Hoa Kỳ phát hiện trường hợp bệnh đậu mùa khỉ hiếm gặp đầu tiên trong 18 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 15/7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã xác nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Texas. Bệnh nhân là một cư dân của Dallas, từng đến Nigeria. Kể từ đó, CDC thông báo rằng họ đang phối hợp với các cơ quan y tế ở 27 tiểu bang để theo dõi hơn 200 cá nhân khác có thể đã bị phơi nhiễm.

Thông báo này gây sự chú ý hơn so với bình thường, do đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới. Đối với nhiều người, ý tưởng về một đợt bùng phát dịch bệnh toàn cầu khác quả là đáng sợ.

Nhưng trước khi nghĩ về việc tích trữ giấy vệ sinh và các nhu yếu phẩm, hãy dành một chút thời gian để tìm hiểu bệnh đậu mùa khỉ là gì, nó lây lan như thế nào và nguy cơ mà nó gây ra.

Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh nhiễm trùng do virus gây ra, các biểu hiện đầu tiên thường xuất hiện với một loạt các triệu chứng cơ bản giống bệnh cúm như sốt, ớn lạnh và đau nhức cơ thể. Nó cũng có thể gây ra mệt mỏi và sưng hạch bạch huyết.

Nhưng triệu chứng rõ ràng nhất của nó đến nay là phát ban giống mụn có thể bao phủ toàn bộ cơ thể - bao gồm cả lòng bàn tay và lòng bàn chân của người bị nhiễm bệnh. Bệnh thường kéo dài từ 2 đến 3 tuần, và đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh từ 5 - 12 ngày.

Virus đậu mùa khỉ là một thành viên của họ Orthopoxvirus, bao gồm cả virus Variola major và Variola minor. Tất cả các loại virus này đều nghiêm trọng, nhưng đậu mùa khỉ ít độc hơn đáng kể so với bệnh đậu mùa, cho dù nó cũng gây ra các triệu chứng tương tự.

Tiến sĩ Andrea McCollum, một nhà dịch tễ học tại CDC cho biết: “Cho đến nay, tỷ lệ tử vong do đậu mùa khỉ rơi vào khoảng 11% ở những người không tiêm phòng đậu mùa trước đó”, trong khi bệnh đậu mùa lại có thể khiến 80 - 90% người nhiễm tử vong.

Các tổn thương mà đậu mùa khỉ tạo ra nhìn chung rất giống với hiện tượng phát ban xuất hiện khi một người bị nhiễm bệnh đậu mùa.

Các giai đoạn bệnh

 

  • Xâm nhập

 

Giai đoạn này diễn ra trong vòng 0-5 ngày sau khi nhiễm virus. Lúc này, người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng như sốt, đau đầu dữ dội, nổi hạch, đau lưng, đau cơ, suy nhược.

Người tiếp xúc với virus qua đường miệng hoặc hô hấp thì xuất hiện các triệu chứng như ho, đau họng và sổ mũi.

Trong khi đó, người bị động vật có virus cắn sẽ xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn mửa kèm sốt.

 

  • Phát bệnh

 

Giai đoạn này xảy ra từ 1-3 ngày sau khi sốt xuất hiện. Triệu chứng chính trong giai đoạn này là xuất hiện phát ban trên da.

Người bệnh sẽ xuất hiện các nốt ban trên mặt rồi dần lan ra toàn thân. Một số người thậm chí còn bị phát ban trong cổ họng, vùng sinh dục, thậm chí mô mắt và giác mạc.

Ban đầu, phát ban hình thành các đốm, sau đó chuyển sang mụn nước hoặc đàn hồi, trở thành một vết phồng rộp chứa đầy chất lỏng. Sau vài ngày, chất lỏng bên trong sẽ khô và tạo thành lớp vảy trên da. Thời gian từ đốm thành vảy thường kéo dài trong khoảng 10 ngày. Cuối cùng người bệnh cần mất 3 tuần để toàn bộ vảy trên da tự bong ra.

Bệnh đậu mùa lây lan như thế nào?

Trái ngược với tên gọi của nó, đậu mùa khỉ không phải do loài khỉ gây ra. Biệt danh này được đặt sau khi nó lần đầu tiên được phân lập từ một đàn khỉ vào năm 1958.

Virus này thường lây lan bởi các loài gặm nhấm nhỏ như ký sinh, chuột và sóc cây. Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được loài nào là ổ virus tự nhiên của căn bệnh này, mặc dù một số loài gặm nhấm có vẻ có khả năng xảy ra.

Năm 1970, trường hợp bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Cho đến ngày nay, DRC và các quốc gia Trung và Tây Phi khác, bao gồm cả Nigeria đều đã chứng kiến ​​phần lớn các đợt bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ ở các vùng nông thôn hay rừng rậm.

Bà McCollum nói: “Đây là những quần thể thường xuyên săn bắt động vật hoang dã hoặc tiếp xúc gần gũi với động vật hoang dã trong rừng”.

Một khi con người mắc bệnh đậu mùa khỉ, họ có thể truyền bệnh này sang người khác qua các giọt đường hô hấp hoặc tiếp xúc với các tổn thương da. Nó ít lây nhiễm hơn COVID-19 hoặc các virus hô hấp khác vốn chủ yếu lây lan trong không khí, nhưng nó có thể tồn tại trên các bề mặt.

Thông thường, các thành viên trong gia đình hoặc người chăm sóc gần gũi của những người bị đậu mùa khỉ có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao nhất. Lây truyền từ động vật sang người cũng có thể xảy ra khi ai đó bị động vật bị nhiễm bệnh cắn hoặc cào hoặc nếu họ ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh.

Vậy khả năng trở thành đại dịch của bệnh đậu mùa khỉ như thế nào? Trong ngắn hạn, nó rất khó xảy ra. Nhưng chúng ta nên tiếp tục thận trọng.

Điều trị đậu mùa khỉ

Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người bệnh có thể cố gắng kiểm soát các triệu chứng bằng thuốc kháng virus (cidofovir hoặc tecovirimat), đồng thời tăng sức đề kháng của cơ thể để chống lại nhiễm trùng.

Người bệnh khi xuất hiện triệu chứng cần nghỉ ngơi thích hợp và tuân thủ một chế độ ăn uống nghiêm ngặt để đảm bảo đủ nước và dinh dưỡng. Ngoài ra, họ cũng nên tự cách ly và hạn chế giao tiếp với bên ngoài để phòng tránh lây nhiễm cho người xung quanh.

Đối với người thường xuyên tiếp xúc với người bệnh, hoặc sống trong môi trường mà loại virus đậu mùa khỉ tồn tại thì có thể lưu ý một số điều sau:

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với các loài gặm nhấm, động vật linh trưởng hoặc các động vật hoang dã khác (bao gồm cả tiếp xúc với động vật chết).
  • Tránh tiếp xúc với bất kỳ đồ vật nào, chẳng hạn như giường, nơi có con vật bị bệnh.
  • Không ăn thịt thú rừng chưa nấu chín kỹ.
  • Tránh xa bệnh nhân bị nhiễm càng nhiều càng tốt.
  • Đối với nhân viên y tế, đeo khẩu trang và găng tay khi tiếp xúc với người bệnh.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ phát hiện trường hợp bệnh đậu mùa khỉ hiếm gặp đầu tiên trong 18 năm