Nên hay không nên tiêm virus Vũ Hán để thử nghiệm vaccine?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc đua tìm kiếm vaccine đặc trị cho virus ĐCSTQ, một số chuyên gia y tế và chính trị gia đang ủng hộ biện pháp gây tranh cãi: thử thách tiêm virus suy yếu trên các tình nguyện viên khỏe mạnh…

Vào tháng trước, 35 nhà lập pháp Hoa Kỳ, đứng đầu là Hạ nghị sĩ Bill Foster (D-Ill.) và Donna Shalala (D-Fla.) đã gửi thư tới 2 cơ quan chính phủ là Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để kêu gọi mọi phương án đẩy nhanh việc nghiên cứu vaccine chống virus Vũ Hán.

Theo lập luận từ phía ủng hộ, thì số người thiệt mạng sẽ ngày càng tăng nếu cứ thế chờ vaccine xuất hiện, và “những tổn thất về tính mạng con người trong dịch COVID-19 cũng sẽ làm thay đổi mọi phân tích lợi ích và rủi ro”. Họ cho rằng việc phê duyệt là cần thiết và nên triển khai càng sớm càng tốt.

Foster và Shalala viết trong thư: “Chúng tôi viết thư này để khẳng định với các bạn rằng, Quốc hội hiểu việc chấp nhận rủi ro trong điều chế vaccine đối với COVID-19 là hợp lý”.

“Đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm sẽ tránh được rủi ro, vì việc thử nghiệm đồng thời nhiều loại thuốc với liều cao thấp khác nhau [để dò ra liều phù hợp] sẽ giúp rút ngắn các giai đoạn thử nghiệm. Người tình nguyện (khỏe mạnh) sẽ được chích virus COVID-19 để thử tác dụng phòng bệnh của vaccine, và khả năng trở bệnh nặng là rất thấp”.

Là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và phản ứng nhanh ở New York, bác sĩ Rajeev Fernando cũng đồng ý với thử nghiệm virus ĐCSTQ trên người. Theo bác sĩ trả lời Epoch Times: “Tôi thực sự ủng hộ những loại thử nghiệm này ngay bây giờ nếu nó có thể đẩy nhanh quá trình tìm kiếm vaccine… Nếu có thể lựa chọn thì tôi sẽ rất hạnh phúc khi trở thành một phần của những thử nghiệm này”.

Đọc thêm: Đặt tên đúng cho loại virus gây ra đại dịch toàn cầu

Bác sĩ nói thêm rằng: “mọi thứ đều có rủi ro đi kèm với lợi ích, vì vậy mọi người có quyền và nên đưa ra quyết định thông minh, liên quan đến thí nghiệm thử thách (trên người) đối với virus Vũ Hán”.

Lợi ích và rủi ro

Tiền thân của các nghiên cứu thử thách trên người (HCS - Human Challenge Studies) bắt nguồn từ bệnh đậu bò - đậu mùa ở trên bò. Đại dịch đậu mùa này đã hoành hành khắp châu Âu vào năm 1976 với tỷ lệ tử vong xấp xỉ 30%, cho đến khi bác sĩ Edward Jenner tìm ra vaccine cho nó.

Sau khi ông quan sát thấy những người vắt sữa bò có miễn dịch tự nhiên với đậu mùa, bác sĩ Edward đã cân nhắc tìm một cô gái chuyên vắt sữa bò đang nhiễm bệnh, thu thập dịch lỏng từ vết loét mới phát triển trên tay cô, sau đó tiêm lên tay một cậu bé 8 tuổi cùng làng. Cậu bé lên cơn sốt, theo sau đó là chuỗi ngày cơ thể bị ớn lạnh và ăn không ngon. Nhưng tất cả các triệu chứng biến mất vào ngày thứ 10. 2 tháng sau đó, vị bác sĩ đã tiêm thêm một lần nữa nhưng cậu bé đã miễn dịch với đậu mùa suốt phần đời còn lại.

Hiện nay, thử nghiệm vaccine lâm sàng trên người thông thường sẽ cần trải qua 3 giai đoạn bắt buộc:

    • Giai đoạn 1: thử nghiệm trên người trưởng thành khỏe mạnh với cỡ mẫu 30-50 đối tượng, bắt đầu từ liều thấp đến liều được đề xuất - dựa trên liều được ngoại suy từ kết quả dò liều an toàn và hiệu quả trên thử nghiệm động vật. Mục tiêu chính của giai đoạn này là đánh giá tính an toàn của vaccine.
    • Giai đoạn 2: thử nghiệm trên người trưởng thành khỏe mạnh với cỡ mẫu tối thiểu 200 đối tượng, nhằm mục đích đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine, đồng thời lựa chọn liều và lịch dùng thích hợp.
    • Giai đoạn 3: tiến hành trên cỡ mẫu tối thiểu 500 đối tượng tại nhiều địa điểm và có đối chứng giả dược. Sử dụng phác đồ tiêm chủng được lựa chọn từ giai đoạn 2, giai đoạn cuối đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vaccine trên một nhóm cộng đồng lớn và gần với đối tượng đích hơn (nhóm sẽ sử dụng vaccine - bao gồm cả trẻ em và người cao tuổi).

Đáng chú ý hơn nữa, giữa giai đoạn 1 và 2 sẽ có một khoảng dừng để chờ kiểm tra tác dụng phụ và thời gian này có thể kéo dài đến 3 tháng. Nhưng trong thử nghiệm nhanh, thì chỉ cần 1-2 ngày không có biến chứng sau giai đoạn 1 là giai đoạn 2 sẽ bắt đầu.

Đạo đức nghiên cứu

Trong email trao đổi với Epoch Times, Phó Giáo sư Kirk Allison của trường Đại học Saint Thomas đã nhấn mạnh: “Vấn đề đạo đức của thí nghiệm HCS là nó cắt ngắn giai đoạn và ép buộc 100% tình nguyện viên phải tiếp xúc với virus (ĐCSTQ)”.

Theo ông Allison, trong thử nghiệm nhanh vaccine với virus thật, số lượng người cần trong 2 nhóm được chích vaccine và giả dược đều không cần nhiều, có thể “thấp hơn số lượng cần để nghiên cứu có ý nghĩa”. Đây là một lợi thế vì “nếu có biến chứng thì số người lãnh hậu quả sẽ ít hơn so với thử nghiệm theo phương pháp truyền thống”.

Những người phản đối HCS khác cũng nói rằng những mối quan tâm về đạo đức cần được xem xét vì vẫn còn nhiều điều chưa biết về chủng virus mới.

Trong phát biểu trên Tạp chí Khoa học, nhà miễn dịch học nhiều kinh nghiệm thực hiện HCS Mathew Memoli thuộc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia đặt câu hỏi: “Chỉ vì bạn thực sự muốn hiểu về căn bệnh này thì bạn có lý do hợp lý để chấp nhận những rủi ro khi truyền bệnh cho người khác hay sao?”

Tiến sĩ Janette Nesheiwat, người phụ trách chuyên mục y tế của Fox News cũng đã tuyên bố điều đó, nhưng theo một cách thẳng thắn hơn trên kênh của mình rằng: “Chúng ta đều biết việc yêu cầu các tình nguyện viên tiêm một mầm bệnh chết người vào cơ thể có thể thực sự giết chết họ”.

Nesheiwat đặt câu hỏi về sự cần thiết của các nghiên cứu nhanh, vì các thử nghiệm vaccine đã đang được diễn ra với tốc độ cực kỳ nhanh để có thể phân phối vaccine ra thị trường sau 18 tháng - mà theo truyền thống thì sẽ mất đến khoảng 10-15 năm với quy trình thông thường.

Khi bà Deborah Birx, điều phối viên cao cấp của Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 thuộc Nhà Trắng, được hỏi trên Fox News rằng: liệu tháng Một tới đã có vaccine hay chưa, thì Tiến sĩ Birx khẳng định lại việc bỏ qua thời gian chờ giữa giai đoạn 1 và 2 sẽ đẩy nhanh tiến độ, nhưng thời gian sẽ phụ thuộc vào việc “liệu chúng tôi có thể thực hiện khảo sát trên toàn cầu hay không, bởi vì giai đoạn 3 cần phải có thử nghiệm trên cộng đồng lớn để kiểm tra tính hiệu quả của vaccine”.

Thanh Long
- Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Nên hay không nên tiêm virus Vũ Hán để thử nghiệm vaccine?