Hệ thống y tế TP. HCM chuẩn bị quá tải với hơn 28.000 bệnh nhân Covid-19?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hệ thống y tế TP. HCM đang chịu gánh nặng rất lớn, nếu có hơn 30.000 ca bệnh thì cần Trung ương hỗ trợ.

Sáng 18/7, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, những ngày qua số ca mắc Covid-19 tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam tăng rất nhanh. Đây là kết quả của việc phát hiện các trường hợp F0 trong khu cách ly, khu phong tỏa, đặc biệt trong sàng lọc cộng đồng.

Hiện tại, số ca mắc tại TP. HCM luôn vượt 2.000 ca/ngày. Số F0 có triệu chứng trở nặng phải thở oxy, thở máy cũng tăng lên. Đây là gánh nặng rất lớn trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19.

Số ca nhiễm Covid-19 ở TP. HCM liên tục tăng nhanh sau ngày áp dụng chỉ thị 16 (9/7).
Số ca nhiễm Covid-19 ở TP. HCM liên tục tăng nhanh sau ngày áp dụng chỉ thị 16 (9/7). (Ảnh chụp màn hình Vnexpress).

Thứ trưởng Sơn nói: "Nếu tính đến phương án điều trị dưới 30.000 ca mắc, thành phố có thể đáp ứng được về trang thiết bị, nhân lực với điều kiện vẫn có sự hỗ trợ về nhân lực và trang thiết bị vật tư của Trung ương", theo báo Vietnamnet.

Ông Sơn cho biết, nếu kịch bản trên 30.000 ca thì sẽ hết sức khó khăn. Khi đó, không chỉ TP. HCM mà Trung ương cũng phải có biện pháp hết sức cụ thể để hỗ trợ cho thành phố.

Hiện tổng số ca nhiễm tại TP HCM đã lên hơn 28.000 ca, chiếm hơn 60% số nhiễm cả nước, gây nên nỗi lo quá tải hệ thống y tế. Quan tâm lớn nhất của thành phố lúc này là tập trung điều trị các ca F0 nặng nhằm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong.

Bộ Y tế chuyển 2.000 máy thở vào TP. HCM

Chiều 17/7, Bộ Y tế lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP HCM, chuyển 2.000 máy thở chức năng cao vào để phục vụ công tác điều trị.

Bộ Y tế cũng huy động các nguồn lực, vận động các nhà tài trợ hỗ trợ trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch khu vực này.

Bộ Y tế đã họp với các nhà sản xuất, cung ứng oxy y tế, về việc cung ứng oxy khi dịch bệnh gia tăng, tăng công suất sản xuất, dự trữ và phân phối oxy đến các cơ sở y tế.

Tính đến ngày 17/7, Bộ Y tế đã điều 24 đoàn với hơn 4.400 nhân viên y tế trên cả nước hỗ trợ TP.HCM trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên.

F0 điều trị ở nhà phát sinh những vấn đề mới

Với việc thay đổi quy định cho phép F0 không triệu chứng hoặc tải lượng virus thấp được xuất viện sớm (nhanh nhất trong vòng 3 ngày từ khi phát hiện), các cơ sở điều trị sẽ giảm áp lực phần nào. Tuy nhiên khi F0 về theo dõi tại nhà sẽ tạo gánh nặng mới cho hệ thống y tế cơ sở.

“Chúng tôi yêu cầu F0 khi về nhà phải có sự theo dõi của hệ thống y tế cơ sở, phải có nhân viên y tế hỏi thăm, theo sát, kết hợp với hệ thống liên lạc qua đường dây nóng, công nghệ để có thể phát hiện sớm nhất các trường hợp có triệu chứng bất thường, kịp thời can thiệp. Đây là khó khăn mà TP. HCM phải tổ chức để đảm bảo việc cách ly F0 tại nhà”, Thứ trưởng Sơn nói.

Khó nhất là nhân lực y tế

Trước tình hình cấp bách, TP.HCM đã quyết định thành lập Bệnh viện Hồi sức Covid-19 trên cơ sở trưng dụng một phần cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Bệnh viện này có quy mô 1.000 giường với 2.000 nhân viên y tế, tập trung điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng ở tầng 4, tầng cao nhất - ngang cấp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Chợ Rẫy.

TP. HCM đã chuẩn bị 10 khu cách ly cấp thành phố, quy mô 15.080 giường và 19 bệnh viện dã chiến; đang lập thêm năm bệnh viện, quy mô tổng cộng gần 50.000 giường.

50.000 giường bệnh không khó với tiềm lực kinh tế của TP. HCM. Nhưng cái khó ở đây là nhân lực y tế ở đâu cho 50.000 giường bệnh này?

Báo Một Thế Giới chiều 17/7 ghi nhận tình trạng điều trị ở TP. HCM: "Bệnh nhân mắc COVID-19 nặng có nhu cầu chuyển tuyến trên thì không còn chỗ tiếp nhận; bệnh viện điều trị COVID-19 thì quá tải, thiếu thiết bị y tế…"

Xem thêm:


Hệ thống y tế TP. HCM chuẩn bị quá tải với hơn 28.000 bệnh nhân Covid-19?