Cảnh giác với kiến ba khoang - Nhận biết triệu chứng và xử lý khi có vết thương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù là loài côn trùng hiền lành, nhưng chất Pederin trong kiến ba khoang được đánh giá mạnh gấp 12 - 15 lần so với rắn hổ, tuy nhiên nhờ kích thước nhỏ, nên phạm vi tác động của chúng bị giới hạn.

Thời tiết xuân hè thường có nhiệt độ tương đối cao, là thời điểm lý tưởng để các loài côn trùng sinh sôi và phát triển, trong đó có kiến ba khoang. Đặc biệt khi vào mùa mưa lũ và mùa gặt, các loài côn trùng bị mất chỗ lưu trú, chúng thường theo ánh sáng bay vào nhà trong đêm. Do không để ý, nhiều người vô tình khiến độc tố của kiến có thể chạm vào da, từ đó gây kích ứng.

Vậy làm thế nào để nhận diện được kiến ba khoang một cách chính xác, cũng như phương pháp xử lý và phòng tránh phù hợp là gì?

Đặc điểm kiến ba khoang

Kiến ba khoang là loài côn trùng có cánh với màu cam tối hoặc sậm đen, vùng bụng trên và đầu màu đen; thân hình của kiến thon dài khá giống hạt thóc với 3 đôi chân, giữa bụng có các đốt, phần đuôi nhọn. Chúng có khả năng bay và chạy nhanh.

Kiến ba khoang là loài côn trùng có cánh với màu cam tối hoặc sậm đen, vùng bụng trên và đầu màu đen; thân hình của kiến thon dài khá giống hạt thóc với 3 đôi chân, giữa bụng có các đốt, phần đuôi nhọn.
Kiến ba khoang là loài côn trùng có cánh với màu cam tối hoặc sậm đen, vùng bụng trên và đầu màu đen; thân hình của kiến thon dài khá giống hạt thóc với 3 đôi chân, giữa bụng có các đốt, phần đuôi nhọn. (Ảnh qua benhvienquan11.vn)

Trên thực tế, kiến ba khoang rất hiền lành, chúng không cắn hay chủ động đốt, chích người. Đối với những người nông dân, loài kiến này rất có lợi vì chúng là thiên địch của các loài sâu rầy gây hại cây trồng. Tuy nhiên, do cơ chế phòng vệ tự nhiên nên chất dịch bên trong cơ thể chúng lại rất nguy hiểm với con người - chất Pederin, một độc tố được đánh giá mạnh gấp 12 - 15 lần so với nọc độc của rắn hổ, nhưng do kích thước nhỏ, nên kiến chỉ có thể gây ảnh hưởng trên một phạm vi nhất định như gây phỏng rộp da, viêm da.

Kiến ba khoang không trực tiếp phóng chất Pederin vào cơ thể, nhưng chúng có thể vô tình bị nghiền nát và để lại dịch này lên bề mặt của một số vật thể hoặc da người.

Các vùng da nhạy cảm dễ chịu tác động nhất gồm da mặt, cổ, cánh tay, bắp chân… Nếu không kịp rửa sạch, chất Pederin sẽ dẫn tới phồng rộp, bỏng, đau rát. Nguy hiểm hơn, người bệnh có thể bị nhiễm trùng và tình trạng trở nặng hơn trong trường hợp không chăm sóc tốt vết thương.

Các vùng da nhạy cảm dễ chịu tác động nhất gồm da mặt, cổ, cánh tay, bắp chân…
Các vùng da nhạy cảm dễ chịu tác động nhất gồm da mặt, cổ, cánh tay, bắp chân… (Ảnh qua benhvienquan11.vn)

Cách nhận biết triệu chứng do kiến ba khoang

Tuỳ theo mức độ chất độc có thể xâm nhập qua da, mà vết thương do kiến gây ra sẽ nhẹ hay nặng.

Theo Trung tâm Y tế quận 2 TP.HCM, ban đầu, người bệnh sẽ cảm thấy hơi ngứa rát và căng da, dễ dàng nhận thấy nhất là trên da xuất hiện một vùng đỏ. Sau 6 - 12 tiếng, vết đỏ cộm thành vệt, nổi những mụn nước to nhỏ không đều. Các mụn nước này sẽ trở thành phỏng nước, phỏng mủ sau 1 - 3 ngày tiếp theo. Người bệnh lúc này sẽ thấy khó chịu, cơ thể sốt, nổi hạch, hoặc đau vùng cổ, nách, bẹn tuỳ thuộc vào vị trí tổn thương. Mặc dù vậy, cũng có số ít trường hợp chỉ nổi lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa, và lặn sau 3 - 5 ngày.

Làm thế nào để tránh da bị tổn thương nặng do kiến ba khoang

Khi kiến ba khoang xuất hiện trên da, tuyệt đối không dùng tay trần để bắt, giết chúng. Vì chúng rất nhỏ nên việc đuổi đi khá dễ dàng, miễn đảm bảo độc tố trong bụng kiến không tiết ra ngoài môi trường.

Sau khi đuổi kiến đi, bạn có thể rửa vùng da tiếp xúc với kiến bằng nước và xà phòng, tiếp đó sát trùng nhẹ.

Nếu thấy vết đỏ, dùng nước muối sinh lý rửa ngày 3 - 4 lần để trung hoà chất tiết.

Nếu vết thương bắt đầu bị phỏng rộp, tuỳ vào mức độ nặng nhẹ để có phương pháp điều trị thích hợp:

  • Trường hợp nhẹ có thể sát trùng.
  • Trường hợp nặng: bôi thuốc làm dịu da, corticosteroid bôi, uống kháng histamin, uống kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm.

Không tự ý điều trị để tránh biến chứng nặng, không tiếp xúc vùng da lành với da bệnh, đồng thời không chà xát hay gãi vùng da đã bị tổn thương.

Phòng tránh kiến ba khoang

Kiến ba khoang thích ánh đèn huỳnh quang, chúng ta có thể hạn chế sự xâm nhập của chúng trong gia đình bằng cách chuyển sang đèn vàng.

Nếu không thể thay đổi ánh sáng đèn, bạn nên hạn chế mở cửa vào ban đêm hoặc lắp lưới chắn, buông rèm để làm giảm ánh sáng thu hút kiến, ngủ trong màn, phát quang bụi rậm, cây cỏ vì đây vốn là nơi sinh sống của nhiều loài côn trùng.

Bạn cũng có thể dùng bình xịt côn trùng tại các vị trí mà kiến dễ bò vào nhất để ngăn chúng xâm nhập; hoặc dùng các bẫy côn trùng để dẫn dụ và bắt kiến.

Cuối cùng, khi đi đến những nơi có nhiều ánh đèn, gần công trình xây dựng hay đồng ruộng, bạn nên mặc quần áo dài tay để phòng tránh kiến vô tình bám vào cơ thể.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh giác với kiến ba khoang - Nhận biết triệu chứng và xử lý khi có vết thương