Diễn viên Lê Công Tuấn Anh qua đời vì ngộ độc thuốc Ký Ninh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 17 tháng 10 năm 1996, làng điện ảnh và khán giả Việt Nam bàng hoàng khi nghe tin diễn viên Lê Công Tuấn Anh qua đời. Theo VnExpress đưa tin, anh đã mất "sau khi uống nhiều viên thuốc sốt rét trong tình trạng say khướt"...

Liều gây tử vong thông thường của thuốc kháng sốt rét ở người lớn là từ 2g đến 8g, ở trẻ em là 1g; chỉ cần uống hơi quá liều thuốc theo chỉ định của bác sĩ cũng có thể dẫn đến ngộ độc và gây nguy hiểm tính mạng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch virus Vũ Hán đang hoành hành trên thế giới, sau khi nghe tin thuốc ký ninh trị sốt rét có thể trị cả SARS-CoV-2, nhiều người dân đã tự ý mua thuốc về để “phòng dịch”, kết quả là đã có người phải nhập viện.

Những phiên bản Lê Công Tuấn Anh thời hiện đại

Ngày 21/3, sau một số nghiên cứu thử nghiệm có vẻ thành công tại Pháp và Trung Quốc, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ca ngợi bộ đôi thuốc phối hợp thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine với kháng sinh azithromycin trong điều trị COVID-19. Báo chí thế giới ngay lập tức đã rầm rộ đưa tin, và nhiều người dân theo đó đã tự ý mua thuốc về để phòng dịch.

Tại Hoa Kỳ, một người đàn ông tại thành phố Phoenix bang Arizona đã tử vong sau khi sử dụng chloroquine để tự điều trị virus Corona, còn vợ của người này hiện đang trong tình trạng nguy kịch.

Tại Nigeria, ba người dân tại thủ đô Lagos đã ngộ độc sau khi sử dụng quá nhiều chloroquine. Giới chức y tế đã phải đưa ra cảnh báo về việc sử dụng loại thuốc đặc trị sốt rét này, theo CNN đưa tin.

Tại Việt Nam, một nam bệnh nhân 44 tuổi cũng đã phải nhập viện tại Hà Nội sau khi uống nhiều viên thuốc chống sốt rét này để tự bảo vệ trước virus corona. Ngay sau khi uống bệnh nhân này đã có dấu hiệu như tụt huyết áp, nôn và buộc phải rửa ruột, theo Bệnh viện Bạch Mai đưa tin.

Đây là ca ngộ độc thuốc sốt rét do uống để "dự phòng COVID-19" đầu tiên được cơ quan y tế Việt Nam ghi nhận trong mùa dịch này.

Dù vậy, trên mạng vẫn đang có nhiều lời đồn đại về công dụng phòng bệnh của thuốc sốt rét với COVID-19, trong đó có những "hướng dẫn" như nếu là nhóm F1, F2 (tức là người có tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc tiếp xúc với người tiếp xúc) thì có thể uống thuốc này 1 viên 1 tuần để dự phòng. Trong chợ dược, thuốc sốt rét trở nên “phát sốt” dù giá cả tăng vọt.

Chiết xuất Quinine từ cây Canh Ki Ma

Dân gian Việt Nam từ lâu đã biết thuốc Quinine hay còn gọi là thuốc Ký Ninh có trong cây Canh Ki Ma (Cinchora) phát hiện lần đầu tại Peru, với tác dụng trị sốt rét; sau đó khoa học đã tổng hợp ra chất Quinine giống với thành phần của cây và các dẫn xuất Chloroquine ít độc hơn.

Thực ra, hiệu quả điều trị bệnh cúm Vũ Hán của nhóm thuốc Ký Ninh vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, nghĩa là hiệu quả như thế nào, liều lượng ra sao, cách sử dụng trên đối tượng bệnh vẫn chưa được khám phá rõ ràng. Kể cả ông Trump cũng phải tham vấn Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) về việc áp dụng thuốc Ký Ninh, chứ chưa đưa vào ứng dụng đại trà.

Ngoài ra, nhóm thuốc Ký Ninh cũng không chỉ dùng để chữa sốt rét, mà còn được dùng trong điều trị các bệnh lý miễn dịch như Lupus, Viêm khớp tự miễn và đạt nhiều hiệu quả tích cực, tuy nhiên tác dụng phụ lâu dài về gan, tim mạch, nhất là về mắt cũng làm chất lượng sống của người bệnh giảm dần theo năm tháng.

Tại Việt Nam trong quá khứ, trường hợp đáng tiếc ngộ độc thuốc Ký Ninh qua đời là diễn viên Lê Công Tuấn Anh. Theo lời bác sĩ, anh hoàn toàn khỏe mạnh nhưng uống thuốc sốt rét “trong tình trạng say khướt”. Còn những người dùng thuốc Ký Ninh để “phòng bệnh”, đa phần là phát hiện thấy tình trạng sức khỏe đang gặp vấn đề.

Nói tóm lại, việc phòng bệnh bằng thuốc Ký Ninh có thể để lại nhiều tác hại nhất định, hơn nữa chưa có khuyến cáo về tính hiệu quả của việc dùng thuốc Ký Ninh trong phòng bệnh cúm Vũ Hán. Người dân không nên tự ý mua thuốc Ký Ninh uống để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Thanh Long



BÀI CHỌN LỌC

Diễn viên Lê Công Tuấn Anh qua đời vì ngộ độc thuốc Ký Ninh