Nhìn lại một năm che giấu virus của Bắc Kinh: Dối trá và Kiểm duyệt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong suốt một năm ròng, chính quyền Trung Quốc nói giảm nói tránh về đại dịch. Trong suốt một năm ròng, chính quyền Trung Quốc nói rằng virus ĐCSTQ đến từ ngoại quốc. Trong suốt một năm ròng, chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt thông tin...

Cùng thời điểm này năm ngoái, các nhà chức trách Trung Quốc thừa nhận một dạng bệnh viêm phổi “chưa được biết đến” đang lan rộng ở thành phố Vũ Hán.

Nhưng đến nay, chúng ta biết được rằng thông tin này khi đó đã quá trễ, COVID-19 vào thời điểm đó đã bùng phát khắp thành phố và có thể còn lây lan xa hơn rất nhiều.

Trong những tháng sau đó, các nhà chức trách đã tung ra những biện pháp phòng ngừa, kết hợp che đậy số ca nhiễm. Họ ban hành muộn màng các lệnh hạn chế đi lại, lúc mà các du khách Trung Quốc đã có đủ thời gian đi gieo rắc mầm mống dịch bệnh khắp nơi trên thế giới. Chính quyền Trung Quốc đồng thời cũng ngăn nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế tới đất nước này để điều tra nguồn gốc của con virus gây ra căn bệnh COVID-19.

Một đại dịch toàn cầu xảy ra sau đó đã cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người, khiến nền kinh tế bị đình trệ và làm gián đoạn sinh kế của người dân.

Khi virus lây lan khắp thế giới, chính quyền Bắc Kinh đã khởi động một chiến dịch hung hăng truyền bá thông tin sai lệch, tuyên bố rằng virus lạ không bắt nguồn từ Trung Quốc; và cho đến nay, họ vẫn không ngừng tiếp tục những luận điệu tuyên truyền đó.

Trong nước, chính quyền Trung Quốc đã trừng phạt những công dân dám công khai thông tin không phù hợp với màn kịch họ dựng lên: kiểm soát độc tài đã chặn đứng dịch bệnh thành công.

Người dân thì ngược lại, trong các cuộc phỏng vấn với Epoch Times, họ đã vẽ lại một bức tranh thực tế khác: những biện pháp cấm vận hà khắc đã tước đi các quyền cơ bản của họ, trong khi chính quyền vẫn tiếp tục ngăn chặn thông tin về các cụm dịch bùng phát trên cả nước.

Khi một làn sóng mới hiện đang tấn công Bắc Kinh và các khu vực đông bắc Trung Quốc, người dân địa phương một lần nữa bị giam giữ trong bóng tối khi chính quyền phong tỏa từ khu phố này sang khu phố khác.

Do tiểu khu bị phong tỏa, nhiều người đã hết lương thực, rau và khí đốt, cuộc sống của họ đang bị đe dọa. Bắc Kinh đã thực sự trở thành Vũ Hán thứ hai.
Do tiểu khu bị phong tỏa, nhiều người đã hết lương thực, rau và khí đốt, cuộc sống của họ đang bị đe dọa. Bắc Kinh đã thực sự trở thành Vũ Hán thứ hai. (Getty)

Văn hóa che đậy

Phản ứng ban đầu của Trung Quốc chứa đầy rẫy những sai lầm.

Cơ quan y tế Vũ Hán chỉ xác nhận bùng dịch vào ngày 31/12/2019, sau khi các bác sĩ đã tố giác và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Từ các tài liệu của chính phủ bị rò rỉ, Epoch Times tiết lộ rằng những ca nhiễm COVID-19 có thể đã xuất hiện từ nhiều tháng trước đó. Dữ liệu của bệnh viện Vũ Hán cho thấy: ngay từ đầu tháng 9/2019, đã có những bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng tương tự như COVID-19. Tháng 10/2019 đã có một số người tử vong do viêm phổi, nhiễm trùng phổi, bên cạnh các tình trạng bệnh khác giống COVID-19.

Trong những tuần đầu của dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc đã liên tục hạ thấp mức độ trầm trọng của khủng hoảng và phủ nhận rằng căn bệnh có thể lây truyền từ người sang người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng lặp lại lời tuyên bố của Bắc Kinh, và phải đến ngày 30/1, Giám đốc Tedros của WHO mới tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Chính quyền Trung Quốc đã không thực hiện các biện pháp ngăn chặn cho tới khi Vũ Hán được phong tỏa vào ngày 23/1. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, 5 triệu người đã khỏi rời Vũ Hán trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, một cao điểm du lịch trong nước và quốc tế.

Người dân Trung Quốc đeo khẩu trang khi đi qua lối vào Lễ hội bia Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào ngày 21/8/2020. (Nguồn ảnh: Getty Images)

Kiểm soát chặt chẽ

Sau khi một người được chẩn đoán mắc COVID-19, chính quyền địa phương sẽ tìm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và những nơi anh ta đi qua - thông qua một hệ thống camera giám sát phổ biến tại Trung Quốc. Từ một tài liệu nội bộ của chính phủ Trung Quốc do Epoch Times thu được, riêng trong tháng 5 đã có hơn một triệu người trên toàn quốc đang được giám sát chặt chẽ do có nguy cơ nhiễm COVID-19.

Trong thời gian phong tỏa, người dân bị ngăn cản rời khỏi nhà. Thông thường, các nhà chức trách quy định rằng mỗi hộ gia đình chỉ được ra ngoài 2-3 ngày 1 lần, và chỉ có 1-2 giờ để đi mua sắm nhu yếu phẩm.

Những bệnh nhân bị nghi ngờ sẽ được cách ly tại các trung tâm cách ly do chính phủ chỉ định - một số nơi được báo cáo là thiếu vệ sinh cũng như dịch vụ chăm sóc y tế.

Ở những khu vực dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng như Vũ Hán, Bắc Kinh và Thượng Hải, chính quyền đã xây các bệnh viện dã chiến tạm bợ - chỉ với những bức vách ngăn cách bệnh nhân này với bệnh nhân khác.

Vào ngày 17/2/2020, một bệnh nhân có triệu chứng nhẹ của virus Corona Vũ Hán sử dụng máy tính xách tay tại một trung tâm triển lãm - nơi được chuyển đổi thành một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh của STR / AFP qua Getty Images)
Vào ngày 17/2/2020, một bệnh nhân có triệu chứng nhẹ của virus Corona Vũ Hán sử dụng máy tính xách tay tại một trung tâm triển lãm - nơi được chuyển đổi thành một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh của STR / AFP qua Getty Images)

Thông tin nội bộ

Bất chấp các biện pháp hạn chế, các cụm dịch mới vẫn tiếp tục xuất hiện khắp Trung Quốc, và theo sau đó chỉ là một đợt xét nghiệm hàng loạt.

Trong một đợt bùng phát vào tháng 10/2020 ở thành phố Thanh Đảo (miền đông Trung Quốc), nhà chức trách tuyên bố họ không phát hiện được ca nhiễm mới nào sau khi tiến hành xét nghiệm tất cả 11 triệu cư dân.

Các chuyên gia quốc tế và cư dân địa phương xem những bản báo cáo sáng sủa như vậy với sự hoài nghi. Một ngày sau tuyên bố của nhà chức trách, một số cư dân nói với Epoch Times rằng họ vẫn chưa nhận được kết quả xét nghiệm.

Chính quyền tại các địa phương khác cũng tiếp tục che đậy quy mô của những đợt dịch mới. Epoch Times cũng đã nhiều lần thu thập được dữ liệu nội bộ của chính phủ, tiết lộ các con số cao hơn nhiều so với những gì được công bố, chẳng hạn như ở Bắc Kinh, và một số tỉnh Sơn Đông, Cát Lâm, và Hắc Long Giang.

Chính phủ thường chia sẻ thông tin ít ỏi với công dân. Trong một tài liệu mật được ban hành vào tháng 2/2020, chính quyền Trung Quốc tuyên bố rõ ràng: các tài liệu liên quan đến dịch bệnh phải được coi là tuyệt mật.

“Trong khoảng thời gian chống virus, tất cả các loại tài liệu khẩn cấp, thông báo khẩn cấp, sự kiện khẩn cấp…thông tin nhạy cảm được chia sẻ nội bộ và bất kỳ thông tin nào mà các nhà lãnh đạo [chính phủ] không chấp thuận tiết lộ cho công chúng” sẽ được coi là bí mật quốc gia, tài liệu đó cho biết.

Ảnh chụp một tài liệu nội bộ về bệnh dịch hạch bùng phát tại khu tự trị Nội Mông Cổ vào ngày 13/4/2020. (Ảnh: cung cấp bởi người trong nội bộ) 
Ảnh chụp một tài liệu nội bộ về bệnh dịch hạch bùng phát tại khu tự trị Nội Mông Cổ vào ngày 13/4/2020. (Ảnh: cung cấp bởi người trong nội bộ)

Thông tin sai lệch

Chính quyền Trung Quốc đã thay đổi sách lược vào khoảng tháng 3, thời điểm các quốc gia trên thế giới đang phải ứng phó với dịch bùng phát tại chính đất nước của mình.

Vào ngày 12/3/2020, Zhao Lijian, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã đăng Tweet phát biểu rằng: virus ĐCSTQ là do Quân đội Mỹ mang đến Vũ Hán. Tuyên bố vô căn cứ của ông và các cáo buộc tương tự khác của các nhà ngoại giao Trung Quốc đã vấp phải sự lên án rộng rãi từ các quan chức phương Tây.

Vào ngày 29/11/2020, Thời báo Hoàn cầu do nhà nước Trung Quốc điều hành đã đăng một bài báo cho rằng loại virus này có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ. Gần đây, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã trích dẫn sai nghiên cứu của các nhà khoa học, tuyên bố rằng virus có nguồn gốc từ Ý.

Chính quyền Trung Quốc và các phương tiện truyền thông của họ cũng đang quảng bá thuyết cho rằng, các đợt bùng dịch COVID-19 cục bộ bắt nguồn từ những chuỗi cung ứng thực phẩm đông lạnh. Các nhà chức trách tuyên bố họ đã phát hiện thấy virus trên cá hồi đông lạnh, tôm, thịt lợn, thịt bò và các loại thực phẩm khác được nhập khẩu từ một loạt quốc gia, chẳng hạn như Na Uy, Nga, Indonesia, Brazil và Đức.

Trong khi đó, WHO tuyên bố rằng khả năng lây nhiễm do tiếp xúc với thực phẩm và bao bì thực phẩm là rất nhỏ. Các chuyên gia bệnh học cũng cho biết rằng, dường như virus không thể lây lan qua thực phẩm đông lạnh.

Cánh gà đông lạnh nhập khẩu có thể nhiễm virus Vũ Hán... (Minh họa)

Kiểm duyệt

Ngay từ đầu, chính quyền Vũ Hán đã buộc các bác sĩ tố giác như Ai Fen và Lý Văn Lượng phải im lặng. Đây là những người đầu tiên cảnh báo trên mạng xã hội rằng bệnh viện của họ đang tiếp nhận bệnh nhân mắc căn bệnh mới giống viêm phổi và có khả năng lây lan. Họ đã bị cảnh sát triệu tập nhiều lần và khiển trách.

Bác sĩ Lý sau đó đã mất vì chính căn bệnh này và được coi là một liệt sĩ.

Fang Bin, Chen Qiushi và các nhà báo dân sự khác từng đưa tin về dịch bệnh ở Vũ Hán, bao gồm cả ở bệnh viện địa phương và nhà tang lễ, đều đã biệt tích, không ai biết họ hiện đang ở đâu.

Vào ngày 28/12/2020, Zhang Zhan bị kết án 4 năm tù giam và trở thành nhà báo dân sự đầu tiên bị kết án vì đã cung cấp thông tin trực tiếp về bệnh dịch ở Trung Quốc.

Một buổi cầu nguyện cho bác sĩ Trung Quốc Lý Văn Lượng tại Hồng Kông ngày 07/2/2020. (Kin Cheung/AP Photo) 
Một buổi cầu nguyện cho bác sĩ Trung Quốc Lý Văn Lượng tại Hồng Kông ngày 07/2/2020. (Kin Cheung/AP Photo)

Cư dân mạng cũng cho biết họ đã bị cảnh sát địa phương giam giữ sau khi đăng tải thông tin liên quan đến dịch bệnh trên mạng xã hội.

Các tài liệu nội bộ do Epoch Times thu thập được đã chỉ ra rằng, các cơ quan tuyên truyền đã chặn rất nhiều thông tin về đại dịch không phù hợp với các bản tường thuật chính thức.

Trong suốt một năm ròng, người dân chán nản với cách thức chính quyền địa phương xử lý tình hình.

Vào tháng 3, những người dân bị phong toả ở Vũ Hán đã phản đối một nhóm quan chức Trung Quốc khi đang giả vờ đi thăm khu vực này. Từ căn hộ của mình, họ hét lên những lời phàn nàn, chẳng hạn như: “Là giả, tất cả mọi thứ đều giả!”

Gần đây, tại thành phố Đại Liên, sinh viên đại học đã bị cấm rời khỏi khuôn viên trường khi thành phố báo cáo các trường hợp nhiễm COVID-19 mới. Họ phàn nàn về việc áp đặt cách ly một cách đột ngột.

“Tôi tin rằng nếu chính quyền Đại Liên tiếp tục kiên quyết không cho phép sinh viên rời đi, sinh viên có thể sẽ không chịu ngồi yên. Họ thậm chí có thể cùng hợp lực để kháng cự.” - một sinh viên nói.

Đại Hải
- Theo ET tiếng Anh.



BÀI CHỌN LỌC

Nhìn lại một năm che giấu virus của Bắc Kinh: Dối trá và Kiểm duyệt