Giữa đại dịch, cốc sứ in dòng chữ “Tôi không cần điều trị, tôi chỉ cần đến Đài Loan” đắt hàng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các dòng sản phẩm “I don’t need THERAPY, I just need to go to TAIWAN” đang phổ biến trên thị trường hiện nay trong bối cảnh đại dịch không chỉ thể hiện sự nỗ lực phòng dịch hiệu quả của Đài Loan, mà còn thể hiện sự quan tâm của các nhà kinh doanh...

Trên thế giới, trong khi đại dịch viêm phổi Trung Cộng đang hoành hành, thì ở Đài Loan, hiệu quả phòng chống dịch là rất đáng nể phục. Không chỉ chính phủ quốc tế quan tâm đến tin tức phòng dịch COVID-19 tại Đài Loan, mà ngay cả các công ty quốc tế cũng nhìn thấy cơ hội kinh doanh từ đây. Họ đã tung ra những chiếc cốc cũng như các dòng sản phẩm khác khẳng định thành tựu của Đài Loan trong việc phòng chống dịch bệnh.

Cốc sứ “Tôi chỉ cần đến Đài Loan”

Gần đây, sàn thương mại điện tử Etsy đã tung ra sản phẩm cốc sứ có in dòng chữ “I don’t need THERAPY, I just need to go to TAIWAN” - tạm dịch: Tôi không cần ĐIỀU TRỊ, tôi chỉ cần đến ĐÀI LOAN. Giá chào bán sản phẩm này là 438 Đài tệ, tương đương với khoảng 363.000 VNĐ.

Loại cốc sứ này được làm thủ công và có tuổi thọ sử dụng lâu dài, thích hợp để làm quà tặng hoặc dùng cho cá nhân. Chỉ trong một thời gian ngắn, Etsy đã chào tạm biệt 10.000 chiếc cốc.

Về chất lượng, một số người tiêu dùng đã đánh giá 5 sao cho sản phẩm này và nói rằng cốc mà Etsy tung ra có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt giống như hầu hết các cốc sứ bình thường khác.

Sản phẩm cốc sứ có in dòng chữ “I don’t need THERAPY, I just need to go to TAIWAN” của Etsy, bán với giá 438 Đài tệ, tương đương với khoảng 363.000 VNĐ... (Ảnh chụp màn hình của Etsy)

Thời trang “Tôi chỉ cần đến Đài Loan”

Tại Đức, trên trang kinh doanh thời trang SpreadShirt đã xuất hiện nhiều mặt hàng áo thun nam, sơ mi dài tay, hoodie, và nhiều loại quần áo khác với cùng những dòng chữ “I don’t need THERAPY, I just need to go to TAIWAN”. Trong đó, áo thun có giá là 18,99 USD với nhiều màu sắc và kích cỡ để lựa chọn.

Trang web cho biết áo thun là sản phẩm bán chạy nhất vì nó rất thoải mái và co giãn khi mặc. Sản phẩm được sản xuất và in chữ tại Hoa Kỳ.

Sản phẩm áo phông “I don’t need THERAPY, I just need to go to TAIWAN” trên SpreadShirt với giá 18,99 USD (Ảnh chụp màn hình trên SpreadShirt)

Tựa sách “...Tôi chỉ cần đến Đài Loan”

Đầu tháng 7/2020, Amazon cũng đã tung ra cuốn nhật ký du lịch do tác giả Bunmi Wright viết với tựa đề: “I don’t need THERAPY, I just need to go to TAIWAN”. Mỗi cuốn sách được bán với giá là 7,99 USD.

Ngoài việc nêu bật sự thành công trong công tác phòng chống dịch của Đài Loan, những dòng chữ này còn trở thành thương hiệu của nhiều chiếc cốc, áo phông, và các sản phẩm khác bán “đắt như tôm tươi” ở thị trường quốc tế. Nhờ vậy mà thế giới lại một lần nữa biết đến những điều tốt đẹp của Đài Loan.

Công tác phòng dịch của Đài Loan

Về việc phòng chống dịch COVID 19, tính đến ngày 17/1/2021, Đài Loan có 850 ca nhiễm COVID-19. Hầu hết trong số đó là người nhập cảnh từ nước ngoài và chỉ có 7 trường hợp được xác nhận tử vong.

Đầu tháng 1/2021, New York Times đã mô tả rằng, trong khi thế giới đang khủng hoảng - vô số người chết vì đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề; thì ở Đài Loan, cuộc sống vẫn diễn ra rất bình thường.

Tại quốc đảo Đài Loan, các đám cưới, giải bóng chày chuyên nghiệp, các buổi hòa nhạc và các chợ đêm vẫn đông nghịt, hệt như thời gian và không gian song song trong bộ phim truyền hình The Twilight Zone.

Dân số Đài Loan hiện là 23 triệu người, chỉ nhiều hơn một chút so với dân số của tiểu bang Florida (Mỹ), nhưng số người chết vì viêm phổi ĐCSTQ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lý giải về thành tựu ứng phó với dịch COVID-19 của Đài Loan, Bloomberg đã đưa tin về việc chính phủ Đài Loan đã nhanh chóng áp dụng 120 biện pháp y tế cộng đồng khác nhau vào việc phòng chống dịch.

Các biện pháp này bao gồm sự kết hợp giữa việc chủ động xét nghiệm, với việc sử dụng các công nghệ xử lý dữ liệu mới. Cụ thể là: sàng lọc sớm các chuyến bay, xác định và ngăn chặn nhanh các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm; tích hợp cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế quốc gia với dữ liệu nhập cư, trong khi đảm bảo tuân thủ các quy định về cách ly bằng cách theo dõi qua điện thoại di động.

Bên cạnh đó Đài Loan cũng là một trong những nước sớm đề cao cảnh giác và áp dụng các biện pháp kiểm dịch sớm nhất đối với hành khách đến từ Trung Quốc Đại Lục.

Ông Wang Ting-yu, thành viên Ủy ban Đối ngoại và Quân sự quốc gia Đài Loan, nhận định rằng Đài Loan “có khả năng sử dụng các biện pháp dân chủ để chặn đứng virus. Chính phủ và người dân đều được thông tin minh bạch về tình hình của dịch bệnh và đứng trên cùng một chiến tuyến trong cuộc chiến chống lại đại dịch”.

Đây là điều hoàn toàn trái ngược với lối chống dịch của chính phủ Trung Quốc tại Đại Lục.

Thiên Hoa
- Theo ET tiếng Trung.



BÀI CHỌN LỌC

Giữa đại dịch, cốc sứ in dòng chữ “Tôi không cần điều trị, tôi chỉ cần đến Đài Loan” đắt hàng