7 cách ứng phó với tương lai bất định trong đại dịch COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong đại dịch COVID-19 như hiện nay, khi mà hàng loạt thói quen và kế hoạch hoàn hảo mà chúng ta đã dày công chuẩn bị có nguy cơ đổ bể, thì điều quan trọng bạn cần học là cách ứng phó trước tương lai bất định...

Biết trước tương lai là điều ai cũng mong muốn, thậm chí khao khát hơn bất cứ thứ gì khác. Đó là nhu cầu chính đáng của con người, trông chờ vào sự an toàn và tương lai ổn định. Điều này khiến não nhận thức một thứ mơ hồ như một mối đe dọa thực sự. Nó luôn cố gắng tập trung tất cả năng lực của mình giúp bảo vệ con người, đôi khi còn quên sự tập trung vào những điều khác. Hậu quả có thể gây ra nhiều tổn hại cho sức khỏe.

Nghiên cứu cho thấy, những người có công việc không ổn định thường có xu hướng bị tổn hại sức khỏe nhiều hơn là những người thực sự bị mất việc.

Hiện nay, khi đại dịch COVID-19 đã khiến những kế hoạch mà chúng ta dày công chuẩn bị có nguy cơ bị đổ bể, điều quan trọng lúc này là chúng ta cần chính là học cách đối diện với sự mơ hồ. Nhà toán học John Allen Paulos chia sẻ: “Không chắc chắn chính là sự chắc chắn duy nhất. Biết cách sống với bất an là sự an toàn duy nhất”.

7 cách dưới đây giúp chúng ta có thể đối phó với những tình huống không thể lường trước trong cuộc sống.

Đừng chống chọi hay kháng cự

Trong hoàn cảnh như hiện nay, vô vàn thử thách đang chờ đón chúng ta. Điều bạn cần làm là biết chấp nhận-chấp nhận thực tế bản thân, theo nghiên cứu của Kristin Neff, đó là bí quyết của hạnh phúc.

Tại sao chúng ta không kháng cự, hay chống chọi lại thách thức trước mắt. Sự thật là có những thứ bạn cố gắng cưỡng lại vẫn không được. Đôi khi, nó càng làm bạn cảm thấy đau đớn hay khó khăn hơn. Kháng cự không thật sự giúp chúng ta hồi phục, học hỏi, phát triển hay cảm thấy tốt hơn.

Ngược lại, chấp nhận lại giúp chúng ta nhìn rõ vấn đề cũng như tình trạng hiện tại. Điều này sẽ giúp bạn thoát khỏi sự sợ hãi, tức giận hay cảm giác bất định trước mắt để tiến về phía trước. Để học cách chấp nhận, chúng ta hãy coi nhẹ, dù đó là một tình huống hay hoàn cảnh vô cùng tồi tệ.

Ví dụ thường gặp hiện nay là cuộc sống hôn nhân của chúng ta rất dễ rơi vào khủng hoảng. Thay vì chỉ trích hay đổ lỗi cho bạn đời, thì có cách khác chúng ta có thể làm, đó là bình thản chấp nhận nó.

Điều đó không có nghĩa, bạn không cảm thấy thất vọng, đau buồn hay bực bội chút nào. Chấp nhận không phải là từ bỏ. Nó giúp bạn có thời gian suy nghĩ về hoàn cảnh của mình (hay của người khác), tại sao chúng ta lại rơi vào hoàn cảnh khổ sở như như hiện nay. Chấp nhận giúp chúng ta nhìn rõ hơn, có thể giải quyết mọi việc để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn. Nó là cách hiệu quả nhất để hướng tới tương lai.

Rèn luyện thường xuyên có thể giúp tăng cường khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể... (Maridav / Shutterstock)
Rèn luyện thường xuyên có thể giúp tăng cường khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể... (Maridav / Shutterstock)

Chăm sóc tốt cho bản thân

Kho báu quý giá nhất mà chúng ta đang có chính là con người mỗi chúng ta. Nói cách khác: khi không hiểu cơ thể, trí óc hay tinh thần của mình, chúng ta đang phá hỏng tất cả những gì thiết yếu nhất để dẫn tới cuộc sống tốt đẹp nhất.

Chúng ta đừng quên chăm sóc bản thân mình. Bạn cần ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi; đôi khi cũng nên dành thời gian để tận hưởng cuộc sống cá nhân.

Chúng ta không nên lẫn lộn giữa ích kỷ và chăm sóc bản thân. Sự ích kỷ là tập trung quá mức vào bản thân. Người ích kỷ chú trọng đề cao bản thân thông qua lời nói và cách thể hiện. Thường khi nói họ sử dụng rất nhiều các từ như tôi, do tôi, vì tôi hay của tôi. Họ cũng thường dành nhiều thời gian chăm sóc vẻ ngoài, chú ý tới vẻ xinh đẹp, tươi trẻ của mình hay chăm chút, chỉnh sửa từng chút hình ảnh bản thân trên mạng xã hội.

Không chỉ vậy, người ích kỷ thường xuyên khao khát tiền, quyền lực hay sự phục tùng từ người khác. Họ tìm mọi cách để đạt được những thứ này, đôi khi phải lừa hay chiếm đoạt tiền của người khác, thậm chí có thể đánh đổi sự chính trực của bản thân.

Ích kỷ chỉ làm chúng ta thêm stress, lo âu, phiền muộn và gặp nhiều vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch.

Khỏe hơn nếu bạn biết những điều nhỏ nhặt

Khi cảm thấy không an toàn hay lo lắng trước những tình huống đang gặp phải, não chúng ta sẽ kích hoạt tiết dopamine. Một chất giúp chúng ta cảm thấy thoải mái và an tâm nhưng lại là một thứ cám dỗ vô cùng mạnh mẽ. Nó khiến chúng ta có nhiều thói quen hay trạng thái không tốt ví dụ như uống thêm rượu, ăn nhiều hơn hay thích mua sắm nhiều đồ hơn trên mạng.

Thay vì sử dụng mạng xã hội, ăn vặt hoặc uống rượu bia để xoa dịu thần kinh đang rối bời, chúng ta có thể chủ động tự an ủi bản thân bằng những cách tốt hơn, có lợi cho sức khỏe hơn. Ví dụ như một cuộc gọi hỏi thăm người thân hay bạn bè; một cái ôm, hôn, lời động viên, chia sẻ với người yêu, bạn đời hay con cái; hay tập luyện thể thao bạn yêu thích; thậm chí chỉ cần bình tâm thưởng thức một tách cà phê, trà hoặc xem một video youtube hài hước.

Những thứ này dường như nhỏ thôi nhưng lại có thể đem đến nhiều lợi ích ngoài sự mong đợi của chúng ta.

Nhằm ngăn ngừa tình trạng trệ Khí hoặc mất Khí, chúng ta nên duy trì một tâm thái bình hòa, tập trung vào làm những việc thoải mái, an lành.
Nhằm ngăn ngừa tình trạng trệ Khí hoặc mất Khí, chúng ta nên duy trì một tâm thái bình hòa, tập trung vào làm những việc thoải mái, an lành. (Ảnh: Sponchia/Pixabay)

Đừng tin hoàn toàn vào mọi thứ chúng ta nghĩ

Có lẽ, chiến thuật giảm stress hiệu quả nhất là không tin vào tất cả những gì chúng ta nghĩ. Trong thời gian này, tránh suy nghĩ tiêu cực là vô cùng quan trọng.

Suy nghĩ tiêu cực khiến chúng ta có xu hướng phản ứng theo cảm xúc như thể điều tồi tệ đang thực sự diễn ra. Chúng ta đang đau buồn về những thứ mà không thực sự mất mát và phản ứng lại những sự kiện không thực sự xảy ra. Điều này khiến bạn cảm thấy bị đe dọa, lo sợ và không an toàn khi cứ một mình quẩn quanh trong suy nghĩ của chính mình.

Những suy nghĩ này còn khiến chúng ta có thể thất bại thực sự. Khi trông đợi điều xấu nhất, chúng ta thường cảm thấy quá sợ hãi hay không đủ tỉnh táo để nắm bắt cơ hội hoặc phản ứng lại với sự nhanh nhạy, sáng tạo vốn có hàng ngày.

Thay vì ôm giữ từng suy nghĩ căng thẳng, bạn có thể tưởng tượng về điều tốt nhất có thể xảy ra. Điều này giúp bạn phản lại khuynh hướng tiêu cực tự nhiên.

Tăng cường sự tập trung

Thay vì lo sợ sự không chắc chắn, chúng ta có thể tập trung vào nội tâm của chính mình. Cách này giúp chúng ta rèn luyện sự bình tĩnh, trí óc cởi mở trước những tình huống tiêu cực. Đồng thời, chúng ta ngừng theo dõi tin tức hay mạng xã hội để không làm ảnh hưởng đến nhận thức của mình.

Những cách có thể giúp chúng ta như đọc sách, nghe nhạc êm dịu, thiền định hay tập khí công.

Thiền định để nâng cao nội lực và khả năng của hệ miễn dịch. (Ảnh: Một học viên luyện bài công Pháp số 5 của Pháp Luân Đại Pháp/ Internet)

Hãy tin vào năng lực của chính mình

Khi gặp vấn đề chúng ta thường tìm người giúp đỡ. Điều này rất tốt khi được nghe những lời khuyên từ bạn bè, người thân hay một nhà tâm lý. Nhưng họ không phải là cứu tinh hay người hùng như những câu chuyện tiểu thuyết hay phim điện ảnh. Điều thực sự giúp bạn vượt qua khó khăn lại là chính bạn.

Sức mạnh thực sự luôn nằm trong nội tại của mỗi con người chúng ta. Thay vì phàn nàn, chúng ta hãy có thể tập trung vào kết quả chúng ta mong muốn. Làm thế nào chúng ta có thể tận dụng tốt nhất mớ hỗn độn này? Chúng ta có thể đạt được gì trong tình huống này?

Khi nhận trách nhiệm về cuộc sống của mình, chúng ta có thể tìm được nguồn sức mạnh thực sự từ việc tạo ra cuộc sống mà chúng ta muốn.

Vì người khác nhiều hơn

Con người chúng ta được thúc đẩy, phát triển tốt nhất khi cảm nhận được giá trị của chính mình đối với người khác. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải làm việc vất vả hơn, nhiều hơn và tốt hơn nhưng lại cảm thấy hạnh phúc hơn về những việc chúng ta đang làm vì những nỗ lực của mình đang mang lại nhiều lợi ích cho ai đó.

Các nhà tâm lý học xã hội định nghĩa ý nghĩa cuộc sống là một đánh giá trí tuệ và cảm xúc về mức độ chúng ta cảm thấy cuộc sống của mình có mục đích, có giá trị và có tác động. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chúng ta cảm thấy tốt hơn khi ngừng suy nghĩ quá nhiều về bản thân và tăng cường hỗ trợ người khác.

Khi chúng ta nhìn thấy một số thứ cần cải thiện, bước tiếp theo là nhận ra những gì chúng ta có thể làm để giải quyết. Những kỹ năng hay tài năng gì (hoặc thậm chí chỉ là sở thích) chúng ta có thể đưa vào việc này? Điều gì thực sự quan trọng đối với chúng ta và làm thế nào chúng ta có thể cống hiến?

Ý nghĩa và mục đích là nguồn của hy vọng. Khi mà cả thế giới cảm thấy sợ hãi hay bất định, biết rằng mình có ý nghĩa đối với người khác và cảm nhận được mục đích của những việc mình làm, là cách tốt nhất có thể tiếp thêm sức mạnh to lớn cho chúng ta.

Vì vậy, đừng chỉ đợi dịch bệnh này kết thúc. Đừng cam chịu sự khốn khổ của bạn. Bạn luôn luôn muốn làm gì? Bạn hy vọng đạt được điều gì? Bạn có thể làm cho cuộc sống của bạn như thế nào? Hãy sống cuộc sống đó của chính mình.

Hà Thành
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

7 cách ứng phó với tương lai bất định trong đại dịch COVID-19