Những món ăn nhiều người Việt ưa thích gần ngày Tết nhưng lại chứa 'cả ổ' giun sán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đôi khi, một số món ăn khoái khẩu lại là 'thủ phạm' khiến cơ thể bạn bị nhiễm giun sán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể mất mạng...

Việc ăn chín uống sôi tưởng chừng như là điều bình thường và ai cũng biết. Thế nhưng, thói quen ăn sống, ăn tái, đặc biệt đối với những món thịt vẫn diễn ra phổ biến và hầu như ít người quan tâm đến tác hại.

Những món ăn sau đây có chứa nhiều ký sinh trùng nhất và chúng ta nên đặc biệt cẩn thận, nếu không sẽ trực tiếp đưa vào cơ thể hàng ngàn ký sinh trùng khi ăn.

Tiết canh

Được chế biến từ tiết và nội tạng của các loại gia súc, gia cầm như lợn, vịt, ngan, thỏ,... đây là món ăn yêu thích của nhiều người Việt vì cho rằng nó giàu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nó lại tiềm ẩn nguy cơ nhiễm các loại sán nhiều nhất. Các chuyên gia cảnh báo người ăn tiết canh rất dễ bị nhiễm ký sinh trùng, giun sán, bệnh về tiêu hóa hay viêm não.

Bản chất đây là món ăn sống nên chứa rất nhiều vi khuẩn, vi trùng, giun sán. Khi chúng ta ăn tiết canh, ấu trùng, giun sán sẽ đi trực tiếp vào cơ thể và chúng sinh sôi, phát triển thành sán trưởng thành và gây ra các bệnh nguy hiểm như viêm não mô cầu, liên cầu khuẩn, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Món tiết canh gây ra 70% ca bệnh liên cầu lợn trên người. (Ảnh minh họa)

Nem chua, thịt chua

Những người thường xuyên ăn nem chua, ăn gỏi lợn hoặc ăn thịt lợn nấu chưa chín, rất dễ nhiễm giun xoắn. Điều bạn cần biết là nem chua bản chất là thịt lợn sống lên men, không qua chế biến nhiệt nên nó có thể chứa rất nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng. Khi ăn vào cơ thể sẽ gây ra rất nhiều bệnh lý nguy hiểm như: rối loạn tâm thần như cuồng sảng hoặc ngủ gà, huyết áp hạ, mạch nhanh, nhỏ,... Nếu ăn quá nhiều về lâu dài có thể ảnh hưởng tới tính mạng.

Bên cạnh đó, nhiều người còn bị sán lá gan sau khi ăn nem chua. Do đó, chuyên gia khuyến cáo để phòng bệnh, người dân không ăn thịt lợn tái, gỏi sống, nem chua.

Những gói thịt lợn lên men nhỏ gói trong lá chuối ở Lào... (Wikipedia/Basile Morin)

Những món ăn từ thịt tái, sống

Nhiều người có sở thích ăn những món ăn chế biến từ thịt tái sống bởi họ nghĩ ăn như thế sẽ có nhiều chất dinh dưỡng hơn. Thế nhưng đó lại là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh liên quan đến giun sán. Bởi các loại thịt tái, sống trong quá trình bảo quản sẽ có khả năng nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng của giun, sán rất cao.

Ví dụ tiêu biểu là các món thịt bò tái, bít tết tái, bên trong vẫn còn nguyên màu máu đó vì người ta cho rằng như vậy miếng thịt mới giữ được nguyên vẹn vị thơm ngọt. Tuy nhiên, họ không biết rằng bệnh sán dây bò cũng bắt nguồn từ những món ăn này. Loài sán này rất nguy hiểm, có thể sống trong cơ thể người 50 - 60 năm ở trong ruột, trong cơ, não, mắt…

Ngoài ra cũng phải kể đến sán lá gan lớn, ký sinh chủ yếu ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu… và gây bệnh ở người. Bệnh có diễn biến cấp tính, gây đau bụng vùng gan, tổn thương gan, nguy hiểm đến tính mạng.

Ốc

Ốc là loài sống trong môi trường bùn lầy, thường chứa rất nhiều các loại ký sinh trùng có hại cho cơ thể. Sau khi bị nhiễm, ký sinh trùng giun ống này có thể xâm nhập vào não, gây ra bệnh viêm màng não. Ngoài ra, ốc còn có rất nhiều loại ký sinh trùng khác. Vì thế các chuyên gia khuyến cáo, nếu ăn ốc, bạn phải nấu thật chín. Tuyệt đối không nên ăn ốc chín tái.

Gỏi cá

Người “sành điệu” trong ăn uống thường thích ăn món gỏi cá, hay còn gọi là sashimi, sushi theo cách ăn của người Nhật. Càng ngày càng có nhiều người có sở thích ăn cá sống theo cách này.

Năm 2010, theo báo cáo của PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng và cộng sự, bệnh sán lá gan nhỏ đã được phát hiện ở ít nhất 24 tỉnh thành trong cả nước, tập trung chủ yếu ở vùng người dân có thói quen ăn gỏi cá.

Những người có thói quen ăn thủy hải sản không nấu kỹ (đặc biệt là gỏi cá) rất dễ bị nhiễm các bệnh như sán lá ruột nhỏ, sán lá gan, và các ký sinh trùng khác. Loài ký sinh này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ nhanh chóng đi vào gan và túi mật, làm hỏng gan nhanh chóng. Khi phát bệnh, cơ thể bắt đầu có dấu hiệu đau nhức, đầy hơi kèm theo đau bụng. Nếu kiểm tra sẽ thấy chức năng gan hoạt động bất thường.

Một suất sushi giản tiện của Nhật Bản (Pixabay)

Rau sống

Sán trưởng thành nằm trong ruột người, rồi đẻ ra trứng và xuất hiện trong phân người, nếu điều kiện vệ sinh kém, trứng sẽ nhiễm vào nguồn nước/rau, nếu rửa không sạch. Trứng từ đó vào cơ thể và phát triển thành con sán. Ngoài ra, ăn rau sống còn có nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa khác như tiêu chảy…

Ấu trùng của sán lá gan lớn được tìm thấy trên một số loại rau thủy sinh ở Việt Nam như: ngổ, cải xoong… Tuy nhiên, không chỉ các loại rau sống dưới nước mà cả những rau trồng trên cạn cũng nhiễm ký sinh trùng giun sán do được tưới bằng nước thải sinh hoạt.

Khi ăn vào cơ thể, các ký sinh trùng sẽ sinh sôi, phát triển và gây hại cho sức khỏe con người, gây ra các bệnh như: tiêu chảy, kiết lị hoặc ngộ độc. Vì thế, để phòng bệnh giun sán, nếu chỉ kiêng ăn sống các loại rau thuỷ sinh thì chưa đủ, mà các loại rau trồng trên cạn cũng cần được nấu chín.

Minh Nhật (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Những món ăn nhiều người Việt ưa thích gần ngày Tết nhưng lại chứa 'cả ổ' giun sán