Nghiên cứu: Phương pháp mới để tiên lượng tình trạng bệnh của người nhiễm COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo nghiên cứu mới từ Tây Ban Nha, đường huyết tăng khi nhập viện - bất kể là tình trạng bệnh tiểu đường - đều có thể là yếu tố dự báo chính về mức độ nghiêm trọng và tử vong liên quan đến COVID-19 ở những bệnh nhân không mắc bệnh ung thư...

Theo kết quả nghiên cứu mới được công bố vào ngày 23/11 trên tạp chí Annals of Medicine, tình trạng bệnh nặng/nhẹ của người bị nhiễm COVID-19 có thể được đánh giá qua đường huyết của bệnh nhân. Đây là nghiên cứu quan sát lớn nhất và đầu tiên từ trước đến nay tìm hiểu về vấn đề này.

Nghiên cứu này đã khảo sát hơn 11.000 bệnh nhân từ 109 bệnh viện ở Tây Ban Nha. Các đối tượng được xác nhận nhiễm COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/2020.

Theo nghiên cứu kết luận: việc tăng đường huyết lúc nhập viện giúp dự đoán sự tiến triển bệnh COVID-19 - từ không nguy kịch đến nguy kịch và tử vong, bất kể bệnh nhân có tiền sử bệnh tiểu đường trước đó hay không.

Cụ thể hơn, kết quả nghiên cứu cho thấy những người có mức đường huyết cao bất thường có nguy cơ tử vong do COVID-19 tăng gấp đôi so với nhóm có đường huyết bình thường (41,4% so với 15,7%). Đồng thời, nhu cầu sử dụng máy thở và phải nhập đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) của nhóm có đường huyết cao cũng gia tăng theo thời gian.

"Những kết quả này cung cấp một cách phân loại nguy cơ tử vong ở các bệnh nhân nhập viện do COVID-19 đơn giản và thiết thực. Do đó, không nên bỏ qua tình trạng tăng đường huyết của bệnh nhân khi nhập viện…” - Carrasco-Sánchez, tác giả của nghiên cứu cho biết.

Carrasco-Sánchez - đang làm việc tại bệnh viện của Đại học Juan Ramón Jiménez, Huelva, Tây Ban Nha - đã chia sẻ với tờ Medscape Medical News rằng: nghiên cứu này “cho đến nay, đây là nghiên cứu có số lượng bệnh nhân tham gia là nhiều nhất. Tất cả các kết luận cũng đều phù hợp với các nghiên cứu trước đó".

Tăng đường huyết nhẹ cũng cần phải chú ý

Nghiên cứu của Carrasco-Sánchez có một điểm khác biệt so với nhiều nghiên cứu trước đó. Họ xét nghiệm đường huyết của bệnh nhân ngay từ lúc nhập viện thay vì kiểm tra chỉ số này trong thời gian nằm viện. Tác giả của nghiên cứu lưu ý rằng đây chính là yếu tố giúp loại bỏ các tác dụng phụ của bất kỳ liệu pháp điều trị nội trú nào, chẳng hạn như dexamethasone.

Việc đo đường huyết của bệnh nhân khi nhập viện là quy trình thông thường ở tất cả các bệnh viện, nhưng mức độ tăng nhẹ ở một người không được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thường không được coi là quan trọng.

“Ở những bệnh nhân tiểu đường, chúng tôi bắt đầu phác đồ để kiểm soát và điều trị tăng đường huyết trong thời gian nhập viện. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân không mắc tiểu đường, thì mức đường huyết dưới 180 mg/dL, và thậm chí cao hơn, thường bị bỏ qua. Điều này có nghĩa là bệnh nhân sẽ không được theo dõi trong suốt thời gian nhập viện”.

Ông nói: “Sau nghiên cứu này, chúng tôi biết rằng mình cần chú ý đến nhóm đối tượng này... những người xuất hiện tình trạng tăng đường huyết ngay từ lúc mới nhập viện”.

Nghiên cứu này gặp phải một giới hạn nhỏ là không thể phân biệt được những bệnh nhân trước đây có chẩn đoán bị bệnh tiểu đường với những bệnh nhân bị “tăng đường huyết do stress”.

Thiện Đức
- Theo Emedicine Health.



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Phương pháp mới để tiên lượng tình trạng bệnh của người nhiễm COVID-19