Liệu bạn có nguy cơ bị ù tai và mất đi thính giác?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ bị ù tai và mất thính giác có liên quan mật thiết đến thói quen đeo tai nghe liên tục, loại âm nhạc hiện đại, cường độ âm thanh mà bạn nghe mỗi ngày...

Đeo tai nghe liên tục

Một nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng 80% thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi dùng tai nghe để nghe nhạc 1-3 giờ mỗi ngày. Họ có thể đeo tai nghe mọi lúc mọi nơi, trong lúc tập thể dục, di chuyển, thư giãn, trong giờ học và thậm chí là cả lúc đi ngủ. Thói quen này làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về thính giác trong tương lai, chẳng hạn như ù tai, hội chứng nhạy cảm với âm thanh và triệu chứng mệt mỏi do âm thanh gây ra.

Tiến sĩ Jackie Clark, giáo sư lâm sàng tại trường Đại học Texas tại Dallas và là chủ tịch của Học viện Thính học Hoa Kỳ, cho biết: “Sự mệt mỏi của thính giác, do nghe qua tai nghe trong nhiều giờ, ngay cả ở mức âm lượng thoải mái, cũng có thể gây ra ù tai. Đây có thể là kết quả của việc không để cho đôi tai được yên tĩnh thực sự trong một khoảng thời gian đủ dài”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ước tính rằng có khoảng 1 tỷ thanh niên trên toàn cầu có thể có nguy cơ bị mất đi thính lực vì thói quen dùng tai nghe không an toàn.

Nghe cường độ âm thanh cao

Tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong các hoạt động giải trí hoặc tại nơi làm việc có thể làm hỏng thính giác của bạn. Một nghiên cứu cho biết: những người nghe âm lượng lớn hàng ngày và liên tục trên 5 năm có nhiều nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thính giác: dễ mắc hội chứng nhạy cảm với âm thanh, và mệt mỏi do âm thanh gây ra.

Nếu nghe nhạc với âm lượng từ 90 -100 dB trong thời gian dài ngay cả khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ bị suy giảm thính lực do tiếng ồn. Theo nghiên cứu của Meyer-Bisch, những người tham dự các buổi chơi nhạc có cường độ âm thanh cao từ 100-115 dB ít nhất hai lần mỗi tháng đều có nguy cơ bị khiếm thính kéo dài.

Một nghiên cứu khác của Hanson cho thấy các sinh viên tham dự sự kiện âm nhạc pop hoặc đến vũ trường ít nhất mỗi tháng một lần có tỉ lệ bị mất thính lực đáng kể so với những người tham dự ít hơn bốn lần mỗi năm. Điều này cho thấy việc thường xuyên đến hộp đêm, quán karaoke, lễ hội âm nhạc - những nơi có cường độ âm thanh quá cao, cũng gây ra các tổn thương thính giác.

Âm nhạc hiện đại

Theo Mercier và Hohmann, sau khi khảo sát một nhóm 700 nam nữ thanh niên Thụy Sĩ thường xuyên đến vũ trường, lễ hội âm nhạc pop, rock hoặc tiệc techno, họ phát hiện thấy 71% những người được khảo sát từng bị ù tai và 11% bị tổn thương thính lực.

Không chỉ gây rối loạn thính giác, những người thường xuyên tham dự các sự kiện âm nhạc rock còn có nguy cơ chấn thương não sau khi các bác sĩ của trường Y Hannover (Đức) ghi nhận một số trường hợp bị tổn thương não do có những cử động giật lắc nhanh, mạnh theo nhạc.

Mọi người hiện nay cũng đều biết rằng các dòng nhạc giải trí đang được đông đảo giới trẻ yêu thích như rock, EDM, techno, disco... có ảnh hưởng rất xấu đến khả năng nghe đối với những ai nghe phải.

Cách thức bảo vệ chức năng nghe của tai

Chọn nhạc để nghe
Việc chọn thể loại âm nhạc nào sẽ rất quan trọng đối với thính lực của chúng ta. Các buổi hòa nhạc cổ điển với âm nhạc dịu nhẹ vừa phải, có mức độ tiếp xúc trung bình dưới 90dB (A) nên ít ảnh hưởng đến chức năng nghe.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy nhạc cổ điển và nhạc truyền thống Trung Hoa có thể được sử dụng như một liệu pháp y học giúp điều trị bệnh. Nhạc cổ điển, nhạc truyền thống có thể giúp phát triển và bảo vệ não, tăng cường khả năng tập trung, giảm nguy cơ tổn hại thính giác và các vấn đề về sức khỏe khác.

Âm lượng vừa phải
Điều chỉnh âm lượng vừa đủ để bạn có thể nghe nhạc thoải mái, nhưng không nên nghe nhạc lớn hơn 60% âm lượng tối đa. Một số thiết bị có cài đặt chế độ bảo vệ tai nghe, bạn có thể sử dụng để tự động giới hạn âm lượng.

Bên cạnh đó, nếu phải tiếp xúc với âm thanh lớn hoặc tham dự các lễ hội âm nhạc với cường độ cao, bạn nên sử dụng nút tai bọt biển hoặc tai nghe chống ồn để tránh việc âm thanh dội thẳng vào tai.

Dùng tai nghe đúng cách
Khi cần dùng tai nghe thì bạn nên chú ý các mẹo giúp ngăn ngừa tổn thương thính giác dưới đây:

    • Không giữ âm lượng quá cao
    • Hạn chế tiếp xúc với âm thanh lớn trong thời lượng dài
    • Sử dụng tai nghe chống ồn
    • Sử dụng dụng cụ trùm tai để tránh âm thanh rung động trực tiếp đến màng nhĩ cũng như tiếp xúc trực tiếp với ống tai
    • Thường xuyên vệ sinh tai nghe để ngăn chặn sự tích tụ của vi khuẩn, mồ hôi và da bị bong tróc
    • Tránh sử dụng tai nghe khi đi ô tô, xe buýt, tàu hỏa hoặc thậm chí đi bộ.

Tiểu Vy

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Liệu bạn có nguy cơ bị ù tai và mất đi thính giác?