Giống thuốc phiện, trò chơi điện tử giảm đau mạnh, gây nghiện nhanh (Phần cuối)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em trải qua hóa trị cần dùng thuốc giảm đau ít hơn nếu được chơi trò chơi điện tử trong khi điều trị. Tuy nhiên, sự đánh lạc hướng này có thể gây nguy hiểm...

Lợi bất cập hại, video game có cơ chế dễ gây nghiện

Tiến sĩ Scott Bea, chuyên gia tâm lý của Scott Clinic nói: “Chứng nghiện liên quan đến trò chơi điện tử không giống như sử dụng rượu hoặc ma túy, trong đó não nhận được sự củng cố qua mỗi lần (sử dụng rượu hoặc ma túy)”.

Ông giải thích: khi một người nghiện cờ bạc hay nghiện game, phần thưởng được đưa đến liên tục và không thể đoán trước được. Do đó, trò chơi điện tử giúp người chơi tìm được cảm giác tốt được tạo ra trong não - mỗi khi họ đạt được mục tiêu mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ.

Trong khi đó, các nhà phát triển trò chơi điện tử lại hiểu rất nhiều về cái gọi là “lịch trình gia cố”. Tức là trong nhiều trò chơi, đặc biệt là các trò chơi nhập vai trực tuyến có sự tham gia của nhiều người (MMORPG), thường được thiết kế để khiến người chơi lặp lại các nhiệm vụ ở mức cao hơn mà game thủ gọi là nâng level. Từ đó, người chơi có thể khó cưỡng lại việc tiếp tục tham gia vào những kết nối trong trò chơi và dần trở thành người nghiện.

Đọc thêm: Giống thuốc phiện, trò chơi điện tử giảm đau mạnh, gây nghiện nhanh (Phần I)

Những con số biết nói

Trong một báo cáo tại Mỹ năm 2018, có hơn 2 tỷ người chơi trò chơi video trên toàn thế giới và game thủ thì có ở mọi lứa tuổi. Điều đáng nói là có tới 92% các cậu bé tuổi teen và 83% các cô bé tuổi teen chơi trò chơi video thường xuyên.

Trong khi đó, ngành công nghiệp trò chơi video tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh chóng. Năm 1999, ngành công nghiệp này tạo ra doanh thu 7,4 tỷ đô la, và nó đã đạt mức 131 tỷ đô la vào năm 2018. Một số báo cáo suy đoán rằng ngành công nghiệp trò chơi video có thể sẽ kiếm được 300 tỷ đô la vào năm 2025.

Nhóm nguy cơ cao dễ nghiện game: trẻ em và người bệnh

Theo Tiến sĩ Bea cho biết, đối với những cá nhân dễ mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm, việc chơi game có thể tạo ra những thay đổi hóa học trong não bộ khiến họ tạm thời cảm thấy tốt, vì vậy họ thường dựa vào game.

Ngoài ra, những người có nguy cơ cao nghiện game là thanh thiếu niên và thanh niên. Nhóm các bạn trẻ này có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đánh giá các tác động tiêu cực của hành vi chơi game. Bởi theo nhận định của tiến sĩ, bộ não của chúng ta phát triển hoàn thiện hơn vào khoảng 25 tuổi, khi đó một người mới có thể dự đoán tốt hơn và đánh giá hậu quả mà các hành vi mang lại. Chẳng hạn phân biệt được chơi game có lợi hay hại cho bản thân và suy xét chơi ở mức độ phù hợp.

Hiện nay, chúng ta thấy không thiếu hình ảnh trẻ em ở trong bệnh viện cầm điện thoại di động để chơi video game. Cha mẹ chúng cho rằng, điều đó sẽ giúp chúng quên đi cơn đau - giống như ở những nghiên cứu nêu trên. Nhưng đồng thời, hình ảnh khi bị bắt buộc rời màn hình điện thoại hay ipad, chúng liền khóc la, ăn vạ, thậm chí có trẻ còn đập đầu vào tường, hay nền nhà đến tóe máu... lại cũng rất phổ biến. Đó đều là những biểu hiện ban đầu của nghiện game và bị phụ thuộc vào trò chơi điện tử.

Có nên sử dụng video game như một phương pháp làm xoa dịu nỗi đau của trẻ hay không?

Theo tôi, câu trả lời là KHÔNG NÊN.

Bạn có thể tưởng tượng video game cũng giống như thuốc phiện, một loại thuốc giảm đau cực mạnh mà các bác sĩ chỉ sử dụng trong phẫu thuật, trong điều trị đau do ung thư giai đoạn cuối với liều lượng và sự quản lý hết sức khắt khe. Lợi ích giảm đau mà nó mang lại chỉ có tác dụng tức thời. Nhưng hậu quả xấu mà thuốc phiện hay nghiện game mang lại cho bản thân, gia đình và xã hội lại quá lớn, quá dễ xảy ra và không thể kiểm soát.

Thật ra, chúng ta có rất nhiều cách giảm đau tích cực khác cho cả trẻ em và người lớn như luôn giữ cho mình một tâm thái tích cực (liệu pháp ôm, cười), khuyến khích con tham gia vào các hoạt động xã hội như chia sẻ với người cùng cảnh ngộ (chẳng hạn như chương trình “Ước mơ của Thúy”)...

Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể hướng con đến các trò chơi dân gian lành mạnh phù hợp sức khỏe của con như chơi ô quan, đánh cờ, xếp lego, xếp giấy Origami, làm đồ chơi, đọc sách, nghe nhạc, xem phim hoạt hình có ý nghĩa... thế cũng làm con cảm thấy vui vẻ và thoải mái vượt qua cơn đau. Đồng thời, cha mẹ cũng thể hiện được tình yêu thương đối với con và cũng cảm thấy thoải mái hơn khi đồng hành cùng con, có phải vậy không?

Dùng trò chơi điện tử giảm đau, đừng nên thử dù chỉ một lần!

Mỹ Tâm

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Giống thuốc phiện, trò chơi điện tử giảm đau mạnh, gây nghiện nhanh (Phần cuối)