Hậu quả tiềm ẩn của việc đeo khẩu trang và cách phòng tránh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sử dụng khẩu trang có thể vô tình giúp bệnh dịch lây lan, hoặc thậm chí để lại hậu quả nghiêm trọng và lâu dài, nếu không biết sử dụng đúng cách...

Khi nhân viên y tế đeo khẩu trang phẫu thuật, có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy nó hạn chế sự lây lan của virus qua đường hô hấp trong bệnh viện. Nhưng không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy khẩu trang phẫu thuật bảo vệ các dân cư trong xã hội khỏi bị nhiễm bệnh đường hô hấp, rất có thể nguyên nhân là vì sử dụng không đúng cách. Đối với người dân hay sử dụng khẩu trang vải, tình cảnh này còn đáng ngại hơn.

Khẩu trang phẫu thuật được tạo thành từ nhiều lớp nhựa không dệt và có thể lọc các hạt rất nhỏ một cách hiệu quả, chẳng hạn như các giọt chứa SARS-CoV-2 (virus gây ra COVID-19). Khẩu trang thường chứa một lớp chống thấm bên ngoài và một lớp thấm bên trong.

Mặc dù khẩu trang làm từ khăn quàng cổ, áo phông hoặc các loại vải khác có thể cung cấp mức độ bảo vệ và độ bền tương đương với khẩu trang phẫu thuật, chúng có thể chặn một số giọt lớn do người đeo thở ra, do đó bảo vệ người khác khỏi phơi nhiễm virus. Nhưng khả năng lọc các giọt của chúng phụ thuộc vào cấu trúc của chúng. Khẩu trang vải nhiều lớp tốt hơn trong việc lọc nhưng khó thở hơn. Và chúng trở nên ẩm ướt nhanh hơn khẩu trang một lớp.

Câu hỏi chúng ta cần đặt ra không phải là liệu khẩu trang vải có bảo vệ tốt như khẩu trang phẫu thuật hay không (chúng ta đều biết là không thể tốt bằng, tuy nhiên mức độ tốt như vậy là chấp nhận được), mà là liệu có hậu quả nghiêm trọng gì ngoài ý muốn sẽ xảy ra khi khuyến cáo người dân toàn quốc mang khẩu trang vải thường xuyên ở nơi công cộng?

Khi quyết định xem một biện pháp bảo vệ nào có đủ an toàn để khuyến cáo trên quy mô lớn hay không, điều quan trọng là phải cân bằng mọi lợi ích và xem xét các tác hại tiềm ẩn. Dưới đây là bốn hậu quả tiềm tàng của khẩu trang vải, nếu không kịp thời điều chỉnh có thể làm cho mọi thứ tồi tệ hơn.

Hiệu ứng Peltzman

Hiệu ứng Peltzman xảy ra khi ta đưa ra một biện pháp an toàn, chẳng hạn như dây an toàn trên xe hơi, có thể dẫn đến các hành vi rủi ro bù trừ khác, như tăng tốc (vì bạn nghĩ xe hơi mình an toàn nên sẽ không ngại việc lái xe tốc độ cao). Trong trường hợp chống dịch COVID-19, có ý kiến cho rằng việc đeo khẩu trang làm người dân cảm giác an toàn hơn, từ đó không chú ý các biện pháp an toàn khác như cách ly xã hội, rửa tay thường xuyên.

Mặc dù chúng tôi không có bằng chứng rõ ràng rằng điều này đang xảy ra trong đại dịch nhưng một vài nghiên cứu được thực hiện trước khi dịch bệnh này xảy ra cho thấy thói quen rửa tay của mọi người giảm đi khi đeo khẩu trang.

Khẩu trang cũng khiến mọi người mạnh dạn ra ngoài hơn và bớt hẳn việc giãn cách xã hội (GettyImages)

Truyền bệnh

Thứ hai, khẩu trang có thể trở thành vật chứa mầm bệnh làm lây bệnh cho chính chúng ta hoặc người thân vì thói quen hay chạm tay lên mặt. Để ngăn chặn khẩu trang trở thành vật lây bệnh, chúng ta cần thao tác đeo và cởi đúng cách.

Mọi người chạm vào mặt trung bình 15-23 lần mỗi giờ, còn khi đeo khẩu trang, người ta có thể chạm vào mắt, mũi, và miệng thường xuyên hơn vì ngứa. Sau khi chạm vào khẩu trang của bạn, có thể bàn tay của bạn đã bị nhiễm bẩn, có nguy cơ lây lan virus sang các bề mặt khác, chẳng hạn như tay nắm cửa, lan can hoặc bàn.

Chạm tay vào khẩu trang là một điều khó tránh, đặc biệt là đối với trẻ em... (Cindy Ordt / Getty Images)

Hiểm họa môi trường

Các nhà nghiên cứu ở Anh tính toán rằng nếu toàn bộ dân số Anh bắt đầu sử dụng khẩu trang dùng một lần hàng ngày, nó sẽ tạo ra một mối nguy hiểm đáng kể về môi trường, cụ thể là mỗi năm sẽ có 42.000 tấn chất thải nhựa có khả năng gây ô nhiễm và không thể tái chế.

Hầu hết mọi người sẽ nhận thấy sự gia tăng của việc đeo khẩu trang trong khu vực công cộng có thẻ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng lượng rác thải y tế có thể gây bệnh. Do đó, việc tái sử dụng khẩu trang thay vì dùng loại một lần là tốt nhất.

Người dân mua khẩu trang tại một cửa hàng tại Seoul, Hàn Quốc vào ngày 28/2/2020. (Chung Sung-Jun/Getty Images)

Sử dụng không đúng cách

Để cung cấp bất kỳ sự bảo vệ nào, khẩu trang cần phải được đeo một cách chính xác và dùng khi tiếp cận với người khác. Hầu hết các nghiên cứu được thực hiện cho đến nay, không có nghiên cứu nào trong số đó được thực hiện trong đại dịch hiện tại, do đó không có thông tin rõ ràng về mức độ tuân thủ đeo khẩu trang. Các nghiên cứu đã báo cáo sự tuân thủ đeo khẩu trang, xếp loại từ thường xuyên thành hiếm khi.

Tuy nhiên, ta có thể nhận ra rằng dịch bệnh càng nghiêm trọng, người dân càng có ý thức tự bảo vệ bản thân hơn. Với số lượng người nhiễm và tử vong cao trên toàn cầu, mọi người có thể trở nên tuân thủ việc đeo khẩu trang hơn thông thường.

Các cơ quan y tế công cộng tại Mỹ và quốc tế hiện khuyến nghị người dân khi ra đường thì nên sử dụng khẩu trang ở những nơi khó khăn để duy trì giãn cách xã hội, chẳng hạn như trên phương tiện giao thông công cộng. Chúng tôi đặc biệt kêu gọi độc giả tiếp tục vệ sinh tay và giãn cách xã hội, không chạm vào mặt mình và sử dụng các miếng che mặt có thể tái sử dụng (thay vì dùng một lần) và xử lý chúng một cách an toàn khi vứt bỏ.

Olga Perski là một nghiên cứu viên của khoa học hành vi và sức khỏe tại UCL (Đại học College London) ở Anh và David Simons là một nghiên cứu sinh bệnh truyền nhiễm trên động vật tại Đại học Thú y Hoàng gia Anh. Bài viết này được đăng tải lần đầu tiên trên The Conversation.

Thanh Long
- Theo The Epoch Times.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Hậu quả tiềm ẩn của việc đeo khẩu trang và cách phòng tránh