Ngay cả có sức khỏe tốt, bệnh nhân vẫn phải chịu di chứng dai dẳng sau khi bị hội chứng “COVID-19 kéo dài”

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một bác sĩ người Anh và là cựu Vô địch Ironman UK 2014 vốn là một người rất khỏe mạnh, nhưng cô vẫn đang phải chịu sự hành hạ của nhiều chứng bệnh gây suy nhược cơ thể trong suốt gần 1 năm kể từ khi bị mắc COVID-19 vào tháng 3/2020.

Theo scmp.com, Tamsin Lewis từng là bác sĩ, người sáng lập nền tảng về sức khỏe và tuổi thọ, một cựu vận động viên ba môn phối hợp chuyên nghiệp và là Nhà vô địch Ironman UK 2014. Những thành công này cô đều đạt được trước sinh nhật lần thứ 40, và cô sở hữu một cơ thể rất khỏe mạnh.

Nhưng tháng 3/2020, bà mẹ người Anh này đã nhiễm COVID-19 khá nghiêm trọng. Dù đã cải thiện sức khỏe và sớm trở lại tập luyện, thể trạng của cô vẫn không khá hơn là mấy. Cô chia sẻ: “Cảm giác như coronavirus đốt cháy tôi dần dần từ bên trong cơ thể”.

Hiện tại đã 11 tháng kể từ khi cô nhiễm bệnh, các triệu chứng như đau nhức cơ và khớp, tim đập nhanh, sốt và tức ngực vẫn tiếp tục hành hạ Tamsin Lewis.

Lewis giải thích: “Trong một thời gian dài, tôi có cảm giác 'thiếu dưỡng khí', đến nỗi tôi không thể hít thở sâu. Tôi cảm thấy như tim đập gấp gáp và luôn bị trong tình trạng "trí óc lơ mơ" không thể suy nghĩ sáng suốt”.

Khi nghỉ ngơi, nhịp tim của cô tăng từ 37 nhịp/phút (trước khi mắc COVID-19) lên 85 nhịp/phút trong những tuần sau đó. Mặc dù hiện tại cô đã dùng thuốc tim mạch để kiểm soát, nhưng không thể tập thể dục với bất kỳ cường độ nào như trước kia nữa.

Giống như nhiều người mắc chứng “COVID kéo dài”, Lewis bị rối loạn chuyển hóa lipid máu, thường xuyên có cảm giác xây xẩm mặt mày mỗi khi đứng lên do sự thay đổi nhịp tim và huyết áp. Dù từng là cựu vận động viên ưu tú, đối với cô việc đi bộ 1km lúc này chẳng khác nào như đang phải chạy nước rút 10km.

“Hiện tại tôi mắc các triệu chứng PTSD [rối loạn căng thẳng sau sang chấn], khó thở và đổ mồ hôi. Là một vận động viên, tôi đã quen với việc điều chỉnh sinh lý cơ thể, nhưng COVID-19 đã để lại di chứng nặng nề lên hệ thần kinh của tôi”.

“Tôi đã đến A&E năm lần với tình trạng tim đập nhanh, chóng mặt, ngất xỉu, đau ngực, khó thở và đau khớp, nhưng không được điều trị vì độ bão hòa oxy trong máu [được đo khi nghỉ ngơi] vẫn bình thường. Máu trở nên "kết dính" nên dễ kích hoạt cơ chế đông máu khi xét nghiệm máu”.

Do nhiễm COVID-19 kéo dài, Lewis cũng bị mắc bệnh dị ứng dù trước đây cô chưa hề gặp phải, và hệ thống miễn dịch của cô cũng trở nên nhạy cảm với các kích thích như căng thẳng, nhiễm trùng và một số loại thực phẩm gây dị ứng.

Cô tin rằng trường hợp của cô khá nghiêm trọng do lối sống căng thẳng đã dẫn đến sự suy giảm của hệ miễn dịch. Lewis nói: “Chế độ tập thể dục khắc nghiệt chưa chắc mang lại sức khỏe tốt cho nhiều người, chẳng hạn như trường hợp của tôi”.

Cô đã áp dụng một số phương pháp điều trị nhằm giúp giảm bớt các triệu chứng suy nhược như bơi trong nước lạnh thường xuyên, xông hơi bằng tia hồng ngoại để làm giảm cơn đau.

Trường hợp của bác sĩ Lewis không phải là hiếm. Cứ 10 người bị nhiễm COVID-19 trên thế giới thì có một người được cho là phải chịu đựng những di chứng do hậu quả “COVID kéo dài”. Nghĩa là có tới 10 triệu người từng nhiễm COVID-19 đang có các triệu chứng bệnh lý giống như bác sĩ Lewis.

Tạp chí y khoa The Lancet cho biết, ảnh hưởng do “COVID kéo dài” có thể gây ra các triệu chứng và biến chứng ảnh hưởng đến nhiều bộ phận cơ thể kể cả sau khi bệnh nhân khỏi bệnh, có thể bao gồm ho mãn tính, khó thở, tức ngực, rối loạn chức năng nhận thức và suy nhược cơ thể trong vòng ít 12 tuần.

Tại Anh, nơi COVID-19 bùng phát mạnh, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) đã thông báo sẽ nghiên cứu những tác động do “COVID kéo dài”. Ngay cả ở Hồng Kông, nơi có tỷ lệ nhiễm COVID-19 tương đối ít hiện các cơ sở y tế cũng chú trọng tới việc chăm sóc phục hồi sau COVID-19.

Bác sĩ Christopher Hui (Hồng Kông), một chuyên gia về hồi sức và hô hấp cho biết, bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc thường có những di chứng về thần kinh và hô hấp. Do đó đối với một số bệnh nhân, việc hồi phục sẽ lâu hơn và phức tạp hơn.

Ngoài trường hợp của bác sĩ Lewis, còn có bệnh nhân Matthew Ross từng bị nhiễm COVID-19 vào tháng 3/2020 tại Mỹ. Ở độ tuổi gần 30 và là một người ham mê tập thể dục, Ross cảm thấy không được khỏe và sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19, anh nhập viện và xuất viện sau 21 ngày.

5 tháng sau, anh vẫn gặp các triệu chứng lạ như ù tai, đổ mồ hôi ban đêm và tức ngực. Để “cắt bệnh” và nhanh chóng hồi phục, Ross chia sẻ rằng anh thường xuyên đi bộ ngoài trời, ngừng uống rượu, thực hiện thiền định hằng ngày và uống probiotic để cải thiện sức khỏe đường ruột.

Quốc Hưng



BÀI CHỌN LỌC

Ngay cả có sức khỏe tốt, bệnh nhân vẫn phải chịu di chứng dai dẳng sau khi bị hội chứng “COVID-19 kéo dài”