Hơn 800 ca trong hai ngày, vì sao dịch Covid-19 tiếp tục tăng phi mã ở Việt Nam?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong 2 ngày gần đây, Việt Nam ghi nhận đến 812 ca nhiễm Covid-19 trong nước. Nguyên nhân vì sao dịch Covid-19 tiếp tục tăng mạnh?

Tình hình số ca nhiễm Covid-19 trong hai ngày gần đây ở các tỉnh thành như sau:

  • Ngày 16/6: Việt Nam có tổng số ca mắc trong ngày lên 414 ca trong nước. Bắc Giang vẫn có nhiều nhất với 279 ca. TP. HCM tiếp tục ở mức cao 99 ca. Tiếp theo là Bắc Ninh với 27 ca.
  • Ngày 15/6 ghi nhận 398 ca Covid-19 trong nước. Bắc Giang vẫn liên tục có số ca mắc cao nhất với 235 ca. Tiếp theo là TP. HCM với 90 ca và Bắc Ninh 55 ca. Ngoài ra Bình Dương có 12 ca bệnh Covid-19 trong ngày.
Số ca nhiễm mới tính theo ngày ở Việt Nam, trong đó 2 ngày 15/6 và 16/6 tiếp tục cao hơn 400 ca.
Số ca nhiễm mới tính theo ngày ở Việt Nam, trong đó 2 ngày 15/6 và 16/6 tiếp tục cao hơn 400 ca.

Như vậy, trong 812 ca nhiễm mới trong hai ngày ở Việt Nam, Bắc Giang có đến 514 ca, chiếm hơn 63% tổng số ca. Đứng thứ hai là TP. HCM với 189 ca, chiếm 23% tổng số. Đứng thứ ba là Bắc Ninh với 82 ca bệnh.

Vì sao số ca Covid-19 ở Bắc Giang liên tục tăng nhanh?

Nếu như ngày 13 và 14/6, mỗi ngày, tỉnh Bắc Giang ghi nhận hơn 120 ca mắc mới Covid-19 thì hai ngày tiếp theo số ca mắc mới tăng hơn gấp đôi. Trong đó, ca mắc mới vẫn chủ yếu là công nhân (F1 thành F0), được phát hiện tại các khu cách ly tập trung.

Lãnh đạo Bắc Giang dự báo từ nay đến 21/6 số ca F1 trở thành F0 trong các khu cách ly tập trung sẽ còn xảy ra do đang tăng tốc xét nghiệm hàng ngày.

Hiện toàn tỉnh có 270 khu cách ly tập trung với trên 14.000 trường hợp F1. Nếu hàng ngày, mỗi khu khu cách ly tập trung có 1 ca F1 chuyển thành F0 thì toàn tỉnh cũng có thêm hơn 200 ca mắc Covid-19.

Tuy nhiên câu hỏi là tại sao số ca mắc mới trong các khu cách ly tập trung tăng nhanh? Phải chăng môi trường, điều kiện trong các khu cách ly có thể khiến gia tăng lây nhiễm chéo?

Khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ảnh minh họa/ baobacgiang.com.vn)
Khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ảnh minh họa/ baobacgiang.com.vn)

Gần đây, một số ý kiến chuyên gia cho rằng Việt Nam nên chuyển sang hình thức cách ly F1 tại nhà, thay vì cách ly tập trung. Mới đây, Sở Y tế TP. HCM cho biết thành phố đang nghiên cứu giải pháp cách ly F1 tại nhà khi số ca F1 tăng lên.

Một tin vui là tỉnh Bắc Giang còn rất ít bệnh nhân nặng, đa số là bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng. Trong ngày 15/6 đã có thêm 131 bệnh nhân khỏi bệnh, đến nay có 1.119 bệnh nhân ra viện.

Tình hình ở TP. HCM khá căng thẳng

Đến hết ngày 16/6, TP. HCM ghi nhận 1.060 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ ba ở Việt Nam (sau Bắc Giang, Bắc Ninh). Dịch đã xuất hiện ở 22/22 quận huyện, thành phố, 382 khu vực bị cách ly.

Số ca nhiễm Covid-19 ở TP. HCM liên tục tăng từng ngày. (Ảnh: chụp màn hình Vnexpress)

Diễn biến dịch Covid-19 ở TP. HCM có điểm đáng lo ngại khác, đó là xuất hiện nhiều chuỗi dịch trong cộng đồng và không rõ nguồn lây. Sở Y tế cho biết TP. HCM hiện có đến 15 chuỗi lây nhiễm, trong đó có 6 chuỗi không rõ nguồn lây.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC) cho hay đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là "có sự hiện diện" của biến chủng Delta (phát hiện lần đầu tại Ấn Độ). Đây là biến chủng lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng.

Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại thành phố. Sáng 16-6, HCDC đánh giá hiện nay mầm bệnh có thể vẫn lây lan trong cộng đồng.

Chiều 16/6, 6 nhà máy với gần 3.000 công nhân thuộc các khu công nghiệp ở quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và Củ Chi, bị phong tỏa do ghi nhận nhiều ca Covid-19.

TP.HCM trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 từ 0h ngày 31/5. (Ảnh: Bạch Cúc)

Điều đáng nói, một số bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã bị phong tỏa vì có nhân viên mắc COVID-19. Như vậy, khả năng điều trị và chữa bệnh ở khu vực TP. HCM sẽ giảm đi đáng kể.

Hiện nay, TP. HCM sẽ dùng tất cả phương pháp xét nghiệm để phát hiện ca dương tính nhanh nhất, nhằm cắt đứt đường lây nhiễm Covid-19.

Vì vậy tình hình dịch Covid-19 ở TP. HCM sẽ khó dự đoán trong thời gian tới.

Bắc Ninh tạm yên tâm?

Số ca mắc Covid-19 tại Bắc Ninh liên tục giảm trong những ngày qua. Riêng huyện Lương Tài, đã 29 ngày không ghi nhận ca mắc mới.

Trước diễn biến mới của dịch, tỉnh Bắc Ninh đã quyết định giải thể Bệnh viện Dã chiến số 2 Gia Bình từ 12h, ngày 14/6.

Đến ngày 14/6, tỉnh Bắc Ninh cũng đã cho phép các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lương Tài được hoạt động sản xuất trở lại.

Hôm 16/6, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho rằng tỉnh sẽ kiểm soát được số ca F0 trong khu cách ly trong vòng 7 ngày tới. Đồng thời, trong vòng 10 ngày nữa, tỉnh sẽ khống chế hoàn toàn dịch Covid-19.

Thêm một số địa phương có tình hình khó lường

Trong khi đó một số địa phương xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Dương,...khi xuất hiện nhiều ca nhiễm mới.

Sau khi ghi nhận 4 ca nhiễm Covid-19, Nghệ An quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố Vinh với hơn nửa triệu dân, theo chỉ thị 15, từ 0h ngày 17/6.

"Dự báo dịch bệnh ở Nghệ An còn nhiều diễn biến phức tạp", Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An nói, sau tỉnh ghi nhận các ca nhiễm không rõ nguồn lây.

Trong khi đó, sáng 17/6, Bình Dương tiếp tục có thêm 7 ca Covid-19 và Tiền Giang thêm 11 ca bệnh. Sau khi có tổng số ca tăng lên 38, tỉnh Tiền Giang mới quyết định thành lập bệnh viện dã chiến 60 giường.

Như vậy dịch Covid-19 có thể sẽ tiếp tục lan rộng ở khu vực phía Nam.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Hơn 800 ca trong hai ngày, vì sao dịch Covid-19 tiếp tục tăng phi mã ở Việt Nam?