Nghiên cứu: Trên 30% người khỏi Covid-19 bị di chứng tâm thần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học lo ngại trước bằng chứng cho thấy người khỏi Covid-19 có nguy cơ mắc các bệnh tâm thần cao. Có những cách nào để giảm thiểu tác động nguy hiểm này?

Một nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy, cứ ba người từng mắc Covid-19 thì một người gặp các vấn đề thần kinh hoặc tâm thần trong vòng 6 tháng sau đó, theo hãng tin Reuters.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Lancet Psychiatry ngày 6/4, trên cơ sở phân tích hồ sơ y tế của 236.379 bệnh nhân Covid-19. Kết quả cho biết, 34% người trong số đó được chẩn đoán mắc bệnh liên quan thần kinh hoặc rối loạn lo âu.

Các chuyên gia chưa rõ về mối liên hệ giữa Covid-19 với các bệnh tâm thần như lo lắng (chiếm 17%) và trầm cảm (chiếm 14%), hai chứng rối loạn phổ biến nhất trong số 14 bệnh mà họ đã xem xét. Cũng theo nghiên cứu, trong số những người mắc Covid-19 nghiêm trọng phải điều trị tích cực, có 7% bị đột quỵ, 2% sa sút trí tuệ.

"Kết quả chỉ ra các bệnh thần kinh và tâm thần xảy ra nhiều hơn ở những người đã khỏi Covid-19, so với người từng bị cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác", Max Taquet, bác sĩ Khoa tâm thần tại Đại học Oxford, nói.

Các nhà khoa học ngày càng lo ngại trước bằng chứng cho thấy người khỏi Covid-19 có nguy cơ mắc các bệnh tâm thần cao hơn. Trong một nghiên cứu vào năm 2020, nhóm của bác sĩ Taquet phát hiện 20% người khỏi Covid-19 gặp chứng rối loạn lo âu trong 3 tháng.

Paul Harrison, giáo sư tâm thần học ở Oxford và là thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định: "Mặc dù nguy cơ mắc bệnh ở mỗi cá nhân tương đối nhỏ, ảnh hưởng lên toàn bộ dân số có tác động đáng kể".

Những cách giảm thiểu tác động của Covid-19 đến sức khoẻ tâm thần

Những người lớn tuổi có thể trở nên lo lắng, giận dữ, căng thẳng, kích động và thu rút hơn trong tình hình dịch bệnh, đặc biệt nếu đang cách ly hoặc có suy giảm nhận thức/ sa sút trí tuệ.

Vì vậy, những người nhiễm dịch Covid-19 nên học các bài thể dục đơn giản để áp dụng tại nhà. Họ cần duy trì nếp sinh hoạt đều đặn như thường ngày, tăng các hoạt động sáng tạo, thư giãn, và giữ liên lạc thường xuyên với người thân.

Giúp trẻ em đối phó với căng thẳng do dịch Covid-19 gây ra. (Ảnh: Bệnh viện tâm thần Hà Nội)
Giúp trẻ em đối phó với căng thẳng do dịch Covid-19 gây ra. (Nguồn: Bệnh viện tâm thần Hà Nội)

Đối với trẻ nhỏ bị nhiễm Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra những biện pháp như sau:

1. Hiểu rằng cảm giác lo âu là hoàn toàn bình thường

Nếu lo ngại rằng đang có các triệu chứng bệnh, hãy trao đổi với cha mẹ, người thân. Nhớ rằng tình trạng bệnh do COVID-19 nhìn chung là nhẹ, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên; chưa kể nhiều triệu chứng bệnh có thể chữa khỏi được.

Đồng thời, bạn có thể áp dụng rất nhiều biện pháp hiệu quả để bảo vệ an toàn cho bản thân và người khác, cũng như để cảm thấy mình đang kiểm soát tình hình tốt hơn: rửa tay thường xuyên, không chạm tay vào mặt và giữ khoảng cách an toàn với người khác.

2. Chuyển hướng chú ý

Hãy chuyển sự chú ý sang công việc khác như làm bài tập về nhà, xem bộ phim yêu thích hoặc nằm đọc một cuốn tiểu thuyết để giải tỏa căng thẳng và tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống hàng ngày.

3. Tìm kiếm những cách thức mới để kết nối với bạn bè

Mạng xã hội là một công cụ tuyệt vời giúp bạn kết nối với bạn bè khi đang cách ly tại nhà. Hãy phát huy sức sáng tạo, chẳng hạn bằng cách tham gia thử thách điệu nhảy rửa tay “Ghen Cô Vy” hay cover “Sao anh chưa về nhà” phiên bản #HappyAtHome.

Tuy nhiên, bạn không nên dành quá nhiều thời gian ngồi trước màn hình hoặc sinh hoạt trên mạng xã hội thiếu điều độ. Đó không phải là hành vi lành mạnh hay sáng suốt bởi việc này có thể khiến bạn càng hoang mang thêm. Các bạn trẻ và cha mẹ nên cùng nhau lập thời gian biểu sử dụng mạng xã hội.

4. Trau dồi bản thân

Bạn muốn bắt đầu học một cái mới, đọc một cuốn sách hay tập chơi nhạc cụ? Cơ hội của bạn đã đến! Trau dồi bản thân và tìm cách tận dụng thời gian bất ngờ rảnh rỗi này là một cách hiệu quả để bạn chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính mình.

5. Thành thực với những cảm xúc của bản thân

Thật buồn khi phải từ bỏ các sự kiện với bạn bè, sở thích hoặc các trận đấu thể thao. Đây là những tổn thất lớn, nên cũng phải thôi nếu các bạn trẻ cảm thấy thất vọng.

Cách giải quyết tốt nhất là gì? Hãy cảm nhận nỗi thất vọng đó bởi "cách duy nhất để bạn thoát khỏi nỗi đau là trải qua nó. Nếu bạn muốn buồn thì hãy buồn đi. Càng mau buồn thì bạn càng mau chóng khôi phục tinh thần.

Cách xử lý cảm xúc của mỗi người là khác nhau:

  • Một số trẻ sẽ làm các hoạt động nghệ thuật
  • Một số lại muốn nói chuyện với bạn bè và chia sẻ nỗi buồn với nhau như một cách để cảm nhận được sự kết nối trong thời gian không được gặp mặt trực tiếp.
  • Một số khác tìm cách tích trữ thực phẩm.

Điều quan trọng là bạn tìm ra cách làm phù hợp với bản thân.

Xem thêm:

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Trên 30% người khỏi Covid-19 bị di chứng tâm thần