Hệ thống miễn dịch: Những phần “thừa” hoàn hảo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một thời gian dài, chúng ta gần như không hiểu biết gì về hệ thống miễn dịch. Những khám phá mới gần đây cho thấy, những phương pháp tự nhiên là xu thế mới trong điều trị...

Hệ thống miễn dịch chính là những lớp áo giáp của cơ thể trước mối đe dọa từ bên ngoài. Nó xếp tầng tầng lớp lớp từ ngoài vào trong: da, các cơ quan lympho ngoại biên, và trung tâm hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, con người vẫn chưa thật sự hiểu hết về hệ miễn dịch. Trong suốt nhiều năm, một số thứ đã bị chúng ta coi là vô dụng và gây ra rắc rối.

Phần miễn dịch bị chối bỏ

Trong nhiều thập kỷ, các bác sĩ tin rằng amidan và adenoids (VA) là những cơ quan thường gây ra rắc rối, thậm chí được đề nghị cắt bỏ khi trẻ nhỏ bị viêm mạn tính. Ruột “thừa” thì cũng... thừa, và không cần thì “nên cắt”.

Tuy nhiên, một nghiên cứu trên tạp chí JAMA vào năm 2018 đã chỉ ra điều ngược lại. Đối với các bệnh về đường hô hấp, dị ứng và nhiễm trùng, những đứa trẻ đã cắt VA hay amidan có nguy cơ mắc là cao hơn.

Ngày nay, khoa học đã chứng minh ruột thừa không hề dư thừa chút nào. Nó là một phần của hệ miễn dịch, đóng vai trò lưu trữ những lợi khuẩn khỏe mạnh của đường ruột và những tế bào bạch cầu đã trưởng thành. Khi đường ruột bị nhiễm trùng, ruột thừa sẽ phát huy tác dụng. Nó giúp các tế bào bạch cầu tạo ra kháng thể, bổ sung lợi khuẩn trở lại vào đường ruột. Ruột thừa là bộ phận giúp cơ thể chống kẻ lạ xâm nhập đường ruột.

Hóa ra, những thành phần bị coi là “nhặt bóng” lại là những hậu vệ tốt nhất ở trên hàng phòng ngự.

Ruột thừa là một phần "thừa" rất quan trọng đối với hệ miễn dịch của cơ thể
Bạn có biết ruột thừa đóng một vai trò quan trọng trong miễn dịch của cơ thể? (Wikipedia)

Điều chưa biết về hệ vi sinh vật đường ruột

Bác sĩ Stephen Wangen là một chuyên gia điều trị rối loạn về đường ruột. Ông cho biết ruột là nơi tiếp xúc nhiều nhất với vi sinh vật lạ và dễ bị tổn thương. Không ngẫu nhiên mà 70% mô bạch huyết trải khắp chiều dài niêm mạc thành ruột. Chúng hoạt động như một hệ thống giám sát, liên tục quét để tìm sinh vật lạ xâm nhập.

Hệ vi sinh vật đường ruột đóng vai trò quan trọng ở trong hệ miễn dịch. Chúng góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của vật lạ, không cho chúng phát triển bên trong cơ thể.

Hệ vi sinh vật đường ruột cũng giúp giải thích các vấn đề sức khỏe khó giải thích trước đây. Chẳng hạn, tại sao hiện nay rất nhiều người bị dị ứng thực phẩm? Ông Wangen trả lời: “Tất cả các loại thuốc, hóa chất và kháng sinh mà chúng ta sử dụng đã ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật này. Nó đã làm thay đổi cách hệ thống miễn dịch nhận diện thức ăn”.

Viêm - Tiếng nói của hệ miễn dịch

Thêm một câu hỏi nữa, viêm có thật sự xấu như chúng ta thường nghĩ không? Nó là tiếng nói của hệ thống miễn dịch, thường gây ra các triệu chứng: sưng, nóng, đỏ. Ở một khía cạnh tích cực, nó cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của con người.

Viêm chính là cách mà cơ thể tự vệ để chống lại nhiễm trùng cũng như khi bị chấn thương. Nếu bị bong gân mắt cá chân hay u đầu, thì chỗ tổn thương sẽ sưng và đỏ. Phản ứng viêm giúp các tế bào miễn dịch nhanh chóng đi đến nơi tổn thương, giúp loại bỏ các mô bị thương tổn, đồng thời tái tạo lại mô khỏe mạnh.

Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm bùng phát không đúng lúc, hoặc cơ thể bị viêm mạn tính, thì đây lại là những tín hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang trục trặc và cần được chú ý.

Một số bệnh mãn tính có nguồn gốc từ viêm

Theo bác sĩ Wangen, điều gây ngạc nhiên là mọi thứ đều có thể bị viêm - ở một mức độ nào đó. Mất trí nhớ, ung thư, giảm mật độ xương gây loãng xương đều có bắt nguồn từ viêm. Phương pháp điều trị thông thường cho tình trạng này thường là thuốc kháng viêm.

Thế nhưng nguyên nhân nào đứng ở đằng sau những đáp ứng viêm không thích hợp? Bác sĩ Wangen nhắc nhở bệnh nhân nên suy nghĩ về điều này. Căng thẳng liên tục, ăn quá nhiều đường hay thậm chí một loại thực phẩm được cho là tốt, đều có thể là nguyên nhân thúc đẩy quá trình viêm. Bác sĩ Wangen nói: “Khi chúng tôi tìm ra nguyên nhân, đường tiêu hóa của họ trở nên tốt hơn. Viêm xoang mãn tính, đau đầu, hoặc những rắc rối khác, tất cả đều được cải thiện”.

Dễ thấy có những người bị dị ứng khi ăn một số loại thực phẩm, người khác thì không bị? Điều gì tạo ra sự khác biệt? Theo Tiến sĩ Terry Wahls, tất cả chúng ta cơ bản là giống nhau, nhưng khác nhau rất nhiều là ở yếu tố tiếp xúc.

Sự phơi nhiễm của từng người trước vi sinh vật lạ là khác nhau, lối sống của mỗi người cũng vậy. Wahls nói: “Tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng đến các tế bào miễn dịch trong quá trình sửa chữa, bảo vệ và giữ ổn định cho cơ thể. Nếu cơ thể không được sửa chữa hay giữ cho ổn định, chúng ta sẽ nhanh chóng bị lão hóa hay bị ung thư, thậm chí có thể tử vong do nhiễm trùng. Tuổi thọ sẽ ngắn lại”.

Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ Wahls phải xem xét kỹ bệnh sử của bệnh nhân. Sau khi hiểu tại sao các tế bào miễn dịch của họ bị kích hoạt, cô mới xác định cách để có thể đưa các tế bào miễn dịch trở lại bình thường. Thông thường, tất cả bệnh nhân cần thay đổi lối sống hay chế độ ăn uống. Bác sĩ Wahls tự tin cho biết: “Chúng tôi rất thành công khi làm theo cách này”.

Quan niệm cổ xưa về hệ miễn dịch

Trong nhiều thiên niên kỷ, người xưa đã nhận thức được khả năng chữa lành và tự bảo vệ bản thân khỏi bệnh tật. So với hình ảnh hệ miễn dịch rất phức tạp trong y học hiện đại, suy nghĩ và khái niệm về miễn dịch của người xưa rất đơn giản. Điều thú vị là những khái niệm cũ đang bắt đầu được đưa trở lại vào y học hiện hành.

Nhìn vào y học cổ truyền Trung Quốc, chúng ta không tìm thấy các cytokine và tế bào T. Thế nhưng, cách để giữ cho cơ thể khỏe mạnh thì đã được ghi lại Hoàng Đế Nội kinh. Cuốn sách này ghi những hỏi đáp giữa Hoàng Đế và quần thần từ khoảng những năm 2600 TCN.

Theo Hoàng Đế Nội kinh, nếu chúng ta có đầy đủ chính khí, thì không tà khí nào có thể xâm nhập. Khí công với năng lượng luôn dồi dào từ bên trong là cách chống lại bệnh tật. Bằng cách thuận theo tự nhiên, đạt được cân bằng, thì sức khỏe mới có thể tốt nhất. Bệnh tật chỉ là cách mà cơ thể cho chúng ta thấy cuộc sống đang bị mất cân bằng.

Sống cân bằng, thuận theo tự nhiên chỉ đơn giản là thực hành các nguyên lý cơ bản trong cuộc sống như: tập thể dục, chế độ ăn uống lành mạnh, giảm căng thẳng... Trung Y đến nay vẫn nhấn mạnh sự điều độ, quy định chế độ ăn, lối sống rất rõ ràng. Điều này cũng đều được đề cập trong nền y học cổ truyền tại các quốc gia khác nhau.

Rất nhiều ghi chép trong các thư tịch y học cổ đại đã chứng minh rằng, y học cổ đại phương Đông vô cùng phát triển, hoàn toàn không 'lạc hậu' như chúng ta tưởng. Ảnh: Tài liệu y học cổ "Hoàng đế nội kinh".
Hoàng Đế Nội kinh ghi lại hỏi đáp giữa Hoàng Đế và quần thần từ khoảng những năm 2600 TCN... (Public Domain)

Xu thế mới trong y học hiện đại

Một vài thập kỷ trước, y học hiện đại đã chế giễu các chế độ ăn kiêng và việc thực hành những nếp sống lành mạnh. Nhưng cho đến nay, theo như Tiến sĩ Wahls tìm hiểu, có 4 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sức khỏe. Đó là ăn rau, giao tiếp cảm xúc, hoạt động ngoài trời (hệ thống miễn dịch cần vitamin D dồi dào) và ngủ đủ giấc.

“Khi thiếu ngủ, các tế bào miễn dịch gần như không có hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các loại virus khác nhau trú ẩn trong não và cơ thể của chúng ta”, Wahls nói. “Đó là lúc mà những virus tiềm ẩn này có thể hoạt động trở lại và dẫn đến các vấn đề sức khỏe mạn tính”.

Wahls thấy rõ chế độ ăn uống và lối sống quan trọng như thế nào. Đó là cách mà cô ấy có thể giải quyết bệnh đa xơ cứng của chính mình. Đa xơ cứng là căn bệnh suy nhược bởi hệ thống miễn dịch tự tấn công và phá hủy các tế bào của cơ thể. Trải nghiệm đau đớn đã làm thay đổi cách cô thực hành y học và nghiên cứu lâm sàng. Cô là bằng chứng sống để các bác sĩ khác bắt đầu thay đổi dần những suy nghĩ của họ.

Wahls nói: “Các nhà nghiên cứu về bệnh thấp khớp, da liễu và thần kinh đang bắt đầu nhận ra rằng, chế độ ăn uống và lối sống có thể rất hiệu quả trong việc làm giảm bệnh tật... Tuy nhiên, cần hướng dẫn để mọi người hiểu và nỗ lực thay đổi chế độ ăn uống, bắt đầu thực hành thiền định, chú ý đến giấc ngủ, từ bỏ các thực phẩm làm tăng nguy cơ rò rỉ ruột, ăn nhiều rau có màu đậm hơn như cà rốt, củ cải, quả mọng và từ bỏ việc ăn nhiều đường”.

Người thường xuyên thiền định có thể làm giảm khả năng bị cảm lạnh hoặc cúm. Ngay cả khi họ bị nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh cũng sẽ tương đối nhẹ.

Người thường xuyên thực hành "Thiền định" có thể làm giảm khả năng bị cảm lạnh hoặc cúm, ngay cả khi họ bị nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh cũng sẽ tương đối nhẹ. Ảnh: Học viên Pháp Luân Công luyện bài tĩnh công thiền định.
Người thường xuyên thiền định có thể làm giảm khả năng cảm lạnh hoặc cúm... (Epoch Times)

Wahls coi công việc của mình - hướng dẫn thực hành lối sống đơn giản - là cầu nối giữa mô hình y học cổ truyền với y học thực chứng của hiện đại. Cô đã đấu tranh trong nhiều năm để các bài báo của mình được xuất bản. Giờ đây, cô nói: “gió đang đổi chiều”.

Cô cho rằng: “Đây là bản chất của sự tồn tại của con người”. “Khi tất cả chúng ta đều đóng khung sự hiểu biết của mình, thì thật sự rất khó để nhìn thấy thứ gì đó khác ngoài những gì bạn mong đợi. Nó có thể gây khó chịu cho những người có quan niệm hiện đại. Nhưng đây là cách cuộc sống vận hành”.

Mỹ Tâm, Thiện Đức
- Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Hệ thống miễn dịch: Những phần “thừa” hoàn hảo