Nghiên cứu: Ngủ quá nhiều làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ và bệnh Alzheimer

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngủ đủ giấc chính là bảo đảm cho sức khỏe và một trí tuệ minh mẫn. Thế nhưng ngủ quá nhiều có thể khiến trí nhớ của bạn gặp nguy hiểm không?

Có thể bạn đã nghe nói về mối liên quan giữa kém ngủ và chứng “sương mù não”. Đây là một thuật ngữ nhằm diễn tả tình trạng mất tập trung hay có cảm giác mơ hồ về những gì mà bản thân đang cố gắng thực hiện.

Chỉ cần bỏ lỡ một vài giờ ngủ là có thể làm suy giảm khả năng tư duy và trí nhớ. Ngủ ít trong thời gian dài cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về trí nhớ nghiêm trọng và bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, ngủ nhiều cũng dẫn tới những hệ quả không hề kém cạnh.

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng: tình trạng dư thừa giấc ngủ rất không tốt cho não bộ và trí nhớ.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc. Họ chỉ ra rằng, ngủ từ 10 tiếng trở lên mỗi đêm có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ và tư duy. Điều này thoạt nghe có vẻ khó hiểu.

Ngủ là thời gian mà cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn và bảo trì não bộ. Lúc này, não sẽ loại bỏ các độc tố liên quan đến sa sút trí tuệ và gây bệnh Alzheimer, ghi lại ký ức và lưu trữ thông tin mới. Có vẻ như ngủ càng lâu thì khả năng cải thiện trí nhớ và chức năng não càng được hồi phục. Nhưng điều này dường như chưa đúng.

Dành quá nhiều thời gian để ngủ có thể khiến trí nhớ của bạn gặp nguy hiểm. Mặc dù chưa thể tìm ra mối liên hệ trực tiếp giữa việc ngủ quá nhiều và mất trí nhớ, cũng như suy giảm nhận thức, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra chúng có liên quan với nhau.

Các chuyên gia của trường Đại học Boston (Mỹ) cũng đã phát hiện ra những người thích ngủ triền miên sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao gấp đôi trong vòng 10 năm tới. Họ đưa ra cảnh báo sớm trước hoạt động ngủ này đối với bệnh Alzheimer. Các nhà khoa học đã phát hiện thấy não, vốn có chức năng kiểm soát sự tỉnh táo, đã bị tổn hại.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện những người ngủ quá nhiều có khối lượng não bộ nhỏ hơn bình thường, khiến nhóm này phải mất nhiều thời gian hơn so với người khác trong việc xử lý các thông tin cuộc sống.

Thời gian ngủ lý tưởng được đưa ra là khoảng 7 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, chất lượng giấc ngủ cũng là điều quan trọng mà bạn phải chú ý tới. Nếu thời gian ngủ bao gồm nhiều giờ nằm ​​thức hoặc nhiều đợt thức giấc nhỏ, thì đó không phải là một giấc ngủ tốt để phục hồi cơ thể và não bộ.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, tổn thương não bộ, suy giảm trí nhớ và bệnh Alzheimer có thể liên quan đến giấc ngủ kéo dài và chứng viêm. Điều này cần được tìm hiểu sâu hơn.

Phúc Lâm
- Theo The Epoch Times.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Ngủ quá nhiều làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ và bệnh Alzheimer