Người Việt liệu có chịu nhiều ảnh hưởng bởi béo phì trong đại dịch?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dân Việt Nam vẫn thường được biết là chăm tay hay làm, vì vậy mà chúng ta có cơ sở sức khỏe tốt để chống chọi COVID-19. Sự thật có đúng như vậy không?

Tại Hoa Kỳ, béo phì sớm đã nằm trong danh sách các bệnh nền có thể khiến bệnh COVID-19 có thể trở nên trầm trọng hơn.

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Bắc Carolina (UNC) Chapel Hill cho biết: béo phì có liên quan đến "hàng loạt yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đối với COVID-19, bao gồm tăng huyết áp, bệnh tim và tiểu đường tuýp 2".

Các chuyên gia đã phân tích 75 nghiên cứu được thực hiện trên toàn cầu từ tháng Một đến tháng Sáu, với dữ liệu từ 399.461 bệnh nhân COVID-19. Theo đó, béo phì làm tăng 113% khả năng nhập viện và 75% khả năng nằm lại tại đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU). Quan trọng hơn, người béo phì có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hơn đến 48%.

Sau kết quả của nghiên cứu, các chuyên gia của UNC Chapel Hill đã đề xuất các chính sách thúc đẩy tiêu thụ thực phẩm lành mạnh, đánh thuế thực phẩm siêu chế biến, đồng thời hạn chế quảng cáo và tiếp thị các loại thực phẩm đó để hạn chế béo phì.

Việt Nam liệu có chịu nhiều ảnh hưởng của COVID-15?

Dưới những nguy cơ tiềm ẩn của COVID-19, nhiều nước phát triển trên thế giới nhìn nhận béo phì là "COVID-15". Vậy các quốc gia như Việt Nam liệu có chịu nhiều ảnh hưởng bởi COVID-15 hay không?

Theo báo cáo của Fitch Solutions Macro Research vào 2019, Việt Nam là nước có số người thừa cân béo phì - chỉ số khối cơ thể BMI từ 25 trở lên - tăng nhanh nhất trong giai đoạn 5 năm tính từ hết năm 2014, ở mức 38%, theo sau là Indonesia (33%).

Tuy nhiên, theo Bloomberg đưa tin, tỷ lệ thừa cân béo phì của người Việt chỉ chiếm 3,6% (2019) nếu tính theo dân số. Tỷ lệ này ở Indonesia là 5,7%.

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng năm 2019, tỷ lệ thừa cân béo phì chiếm 6,6% dân số Việt Nam. Trong số này, nhóm tuổi 45-54 chiếm tỷ lệ thừa cân béo phì cao nhất (9%), theo sau là các nhóm 55-64 tuổi (8,4%) và 35-44 (7%).

Tuổi tác càng cao thì khả năng chống chịu virus Vũ Hán cũng càng giảm. Nếu kết hợp với béo phì, điều này sẽ càng nghiêm trọng hơn trong đại dịch.

Nghiêm trọng hơn nữa, theo nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng năm 2019, Việt Nam có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Quỹ dân số Liên Hợp Quốc cũng nêu tên Việt Nam trong danh sách top 10 các nước mà người dân lười vận động nhất trên thế giới.

Về chế độ ăn, các món ăn nhanh, ăn sẵn dần trở nên phổ biến hơn ở người Việt, các dịch vụ giao đồ ăn tận nơi cũng ngày càng phát triển. Tiện ích này thậm chí còn thuận tiện hơn khi chúng ta phải giãn cách xã hội trong bối cảnh đại dịch.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vẫn chưa biết bao giờ sẽ kết thúc, còn sức khỏe của chúng ta thì ngày càng bị bào mòn. Mà kể cả khi nó có kết thúc, thì COVID-15 vẫn sẽ tiếp tục phát triển nếu Việt Nam vẫn đứng top các nước lười nhất thế giới, kết hợp thêm chế độ ăn uống thuận tiện hiện nay.

Trọng Nguyên

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Người Việt liệu có chịu nhiều ảnh hưởng bởi béo phì trong đại dịch?