Làm thế nào để hâm nóng thức ăn thừa một cách an toàn? Những thức ăn nào không được nấu lại?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu ăn không hết hay còn thừa thức ăn, chúng ta có thể cho chúng vào tủ lạnh và hâm nóng lại nếu muốn. Điều này sẽ không gây lãng phí thực phẩm, mà còn tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, thức ăn thừa có thể giữ được bao lâu? Khi hâm nóng chúng ta nên chú ý đến những vấn đề gì, để tránh ngộ độc thực phẩm?...

Khi không dùng hết đồ ăn, chúng ta thường bỏ chúng vào tủ lạnh để bảo quản. Nhưng một khó khăn đối với rất nhiều bà nội trợ cũng như những người yêu thích dùng tủ lạnh để bảo quản đồ ăn là thời gian thức ăn bảo quản được bao lâu.

Trên thực tế, điều này không quá khó nếu chúng ta biết được thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ nào. Thường thì các chuyên gia chia thực phẩm bảo quản làm 3 nhóm:

Nhóm nguy cơ thấp: gồm rau, đậu và bánh mì. Rau bảo quản trong tủ lạnh có thể từ 3 đến 7 ngày, đậu thì lâu hơn trung bình từ 7 đến 10 ngày. Trong khi, bánh mì để nhiệt độ phòng từ 5-7 ngày, còn trong tủ lạnh thì để thêm được 3-5 ngày.

Nhóm nguy cơ trung bình: mì ống, kiều mạch, ngũ cốc và các món tráng miệng. Mì ống nấu chín hoặc kiều mạch và các loại ngũ cốc khác có thể giữ được 3 ngày nếu bảo quản lạnh đúng cách. Riêng các món tráng miệng thì thường chỉ có thể giữ được từ 3 đến 4 ngày trong tủ lạnh.

Nhóm nguy cơ cao: những thực phẩm chứa nhiều nước, giàu chất đạm bao gồm trứng, cơm, hải sản và các loại thịt.

  • Trứng: loại thực phẩm này rất dễ chứa vi khuẩn Salmonella. Vì vậy, cần luộc trứng chín kỹ trước khi ăn. Nếu bảo quản trong tủ lạnh thì tốt nhất nên ăn trong vòng 7 ngày.
  • Cơm nấu chín: Mặc dù cơm không phải là thực phẩm giàu đạm nhưng lại rất dễ sinh vi khuẩn Bacillus cereus và gây ra ngộ độc thực phẩm. Cơm đã nấu chín, nếu chúng ta không ăn thì nên cho vào tủ lạnh trong vòng một giờ và tiêu thụ trong vòng 3 ngày. Nếu để ngoài 1 tiếng mà chưa cho vào tủ lạnh thì nên bỏ đi.
Cơm nguội cũng có thể khiến bạn đầy bụng và có hại cho sức khỏe nếu bảo quản không đúng cách. (Ảnh: Flickr)
Cơm nguội cũng có thể khiến bạn đầy bụng và có hại cho sức khỏe nếu bảo quản không đúng cách. (Ảnh: Flickr)
  • Hải sản: Động vật có vỏ và cá cũng như các loại hải sản khác có thể chứa nhiều mầm bệnh và độc tố. Những món ăn này chỉ nên tiêu thụ trong vòng 3 ngày.
  • Thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm: thịt xay nấu chín và thịt gia cầm nếu để trong tủ lạnh dưới 5°C thì có thể bảo quản trong 2 ngày. Các sản phẩm thịt khác như thịt nướng thì giới hạn bảo quản là từ 3 đến 4 ngày.

Cách làm nóng thức ăn thừa

Michael Mosley là một bác sĩ giàu kinh nghiệm, người dẫn chương trình truyền hình, nhà sản xuất của vương quốc Anh cho biết, mặc dù sử dụng lò vi sóng là cách tiện lợi nhất để hâm nóng thức ăn thừa, nhưng nó có thể khiến thức ăn nóng không đều. Ông khuyên khi sử dụng lò vi sóng, tốt nhất nên khuấy sau khi hâm nóng trong một khoảng thời gian, lặp lại điều này nhiều lần để đảm bảo rằng mọi phần của thức ăn đều được nóng.

Còn nếu sử dụng lò nướng để hâm nóng, bạn hãy nhớ sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ trước khi ăn. Hâm nóng thực phẩm bao nhiêu lần không quan trọng chỉ cần làm nóng trên 75 độ C. Để có thể biết chính xác nhiệt độ đồ ăn, các chuyên gia khuyên chúng ta nên dùng nhiệt kế, đặt nó ở giữa thức ăn và tránh chạm vào đáy hộp đựng đồ ăn.

Một cách khác có thể dùng để làm nóng thức ăn là dùng bếp gas hay bếp từ. Chuyên gia dinh dưỡng và giảng viên an toàn thực phẩm người Úc Dorothy Richmond cho biết, nếu bạn dùng bếp để hâm nóng thức ăn, đừng ngừng đun cho đến khi sôi, và để sôi trên bếp từ 10 đến 20 phút.

Bạn nên lấy thức ăn từ trong tủ lạnh ra, cho vào hộp cẩn thận để cho vào lò vi sóng... (ShutterStock)

Thức ăn nào nguy hiểm khi đun nóng?

Mặc dù hâm nóng thức ăn ở nhiệt độ cao có thể tiêu diệt hầu hết vi khuẩn, nhưng Bacillus cereus trong gạo là một ngoại lệ. Do đó, cơm đã nấu chín, nếu chúng ta không ăn thì nên cho vào tủ lạnh trong vòng một giờ và tiêu thụ trong vòng 3 ngày. Nếu đã để ngoài một tiếng mà chưa cho vào tủ lạnh thì nên bỏ đi vì nguy cơ nhiễm vi khuẩn này.

Ngoài ra, không chỉ gạo có nguy cơ này mà cả các loại thực phẩm giàu tinh bột bao gồm mì ống, mì, khoai tây...cũng dễ nhiễm vi khuẩn này nếu chúng ta không bảo quản đúng cách.

Thiện Đức
- Theo NTD tiếng Trung.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Làm thế nào để hâm nóng thức ăn thừa một cách an toàn? Những thức ăn nào không được nấu lại?