Nhạc cổ điển - hơn cả một liệu pháp chữa tâm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta đều đã biết nhạc cổ điển có tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe, cả tinh thần lẫn thể chất. Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà âm hưởng thần kỳ này mang lại...

Âm nhạc được truyền lại từ xa xưa, là một mối tương liên để con người tiếp xúc với thần thánh. Không phải ngẫu nhiên mà nhạc trưởng Sir Georg Solti (1912-1997) sau khi nghe nhạc của Mozart đã phải thốt lên:

Tài năng của Mozart khiến bạn tin vào Thần, vì không thể ngẫu nhiên mà một ‘hiện tượng’ như vậy lại đến thế giới này và để lại vô số kiệt tác bất hủ như vậy!

George Solti, vị nhạc trưởng đoạt nhiều giải Grammy nhất của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia Hoa Kỳ từ trước đến giờ - với 31 giải trên tổng cộng 74 lần được đề cử trong sự nghiệp - cũng như rất nhiều nghệ sĩ tài hoa thời bấy giờ đều hiểu rằng: Còn ai khác ngoài các vị Thần có thể ban tặng được Âm nhạc - món quà vô giá cho nhân loại?

Power of Music (Sức mạnh âm nhạc) của Louis Gallait. Một người anh trai và người em gái đang nghỉ trước một ngôi mộ cũ. Người anh đang cố gắng an ủi người em gái của mình bằng điệu nhạc violin, và cô đã chìm sâu vào giấc ngủ, "lãng quên mọi đau buồn, tinh thần và thể xác" ("oblivious of all grief, mental and physical").

Âm nhạc khiến lay động tâm hồn

Điều gì khiến nhạc cổ điển tác động đến chúng ta theo cách mà không một loại giai điệu nào khác có thể làm được?

Theo tác Clemency Burton-Hill - tác giả của cuốn sách “Năm của sự kỳ diệu: Âm nhạc cổ điển để thưởng thức mỗi ngày”, cho biết: nhạc cổ điển mang lại lợi ích cho cuộc sống của cô theo nhiều cách.

“Tôi tin rằng những tác phẩm âm nhạc vĩ đại nhất thúc đẩy sự đồng cảm: chúng cho phép chúng ta trải nghiệm những cuộc sống, những lứa tuổi và những linh hồn khác.” - cô nói.

Bổ sung vào ý kiến trên, Vardinistar nói trên trang web My Story rằng: “Nhạc cổ điển chạm đến những ngóc ngách thâm sâu của trái tim và tâm hồn của con người, giúp người đó trở nên tốt hơn, đồng thời mang lại những ý tưởng và sự bình yên”.

“Tại sao các nhà thờ lại thích nhạc cổ điển đến vậy? Bởi vì nó giúp tìm ra sự kết nối với Chúa. Không phải vô cớ mà người ta nói rằng âm nhạc cổ điển có tính thần thánh”.

Đồng ý với quan niệm của người xưa, anh cho rằng “âm nhạc cổ điển có thể chữa lành tâm hồn và tâm trí của bạn” - bởi vì không chỉ tâm hồn, mà cả thể xác của bạn cũng phản ứng với những rung động và nhịp điệu.

Quan điểm của người xưa về âm nhạc

Các nền văn hóa từ ngàn xưa đã nhận thức rõ về khả năng chữa bệnh của âm nhạc. Nhà soạn nhạc Gao Yuan đến từ Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun giải thích tầm quan trọng của âm nhạc Trung Quốc cổ đại như sau:

“Tổ tiên chúng ta tin rằng âm nhạc có khả năng hòa hợp tâm hồn của một người theo những cách mà y học không thể làm được. Thời xưa, một trong những mục đích đầu tiên của âm nhạc là để chữa bệnh”.

Ngay trong chữ viết của người xưa cũng thể hiện điều đó. Chữ Nhạc 樂 vốn dĩ có bộ Mộc 木 ở dưới, khi thêm bộ Thảo 艹 ở trên, ta sẽ được chữ Dược 藥. Điều thú vị là chữ Nhạc cũng có nghĩa khác là Lạc - hạnh phúc, sung sướng.

Chữ "Nhạc" và "Thuốc" trong văn hóa truyền thống... (Shen Yun)

Gao Yuan cũng nhắc đến Hoàng đế, vị vua vĩ đại được tôn xưng là tổ tiên của dân tộc Hoa Hạ. Ông đã sử dụng trống để giúp đánh bại kẻ thù của mình sau khi được một vị thần ”điểm hóa” trong giấc mơ, từ đó mà Hoàng đế hiểu biết thêm về sức mạnh của âm nhạc.

Gao Yuan nói rằng: Chính trong thời kỳ cai trị của Hoàng đế, “người ta đã khám phá ra mối quan hệ giữa ngũ âm - ngũ hành - ngũ tạng và ngũ giác của cơ thể con người”.

Không những vậy, âm nhạc cũng được sử dụng để tác động đến hành vi của một cá nhân. “Thời Khổng Tử, các học giả đã sử dụng các đặc tính êm dịu của âm nhạc để cải thiện và củng cố tính cách, hành vi của con người” - Gao Yuan bổ sung.

Hiện nay tại Trung Quốc, văn hóa truyền thống gần như đã hoàn toàn bị đánh mất. Nhưng Đoàn biểu diễn Nghệ thuật Shen Yun, đặt cho mình sứ mệnh phục hưng nền văn hóa 5.000 năm của Trung Hoa, đã tìm cách và đang lưu giữ lại những gì tinh hoa nhất của người xưa để đem đến cho hàng triệu khán giả trên thế giới.

Nghiên cứu thực nghiệm chứng minh lợi ích của nhạc cổ điển

Tác dụng chữa bệnh của âm nhạc cổ điển đã được công nhận từ xưa, và y học hiện đại vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để có thêm hiểu biết về lĩnh vực này.

Claudius Conrad là tiến sĩ, bác sĩ đến từ Trung tâm Ung thư MD Anderson, Texas, Hoa Kỳ. Là một nghệ sĩ piano kiêm bác sĩ phẫu thuật, ông tin vào khả năng chữa bệnh của âm nhạc. Ông cho biết: “Vào thời Trung cổ, các đơn thuốc trị liệu phổ biến đều có liên quan đến các kết hợp âm nhạc cụ thể. Ví dụ như liệu pháp xen kẽ giữa việc chơi sáo và đàn hạc để làm thuyên giảm bệnh gút”.

Theo một nghiên cứu nhỏ được công bố trên tạp chí The Arts in Psychotherapy, các nghiên cứu đã chứng minh rằng: Chỉ cần nghe nhạc cổ điển 50 phút mỗi ngày là đem lại hiệu quả, nó tốt hơn cả liệu pháp tâm lý trong việc điều trị trầm cảm mức độ thấp đến trung bình.

Không những vậy, một nghiên cứu trên Tạp chí Khoa học Quốc tế về Bệnh hiểm nghèo & Thương tật đã cho thấy nhạc cổ điển có thể hỗ trợ quá trình hồi phục của bệnh nhân đang phải nhận chăm sóc đặc biệt:

Họ viết: “Lợi ích lớn nhất của âm nhạc đối với sức khỏe được tìm thấy trong nhạc cổ điển và thiền định. Loại âm nhạc này có thể được sử dụng như một biện pháp can thiệp hiệu quả ở những bệnh nhân bị rối loạn tim mạch, bị đau và đang dùng thuốc điều trị đặc biệt. Trong khi đó, nhạc hard rock hoặc nhạc electronic cho thấy sự không hiệu quả hoặc thậm chí có tác động xấu”.

Aristole của Hy Lạp cổ đại cho rằng: “Nếu một người nghe nhầm loại nhạc, anh ta sẽ trở thành người không tốt; nhưng ngược lại, nếu anh ấy nghe đúng loại nhạc, anh ấy sẽ có xu hướng trở thành người tốt"... (Wikipedia)

Hãy để nhạc cổ điển làm cuộc sống thăng hoa

Thưởng thức âm nhạc cổ điển thường xuyên nghe có vẻ như là một điều đơn giản, nhưng điều đó thực sự có thể làm cho cuộc sống của chúng ta thêm trọn vẹn. Ngay cả các nhà soạn nhạc thiên tài cũng nhận ra rằng âm nhạc của họ có nhiều thứ hơn những gì được nhìn bằng mắt thường.

Johann Sebastian Bach đã nói: "Tôi chơi các nốt nhạc khi chúng được viết ra, nhưng chính Thần mới tạo ra âm nhạc". Ludwig van Beethoven cũng đồng tình với quan điểm trên khi khẳng định rằng: "Âm nhạc là ngôn ngữ của Thần".

Vậy tại sao chúng ta không trân trọng, tận hưởng và tìm hiểu thêm món quà được trao từ Thiên thượng? Có thể cuộc sống của bạn sẽ thay đổi tích cực theo những cách bạn chưa bao giờ dám tưởng tượng đến!

Minh Nhật
- Theo The EpochTimes



BÀI CHỌN LỌC

Nhạc cổ điển - hơn cả một liệu pháp chữa tâm