Hàng loạt ca nhiễm trong khu cách ly, TP.HCM nên ‘cách ly F1 tại nhà’ hoặc ‘sống chung với lũ’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chỉ trong vòng 24h (6h ngày 24/6 - 6h ngày 25/6), TP.HCM ghi nhận tổng cộng 667 ca nhiễm mới; trong đó gồm 99 trường hợp trong khu phong toả, 538 trường hợp trong khu cách ly. Với tình trạng lây nhiễm chéo gia tăng khi mật độ F1 tập trung cao, phải chăng đã đến lúc thành phố cần tính đến phương án “mạo hiểm” hơn?

Cập nhật: Thêm 15 ca Covid-19

Tính đến 6h00 ngày 26/6, Bộ Y tế ghi nhận thêm 15 ca dương tính với virus, gồm 13 ca trong nước và 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

15 ca mới là các bệnh nhân từ 15101 - 15115. Trong đó, 13 ca ghi nhận tại: Bắc Giang (5 ca), Tây Ninh (5 ca), Long An (2 ca), Thái Bình (1 ca). Đặc biệt, có 5 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu phong toả.

Trước đó, tối 25/6, TP.HCM đã đăng ký bổ sung mã bệnh nhân cho 563 ca từ 14538 - 15100. Đây đều là những ca nhiễm được công bố vào chiều qua trong tổng số 667 ca (phần lớn đều là những ca mắc virus trong khu cách ly, phong toả).

Như vậy, từ ngày 27/4 đến nay, tổng số ca nhiễm cộng đồng tại TP.HCM đã lên tới 2.960 ca, trong khi đó số ca nhiễm trên cả nước là 11.794 trường hợp.

Để giảm mật độ, 'TP.HCM nên tranh thủ cách ly F1 tại nhà'

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt các trường hợp lây nhiễm chéo gia tăng trong khu cách ly, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo chống dịch TP.HCM vào chiều 25/6, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nói rằng, thành phố nên cho các trường hợp F1 đủ điều kiện được cách ly tại nhà để giảm bớt tần suất, mật độ trong các khu cách ly.

Theo quy định, người tiếp xúc với F0 (tức trở thành F1) sẽ phải cách ly tập trung, trong khi F2 được cách ly tại nhà và chờ kết quả xét nghiệm của F1. Hiện thành phố đang tiến hành cách ly tập trung hơn 12.000 người.

Theo Thứ trưởng Sơn, Bộ Y tế sáng 25/6 đã ký văn bản cho phép thí điểm cách ly tại nhà đối với các trường hợp F1.

Trước đó, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Hữu Hưng cũng đã nêu ra ý kiến tương tự tại cuộc họp về phòng chống Covid-19. Theo đó, ngành y tế thành phố đang cân nhắc thử nghiệm cách ly F1 tại nhà ở một số khu vực, sau đó nhân rộng ra.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng nói rằng, đến nay Ban chỉ đạo chống Covid-19 của TP.HCM vẫn chưa bàn đến biện pháp này trong các cuộc họp.

TP.HCM 'có thể phải tính phương án sống chung với lũ'

Cũng trong cuộc họp chiều qua, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho rằng, hiện số bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng ngày càng cao.

Các số liệu thống kê cho thấy, bệnh nhân nhiễm virus có triệu chứng và triệu chứng nặng đang thấp hơn giai đoạn đầu đợt bùng phát dịch lần thứ tư.

Ông Dũng nhận định TP.HCM khó có thể bắt kịp tốc độ lây lan trong cộng đồng, khi các ca nhiễm được phát hiện đầu tiên hầu hết đều mắc bệnh ở mức độ nhẹ, nếu không đi khám sẽ bị bỏ qua.

Vị bác sĩ giải thích thêm, sau khi lây truyền qua nhiều thế hệ, virus sẽ thay đổi trạng thái. Theo đó, thời gian đầu độc lực virus cao hơn nhưng sẽ giảm ở thời gian kế tiếp. Khi độc lực giảm, sự lây lan vẫn tồn tại nhưng người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.

Vì vậy, ông Dũng cho rằng thành phố ngoài việc truy vết, khoanh vùng có thể cần tính tới phương án sống chung với lũ. Chỉ tập trung vào những nhóm có nguy cơ, có bệnh nền, trong khi coi những nhóm khác chỉ đơn thuần là mắc cúm.

Dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019. Chính quyền Bắc Kinh đã che giấu thông tin khiến dịch bệnh nhanh chóng lan khắp Trung Quốc và thế giới. Đến nay, dịch Covid-19 đã truyền đến hơn 200 quốc gia, khiến hơn 150 triệu người nhiễm bệnh và hơn 3 triệu người tử vong.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Hàng loạt ca nhiễm trong khu cách ly, TP.HCM nên ‘cách ly F1 tại nhà’ hoặc ‘sống chung với lũ’