trong bồn.

Tóc rất dễ bị tổn thương sau khi nhuộm, cho nên việc chăm sóc tóc là điều rất cần thiết. Hãy uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh để nhanh chóng loại bỏ những chất độc hại ra khỏi cơ thể.

Cho dù thích nhuộm tóc, chỉ nên nhuộm tối đa 3 tháng 1 lần.

Hà Thành
- Theo NTD tiếng Trung.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Những rủi ro và chú ý khi nhuộm tóc, 6 loại người không nên nhuộm tóc