Người xưa không đánh răng ư? Trên thực tế, 'kem đánh răng' cổ xưa có tác dụng mạnh hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa họ có đánh răng không, có bàn chải đánh răng hay kem đánh răng không? Nếu có, liệu nó có tốt như bây giờ hay không? Đây là những câu hỏi mà nhiều người phải tò mò…

Người xưa làm thế nào để ngăn ngừa bệnh răng miệng và sâu răng? Đây là câu hỏi khiến nhiều người hiện đại phải tò mò, không biết người xưa có dùng bàn chải và kem đánh răng hay là không. Thực ra, người xưa không những có kem đánh răng mà tác dụng của nó còn cực kỳ hiệu quả!

Nước súc miệng để ngăn ngừa sâu răng

Từ thời cổ đại, người Hoa Hạ đã chú trọng đến việc bảo vệ răng. Những vấn đề như sâu răng đã được chú ý từ hàng nghìn năm trước và kèm theo đó là nhiều phương pháp bảo vệ răng hiệu quả.

Trong Sử ký, phần Biển Thước Thương Công liệt truyện có ghi chép lại chuyện Tiên y Thái Thương Công thời nhà Hán chữa sâu răng cho một vị tiến sĩ bằng cách châm cứu và súc miệng. Ông tin rằng nguyên nhân của sâu răng chính là do không súc miệng sau bữa ăn.

Súc miệng là phương pháp quan trọng của người xưa để giúp ngăn ngừa sâu răng. Nước súc miệng của người xưa dùng là nước muối, trà, rượu và thuốc. Trong Lễ Kí cũng có ghi chép lại: “Tiếng gà kêu lần đầu, vệ sinh bằng nước muối.” - vệ sinh ở đây bao gồm cả súc miệng. Trong cuốn Chư bệnh nguyên hậu luận của danh y Sào Nguyên Phương thời nhà Tùy có đề cập: "Sau khi ăn xong, tôi thường súc miệng và đếm. Nếu không, răng miệng sẽ dễ bị đau".

Trong cuốn Bị cấp thiên kim dược phương của Danh y Tôn Tư Mạc thời nhà Đường cũng có nhắc đến súc miệng: “Ngậm một viên muối vào miệng với nước ấm, súc cả trăm lần, không quá năm ngày, miệng sẽ chắc khỏe”.

Cuốn Cổ kim y thống đại toàn của danh y Từ Xuân Phủ thời nhà Minh cũng viết: "Súc miệng buổi sáng là một sự lộn ngược. Chất độc của đồ ăn thức uống hàng ngày sẽ tích tụ trong kẽ răng, và cần rửa sạch vào buổi tối. Nếu kẽ răng không ẩn chứa bụi bẩn thì răng không xấu, vậy nên súc miệng buổi sáng không tốt bằng súc miệng ban đêm, điều này tốt cho việc nuôi dưỡng răng, những người khôn ngoan ngày nay phải súc miệng mỗi ngày sau bữa ăn, buổi sáng thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ".

Người xưa đánh răng như thế nào?

Thân liễu có tác dụng trừ gió, tiêu sưng, giảm đau... nên vào thời Đường, thời Tống, người ta thường dùng cành liễu dập dẹt sao cho giống như bàn chải để đánh răng. Người xưa cũng hay dùng một ít bột đánh răng để vệ sinh răng miệng tương tự bây giờ.

Bột đánh răng từ xa xưa có thể làm sạch và điều trị răng

Bộ sách Phổ tế phương của Ngô Vương Chu Tiêu thời nhà Minh là tài liệu tổng hợp các phương thuốc kim cổ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Sách cũng có ghi chép về bột đánh răng của người xưa với chức năng kép là làm sạch răng và điều trị bệnh răng miệng.

“Tạo giác, gừng tươi, thăng ma, thục địa hoàng, mộc luật, hạn liên, hòe giác tử, tế tân, hà diệp dùng lượng bằng nhau, thanh diêm với lượng như các vị trên đem nung tán nhỏ. Các vị trên đều dùng 2 lạng tàu (khoảng 80g).

Trừ vị thanh diêm ra, các vị khác đều đem tán bột. Đựng trong chum đất mới, miệng chum được đóng bằng ngói... Thuốc này được sử dụng thường xuyên, thì trên 80 tuổi khuôn mặt vẫn như một cậu bé, râu tóc đen và răng lung lay sẽ chắc lại".

Trong đó, chín loại thuốc bắc là tạo giác, sinh khương (gừng tươi), thăng ma, địa hoàng, hạn liên, hòe giác, tế tân, hà diệp, thanh diêm được sử dụng để làm sạch răng. Nó có tác dụng phương hương hóa trọc, táo thấp thanh nhiệt, tẩy vết ố răng. Ngoài ra, chúng còn có tác dụng giúp tóc đen và răng chắc khỏe.

Trong Ẩm thiện chính yếu của Hốt Tư Tuệ thời nhà Nguyên cũng có đề cập: "Sáng sớm dùng muối để đánh răng thì không có bệnh về răng”. Công thức là thanh diêm 1 cân ta (khoảng 16 lạng), hòe chi (cành hòe) nửa cân ta (khoảng 8 lạng), 4 nước bát, sắc còn 2 bát, cho muối vào đun đến khi cạn, nghiền nhỏ, súc miệng dùng hàng ngày.

"Kem đánh răng thần dược" của người xưa

Trong cuốn Thái bình thánh huệ phương được biên soạn bởi Vương Hòa Ẩn thuộc Hàn lâm Y quan Viện thời Bắc Tống, các tác giả đã thay đổi "bột đánh răng" thành "kem đánh răng" với công thức sau:

"Cao hòe chi ...hòe chi, liễu chi, tang chi mỗi vị nửa cân (ta). Cách chế: dùng một đấu nước (10 lít), đun đến còn ba lít, lọc bỏ cặn, đun nước thuốc trên lửa nhỏ, thêm các bột thuốc: thanh diêm (1 lạng tàu), xuyên khung, tế tân”.

Dụng cụ đánh răng thời cổ đại

Các dụng cụ đánh răng cũng liên tục được cải tiến. Đầu tiên dùng ngón tay, sau đó dùng cành liễu. Bàn chải đánh răng xuất hiện vào thời nhà Tống. Ví dụ, trong cuốn Dưỡng sinh loại toàn thời Tống có viết: "Bàn chải đánh răng làm bằng đuôi ngựa là không hề tốt. Bàn chải đánh răng này rất cứng và có thể vô tình làm chảy máu chân răng”.

Bệnh răng miệng cũng có thể điều trị bằng thuốc uống. Ví dụ như răng lợi bị sưng đau thường được điều trị bằng các phương pháp bổ dương, khai uất và dưỡng âm - hoặc điều trị triệu chứng, hoặc điều trị tận gốc, thậm chí là cả hai.

Minh Sang
- Theo NTDTV Hoa Ngữ.



BÀI CHỌN LỌC

Người xưa không đánh răng ư? Trên thực tế, 'kem đánh răng' cổ xưa có tác dụng mạnh hơn