Những gì chúng ta biết về nói lắp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chứng rối loạn ngôn ngữ hay còn gọi nói lắp có thể gây khó khăn cho việc hòa nhập và phá hỏng các mối quan hệ...

Vào thứ Năm vừa qua (20/8), nhiều người đã phải nín thở khi nghe bài phát biểu của cậu bé 13 tuổi Brayden Harrington ở Concord. “Cháu là một cậu bé bình thường” - Harrington lắp bắp qua camera trong cuộc họp trực tuyến ở Hoa Kỳ. Cậu bé bị chứng nói lắp.

Harrington chỉ là một trong vô số cô cậu bé hiểu rằng chứng rối loạn ngôn ngữ có thể ảnh hưởng như thế nào đến khả năng hòa đồng, các mối quan hệ, thậm chí cả danh tính. Nhưng đây chỉ là một cậu bé bình thường và ít khi phải đối diện với hàng trăm nghìn người để phát biểu.

Năm 2010, bộ phim The King’s Speech đã ra rạp và gặt về tới 4 giải Oscar sau khi khắc họa thành công hình ảnh của vua George VI của Anh, người bị mắc tật nói lắp từ lúc nhỏ. Một người bị nói lắp và thường xuyên phải đối diện với đám đông, vị vua ấy đầy sợ hãi, ngập ngập, phải từng bước nỗ lực gian khổ để có thể nói trôi chảy hơn từng chút. Bộ phim đã cổ vũ và đem lại hy vọng cho biết bao người nói lắp trên thế giới.

Có bao nhiêu người bị lắp?

Cứ 10 đứa trẻ thì sẽ có khoảng 1 bé mắc phải tật nói lắp. Nó thường xảy ra trong khoảng độ tuổi từ 2 đến 7 tuổi. May mắn là 90% trong số này sẽ hết nói lắp trước khi đến tuổi trưởng thành. Nhưng khoảng 1% dân số sẽ gặp cơn ác mộng ban ngày về ngôn ngữ trong suốt cuộc đời họ.

Tỷ lệ bé trai bị nói lắp nhiều gấp đôi các bé gái, điều này đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Khi đến tuổi trưởng thành, tỷ lệ này còn cao hơn, gần gấp 4 lần so với bé gái. Có thể nguyên nhân là do lo lắng, điều này khiến người ta bị nói lắp - do đó tạo ra một đợt căng thẳng có ý thức.

Nói lắp xuất hiện như thế nào?

Khoảng một nửa số trẻ em bị nói lắp liên quan đến những người khác cũng bị nói lắp. Nhưng không thể đoán bé nào sẽ bị chứng rối loạn ngôn ngữ. Không có gen gây ra bệnh nói lắp. Các nhà khoa học không biết liệu chứng rối loạn ngôn ngữ này có liên quan gì đến các vấn đề xảy ra sau khi thụ thai hay trong quá trình phát triển hay không.

Các nghiên cứu về hình ảnh não bộ cung cấp được một vài manh mối. Trong những nghiên cứu này, người ta chụp lại từng khoảnh khắc hoạt động của não bộ khi người nói lắp đọc thành tiếng những từ hoặc đoạn văn, sau đó so sánh hình ảnh này ở những người không bị nói lắp. Từ đó, các nhà nghiên cứu từ Texas và California đã tìm ra hai điểm khác biệt:

    1. Vùng vận động não liên quan tới việc nói hoạt động nhiều hơn ở nhóm người nói lắp so với những người không có vấn đề về lời nói.
    2. Những người nói lắp xuất hiện sự khuyết thiếu trong việc nghe lời nói của chính mình.

Những phát hiện này củng cố các nghiên cứu chất dẫn truyền thần kinh về chứng rối loạn ngôn ngữ. Trong một vài nghiên cứu đã cho thấy nồng độ dopamine tăng cao ở họ. Nó là một chất truyền tin kích hoạt não và liên quan tới sự phối hợp điều khiển vận động.

Có thuốc hay phương pháp điều trị nào tin cậy không?

Các loại thuốc như Xanax chống lo âu hay Celexa chống trầm cảm từng được sử dụng để điều trị nói lắp nhưng hiệu quả không cao. Các tiếp cận khác có vẻ hiệu quả hơn.

Đối với trẻ em, ngôn ngữ trị liệu (liệu pháp ứng phó) là hiệu quả nhất. Trẻ em được phản hồi ngay lập tức về những gì chúng nói. Phản ứng tích cực, khi mọi thứ diễn ra suôn sẻ, dần dần tăng độ dài của câu; và nhẹ nhàng sửa chữa khi nói lắp xảy ra.

Đối với người trưởng thành, cách tiếp cận tốt nhất là giải quyết hoặc quản lý sự lo lắng xung quanh việc nói, hoặc nhịp độ phát biểu, hoặc lý tưởng nhất là cả hai. Liệu pháp quản lý thường cũng được sử dụng đối với chứng lo âu - một khóa học về liệu pháp hành vi nhận thức. Trong đó, mọi người có thể học cách khám phá và xoa dịu giả định vô thức họ có về sự tương tác xã hội.

Các liệu pháp giải quyết giọng nói thường tập trung vào tình trạng nói chậm, sử dụng các thay đổi có chủ ý trong nhịp nói để giảm bớt các bước phát âm.

Hà Thành
- Theo New York Times.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Những gì chúng ta biết về nói lắp