Nghiên cứu: Người nghiện thuốc giảm đau Opioid có thể phải trả giá bằng thị lực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo các nhà nghiên cứu tại Mỹ, số người nghiện thuốc giảm đau opioid bị nhiễm trùng mắt đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2003 đến năm 2016...

Theo PGS David Hinkle, chuyên về khoa học thị giác tại Đại học Y West Virginia ở Morgantown cho biết: "Vì lý do nào đó, những ca nhiễm trùng này thường có xu hướng đến những trung tâm (khám) thị giác. Việc bệnh nhân bị mất thị lực cũng khá thường gặp".

"Ngay cả khi bạn có thể điều trị thành công nhiễm trùng, nhổ tận gốc và loại bỏ nó khỏi mắt, thì vết sẹo để lại vẫn sẽ khiến bệnh nhân không thể phục hồi thị lực hoàn toàn".

Nhưng nhiễm trùng mắt thì liên quan gì đến Opioid?

PGS Hinkle cho biết các bệnh nhiễm trùng mắt này thường là do vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào máu thông qua việc sử dụng kim tiêm bẩn.

Ông và các cộng sự đã phát hiện thấy sự gia tăng đều đặn số ca nhiễm trùng mắt ở những người nghiện thuốc - vốn đã tăng lên từ sau năm 2010. Đó là năm mà các cơ quan quản lý ghi nhận tỷ lệ lạm dụng thuốc kê đơn ngày một tăng và bắt đầu tiến hành các bước hạn chế kê đơn opioid.

Sau đó, những người nghiện thuốc opioid, nhờ kê đơn, đã chuyển sang sử dụng heroin và opioid tổng hợp - rẻ hơn và dễ mua hơn trên đường phố, ví dụ như fentanyl. PGS Hinkle nói rằng những kẻ nghiện thường dùng đường tiêm.

"Khi lạm dụng thuốc tiêm đường tĩnh mạch, mọi người thường sử dụng cùng một kim tiêm mà người khác đã sử dụng hoặc tái sử dụng lại kim tiêm. Họ không sát khuẩn da khi tiêm. Bất kỳ vi khuẩn hoặc nấm trên da của chúng ta, mà ai cũng đều có, có thể dễ dàng xâm nhập vào cánh tay của bạn" - ông Hinkle giải thích.

Từ năm 2003 đến năm 2016, dữ liệu liên bang cho thấy đã có gần 57.000 trường hợp nhập viện tại Hoa Kỳ vì viêm nội nhãn nội sinh - một bệnh nhiễm trùng huyết lan đến mắt.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng này ở những người nghiện ma túy đã tăng gấp 4 lần - từ 0,08/100.000 người vào năm 2003 lên 0,32/100.000 vào năm 2016.

“Chúng tôi không có lý do gì để tin rằng điều này đang được xoay chuyển. Các con số đang tăng lên và tăng lên." - PGS Hinkle nhận định.

Tiến sĩ Richard Rosen, bác sĩ phẫu thuật võng mạc tại New York, cho biết mầm bệnh được tiêm vào máu - thông qua việc sử dụng thuốc bằng đường tĩnh mạch - có thể lây truyền mầm bệnh đến nhiều cơ quan khác nhau. Chúng thường gây nhiễm trùng ở van tim, não và các cơ quan khác.

Rosen, người không tham gia nghiên cứu cho biết, mắt là một trong những cơ quan đầu tiên chịu ảnh hưởng đáng kể bởi tình trạng nhiễm trùng này.

“Chúng tôi sẽ sớm nhận ra nhiễm trùng ở mắt, vì người ta sẽ nhận thấy thị lực suy giảm, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy tình trạng nhiễm trùng đang diễn ra ở các bộ phận khác của cơ thể” - Rosen nói.

Rosen và Hinkle đều cho biết, nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm thường xâm nhập vào mắt qua màng mạch, lớp mạch giàu máu nằm bên dưới và nuôi dưỡng võng mạc.

Hinkle cho biết:

“Mắt có lưu lượng máu rất cao. Tính theo trọng lượng, mắt có lưu lượng máu cao nhất so với bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Việc nhiễm trùng tìm đường vào đó từ phía sau mắt là cực kỳ phổ biến. Khi đã vào mắt, nhiễm trùng có thể lan đến võng mạc và gây ra những tổn hại không thể khắc phục được đối với thị lực”.

Còn Rosen nói:

"Võng mạc rất mỏng manh. Nó là một màng mỏng có độ dày bằng một tờ giấy, và nó thực sự là mô não. Bạn không cần phải tốn nhiều công sức để làm nó mất đi chức năng (nhìn)".

Rosen cho biết, một số bệnh nhiễm trùng thậm chí còn lan vào lớp dịch trong suốt lấp đầy nhãn cầu.

Ông nói: “Trong các trường hợp nhiễm trùng do nấm, chúng ta thường thấy những loại nấm dạng bông gòn mọc giữa lớp dịch này, về cơ bản thị lực bị mất đi như vậy”.

Trong trường hợp xấu nhất, một người có thể bị mất toàn bộ mắt.

PGS Hinkle nhấn mạnh: “Chúng tôi đã có những bệnh nhân phải cắt bỏ mắt của họ vì lo ngại [nhiễm trùng] có thể lan ra bên ngoài mắt, vào hốc mắt và quay vào não, có thể nguy hiểm chết người”.

Tiến sĩ Mark Breazzano, PGS nhãn khoa tại Viện mắt Johns Hopkins Wilmer ở ​​Baltimore cho biết: việc điều trị có thể thực hiện bằng cách tiêm thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm vào mắt, cũng như bôi thuốc kháng sinh tại chỗ. (Ông không tham gia vào nghiên cứu)

Breazzano cho biết thêm, phẫu thuật cũng có thể được chỉ định để loại bỏ dịch nhãn cầu đã bị hư hỏng do nhiễm trùng.

Ông nói: "Điển hình với những trường hợp này, thị lực của họ thường bị tổn hại vĩnh viễn. Thường sẽ không thể phục hồi thị lực được nhiều".

Nghiên cứu này không lưu ý về loại vi khuẩn và nấm cụ thể nào thường lây nhiễm vào mắt của những người nghiện opioid. PGS Breazzano nói: “Sẽ rất thú vị nếu biết sinh vật nào đang làm việc này,” - để giúp điều trị và đánh giá liệu có vi khuẩn nào đã có khả năng kháng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng nấm hay không.

Các phát hiện đã được công bố vào ngày 5 tháng 11 trên tạp chí nhãn khoa JAMA.

Đại Hải
- Theo NewsMax.



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Người nghiện thuốc giảm đau Opioid có thể phải trả giá bằng thị lực