Mỹ có vắc-xin phòng Covid-19 thử nghiệm đầu tiên trên con người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Moderna, một công ty dược có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã gửi lô vắc-xin thử nghiệm đầu tiên phòng bệnh Coronavirus mới (Covid-19) cho các nhà nghiên cứu liên bang để sử dụng trên người.

Moderna đã gửi vắc-xin từ nhà máy ở Norwood, bang Massachusetts, Hoa Kỳ đến Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID), có trụ sở tại Bethesda, Md., và Viện Sức khỏe Quốc gia (NIH).

Lô sản phẩm này được đưa ra chỉ 42 ngày sau khi công ty chọn một phần trong bộ gen di truyền của virus để nghiên cứu.

Các viện nghiên cứu dự kiến ​​sẽ bắt đầu đợt thử nghiệm lâm sàng với khoảng 20 đến 25 tình nguyện viên vào cuối tháng 4.

Giám đốc NIAID Anthony Fauci nói với tờ The Wall Street Journal rằng: “Tôi cam đoan sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trong vòng 3 tháng, và có thể xem đây là kỷ lục nhanh nhất trên thế giới. Chưa từng có trường hợp nào làm nhanh hơn như vậy”.

Thử nghiệm có thể sớm cho kết quả sơ lược trong tháng Bảy năm nay. Tuy nhiên, bất kỳ loại vắc-xin nào cũng cần mất ít nhất 1 năm để có mặt trên thị trường thương mại, vì cần phải tiến hành các nghiên cứu bổ sung và hoàn tất các thủ tục pháp lý.

Trong một phát biểu vào tháng trước tại một hội thảo ở Washington, ông Fauci nói rằng phải mất khoảng hai tháng rưỡi để bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1, và thử nghiệm này mất khoảng 3 tháng để đảm bảo vắc-xin an toàn.

Sau đó, một thử nghiệm giai đoạn 2 có thể được tiến hành trên một nhóm lớn hơn, với hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn người. Ông Fauci cũng cho biết rằng thử nghiệm đó sẽ mất ít nhất 6 tháng hoặc có thể hơn 8 tháng. Nếu vắc-xin thành công với các thử nghiệm, việc mở rộng quy mô phân phối cũng phải mất thêm thời gian.

Những nỗ lực nghiên cứu của công ty Moderna được tài trợ bởi Liên minh Phòng dịch bệnh có trụ sở ở Na Uy, việc tài trợ này đã được công bố vào cuối tháng 1/2020. Liên minh cũng đang tài trợ cho những nỗ lực của bang Inovio và Đại học Queensland ở Úc để phát triển vắc-xin chống lại căn bệnh Covid-19.

Trong một bài phát biểu gần đây, ông Richard Richardettett, CEO của Liên minh cho biết: “Thông qua sự hợp tác của chúng tôi với Moderna và NIH, chúng tôi hy vọng sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển vắc-xin chống lại chủng coronavirus mới và giúp giảm bớt gánh nặng bệnh tật”.

Theo NIH, vắc-xin của công ty Moderna sử dụng mRNA (viết tắt từ Messenger RNA), là các phân tử di truyền mang thông tin từ DNA trong nhân của tế bào đến tế bào chất nơi protein được tạo ra.

Theo công ty, phương pháp sử dụng mRNA mang lại những lợi thế tiềm năng bao gồm: khả năng bắt chước trạng thái nhiễm virus tự nhiên để kích thích phản ứng miễn dịch mạnh hơn, kết hợp nhiều mRNA vào một loại vắc-xin và nhanh chóng tìm ra [vắc-xin] để đối phó với các mối đe dọa từ đại dịch mới.

Moderna tuy chưa có vắc-xin được cấp phép, nhưng công ty này có chín loại đã và đang được thử nghiệm hoặc phát triển, trong đó có một loại cho virus Zika.

Các công ty khác cũng đang nghiên cứu vắc-xin. Bộ phận vắc-xin Janssen của công ty Johnson & Johnson đang hợp tác với Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh để phát triển một loại vắc-xin.

Trong một tuyên bố đầu tháng này về việc công bố quan hệ đối tác, ông Rick Bright, giám đốc Cơ quan Phát triển Y sinh thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ, cho biết: “Janssen là một đối tác có thực lực với một nền tảng sản xuất vắc-xin linh hoạt, nhanh chóng, mang lại cho chúng ta một lợi thế trong cuộc đua bảo vệ người dân ở Hoa Kỳ và toàn thế giới khỏi mối đe dọa an ninh sức khỏe do chủng Coronavirus mới này gây ra”.

Bộ Y tế Hoa Kỳ cũng đang hợp tác với hãng Sanofi Pasteur, đơn vị kinh doanh vắc-xin toàn cầu của Sanofi, để phát triển một loại vắc-xin sử dụng nền tảng DNA tái tổ hợp không sử dụng trứng.

Trong một thông cáo báo chí, Bộ Y Tế Hoa Kỳ cho biết: “Công nghệ này tạo ra vật liệu di truyền (DNA) tương ứng với protein của virus. DNA của protein này sẽ được kết hợp với DNA từ một loại virus vô hại đối với con người và được sử dụng để nhanh chóng tạo ra một lượng lớn kháng nguyên để từ đó kích thích hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi virus. Các kháng nguyên sẽ được tách ra và thu thập từ các tế bào này và được tinh chế để tạo ra nguồn dự trữ vắc-xin cho các bước nghiên cứu cao cấp hơn”.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu khác cũng đang nghiên cứu thử nghiệm các loại thuốc hiện có trên bệnh nhân nhiễm Coronavirus. Đã có 2 thử nghiệm lâm sàng được thực hiện thông qua R&D Blueprint của Tổ chức Y tế Thế giới. Đó là một kế hoạch cho phép kích hoạt nhanh các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong thời gian dịch bệnh, dự kiến ​​sẽ cho kết quả sơ bộ vào khoảng giữa tháng 3.

Một trong những thử nghiệm là sử dụng lopinavir và ritonavir, hai loại thuốc thường được sử dụng để điều trị nhiễm HIV.

Trong khi đó, một dự án khác đang thử nghiệm một loại thuốc kháng virus có tên là remdesivir, được phát triển bởi Công ty dược Gilead Science.

Hôm thứ Hai ngày 24/2, Tiến sĩ Bruce Aylward, một chuyên gia đến từ Canada đang đứng đầu một nhóm hiện đang ở Trung Quốc để nghiên cứu dịch bệnh, chia sẻ với các phóng viên rằng họ tin là remdesivir có thể mang đến “hiệu quả thực sự”.

Ông kêu gọi tập trung nhiều nguồn lực hơn vào các phương pháp điều trị đầy hứa hẹn: “Chúng ta phải ưu tiên nguồn lực vào những thứ có thể cứu sống bệnh nhân và cứu họ nhanh hơn nữa”.

Ánh Tuyết



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ có vắc-xin phòng Covid-19 thử nghiệm đầu tiên trên con người