Liệu pháp giảm đau thần kì cho trẻ khi tiêm phòng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi đi tiêm, con trẻ thường sợ và quấy khóc, nói thế nào cũng không nghe, càng dỗ thì càng sợ, đặc biệt là nếu bé đã nhìn thấy kim tiêm và bác sĩ. Vậy mẹ và bố phải làm sao?...

Trước nỗi đau thể xác và tinh thần, nhiều khi chúng ta không mong một liều thuốc, chúng ta mong có ai đó an ủi, động viên. Đôi khi chỉ cần một câu nói hay một cái ôm, hoặc một cái nhìn trìu mến là đủ để san sẻ nỗi lo một cách chân thành.

Tuy nhiên, trẻ em khác với người lớn, nhất là khi đưa trẻ đi tiêm - bé thường sợ, thường quấy khóc, nói thế nào cũng không nghe, càng dỗ thì càng sợ, đặc biệt là nếu bé đã nhìn thấy kim tiêm và bác sĩ. Nhưng nếu đặt bé vào một không gian quen thuộc với những cử chỉ, nét mặt, ánh nhìn của mẹ, được ngồi trong lòng mẹ và được bú, thì bé sẽ cảm thấy yên tâm vì cảm nhận được sự yêu thương, cảm nhận được tình mẫu tử.

Vào năm 2007, các nhà khoa học đã chứng minh tình yêu thông qua bú mẹ có thể giúp trẻ giảm đau sau chích vaccine khi so sánh hai nhóm: (1) các bà mẹ cho trẻ bú và (2) các nhóm khác (nhóm bú sữa bình, nhóm uống nước đường, nhóm dùng núm vú giả).

Kết quả cho thấy trẻ ở nhóm bú mẹ giảm đau đáng kể, các bé biểu hiện ít khóc, thời gian khóc ngắn hơn, và nhịp tim chậm lại nhanh hơn các nhóm còn lại. Ngay cả nhóm bú bình trong lòng mẹ cũng không nhận được tác dụng giảm đau đáng kể như nhóm được bú mẹ trực tiếp.

Skin-to-skin khi đi tiêm

Vuốt ve là một cử chỉ âu yếm thường gặp khi thể hiện tình yêu. Chỉ cần một cái xoa nhẹ cũng sẽ giúp giảm đau cực kỳ hiệu quả ở bé, nghe tưởng đùa nhưng đây lại là điều hoàn toàn chân thật. Cơ chế chính giúp giảm đau của liệu pháp này là do hai hormone endorphin oxytocin.

Endorphin còn được gọi là thuốc phiện nội sinh, không chỉ giúp giảm đau đáng kể mà còn giúp ngăn chặn các tín hiệu kích thích đau như peptide, bradykinin, đồng thời tăng lưu thông máu đến các mô mềm để giúp làm dịu cơn đau.

Oxytocin thì lại giúp não giảm mức độ căng thẳng, khiến chúng ta cảm thấy bình tĩnh và thoải mái hơn. Oxytocin hoạt động trên hệ thống limbic (trung tâm cảm xúc của bộ não), thúc đẩy cảm giác mãn nguyện, giảm lo lắng và giúp tăng khả năng chịu đau.

Ngày nay, da kề da (skin-to-skin contact) gần như đã trở thành liệu pháp thường quy cho mẹ và bé ngay sau sinh. Bên cạnh tác dụng giảm đau, các nhà khoa học còn thấy vô vàn tác dụng có lợi khác của nó, đặc biệt giúp gia tăng tình cảm mẹ và con, đem đến cho mỗi người phụ nữ khoảnh khắc kỳ diệu và hạnh phúc nhất trong hành trình làm mẹ. Và điều này sẽ tuyệt vời hơn cho cả gia đình nếu các bố biết vỗ về, xoa dịu cho cả hai mẹ con nếu phải đi tiêm trong ngày hè nóng bức.

Điều này đã được các nhà nghiên cứu tại Đại học Haifa (Israel) chứng minh. Họ đã để các nữ tình nguyện viên cho da chạm nhẹ vào thanh kim loại nóng, đủ để tay họ bị đau nhẹ trong một khoảng thời gian, và sau đó sẽ có (1) người lạ nắm tay và an ủi họ, hoặc (2) bạn trai đứng gần nhưng không chạm vào họ, hay (3) bạn trai giữ và vuốt ve bàn tay đang bị đau của họ.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy, chỉ khi được bạn trai vuốt ve tay bị đau, thì họ mới thật sự bớt đau. Mức độ giảm đau càng nhiều khi người bạn trai càng thể hiện sự đồng cảm và hỗ trợ họ trong quá trình thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu gọi cách vuốt ve, hay da kề da giúp giảm đau này là liệu pháp “giảm đau nhờ tình yêu”.

Chất giảm đau nội sinh

Việc bú mẹ trực tiếp giúp giảm đau cho trẻ không chỉ nhờ liệu pháp skin-to-skin với tác động vật lý, thành phần sinh học trong sữa mẹ cũng góp giảm đau rất hiệu quả. Vị ngọt trong sữa mẹ giúp bé cảm thấy yên tâm hơn và thấy đỡ đau hơn kể cả trong quá trình tiêm.

Biết được điều này, nhiều bố mẹ cũng đem theo một chút đồ uống ngọt như nước đường, sữa cho trẻ khi đi tiêm, vừa giúp đánh lạc hướng cơn đau và vừa giúp giảm đau. Nhưng trong các đồ uống này không hề có opioid - chất giảm đau nội sinh có trong sữa mẹ.

Opioid là tên gọi chung của một nhóm các chất giảm đau, bao gồm cả thuốc phiện, nhưng opioid trong sữa mẹ thì lành và tốt hơn. Chất giảm đau nội sinh này có thể kéo dài hơn 10 phút, góp phần khiến trẻ tập trung vào việc bú - mà không quan tâm đến sự việc xung quanh.

Nếu bố mẹ sợ con đau khi tiêm và cố gắng đánh lạc hướng bé bằng cách này cách khác, thì việc bú mẹ biến cơn đau khi tiêm trở thành một trò đánh lạc hướng bất thành. Và một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Clinical Therapeutics vào năm 2009 đã cho thấy nó giúp trẻ giảm phân nữa cơn đau lẽ ra bé phải chịu.

Thiện Đức

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Liệu pháp giảm đau thần kì cho trẻ khi tiêm phòng