F0 cách ly tại nhà cần làm gì để hạn chế lây nhiễm virus?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, việc F0 tự cách ly tại nhà phù hợp với bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay, góp phần giảm tải cho các khu cách ly tập trung. Tuy nhiên, F0 cần cách ly tại nhà như thế nào để đảm bảo không lây nhiễm virus trên diện rộng cũng là điều cần quan tâm.

Báo Người Lao Động dẫn lời của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM vào chiều 13/7, cho biết Bộ Y tế đã cho phép TP.HCM thí điểm cách ly các trường hợp F0 tại nhà.

Theo ông Sơn, có 2 nhóm F0 được xem xét cho cách ly tại nhà gồm:

  • Đầu tiên, nhóm F0 đã được cách ly hơn 10 ngày, có tải lượng virus thấp và khó có khả năng lây nhiễm.
  • Thứ hai là nhóm F0 gồm các nhân viên y tế có khả năng tự theo dõi sức khoẻ tại nhà.

Tuy nhiên, về việc cách ly tại nhà như thế nào để không lây lan virus sang người thân và cộng đồng, những người nằm trong diện F0 cần lưu ý một số điều sau đây:

  1. Chuẩn bị:
  • Phòng cách ly riêng có cửa sổ thông thoáng, có phòng vệ sinh riêng. Trong phòng không nên bật điều hoà, thay vào đó chỉ sử dụng quạt.
  • Các vật dụng cơ bản đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày.
  • Thuốc men gồm thuốc hạ sốt, tiêu hoá, dạ dày, tiêu chảy, chữa đau họng, dầu xoa, oresol, nước muối súc miệng, xịt mũi, vitamin C, vitamin D3.
  • Các thiết bị y tế cá nhân như nhiệt kế, máy đo huyết áp hoặc máy đo nồng độ oxy trong máu (nếu có).
  1. Chăm sóc và theo dõi sức khoẻ tại nhà:
  • Đo thân nhiệt 2 lần/ngày.
  • Khai báo triệu chứng qua phần mềm khai báo điện tử.
  • Tự theo dõi nồng độ oxy trong máu (nếu có máy đo).
  • Ăn nhẹ và chỉ ăn thực phẩm dễ tiêu, bổ sung vitamin C; không bỏ bữa và không ăn quá no, giữ gìn sức khoẻ để đảm bảo hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả.
  • Vận động, đi lại thường xuyên, tập hít thở sâu và đều.
  1. Tự kiểm tra sức khoẻ:
  • Thân nhiệt nếu vượt quá 38.5 độ C, dùng paracetamol hạ sốt, uống 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày đối với trẻ em và 2 g/ngày cho người lớn. Ngoài ra, trẻ em không uống quá 4 lần/ngày.
  • Để ý nhịp thở bằng cách nằm thư giãn 5-10 phút, sau đó đếm số lần lồng ngực phồng lên xẹp xuống.
  • Người trưởng thành có nhịp thở bình thường trung bình từ 16-20 lần/phút, nếu trên hoặc dưới mức này (tức dưới 15 hoặc trên 22), bạn nên liên lạc với trung tâm y tế gần nhất.
  • Trong khi đó, trẻ em có nhịp thở nhanh hơn, chẳng hạn như trẻ mới sinh có nhịp thở dao động từ 30-50 lần/phút; 0-5 tháng tuổi thì 25-40 lần; 6 tháng - 5 tuổi thì 20-30 lần/phút; còn trẻ từ 11-20 tuổi có nhịp thở từ 12-30 lần.
  • Nồng độ oxy trong máu (SpO2) nếu dao động từ 90-94%, người bệnh cần liên hệ y tế hoặc nhập viện; nếu dưới 90%, bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng và cần nhập viện khẩn cấp. Ngược lại, nếu nồng độ vượt quá 94%, người bệnh nên duy trì việc theo dõi thêm vài lần mỗi ngày để kiểm tra tính ổn định.
  1. Trong thời gian cách ly tại nhà, những người F0 tuyệt đối không nên ra ngoài (kể cả ra ngoài mua thuốc), tổ chức tụ tập hoặc liên hoan, cũng như tiếp khách...
  2. Đối với những người thân trong gia đình của người đang tự cách ly, trường hợp bắt buộc tiếp xúc với F0 cần mặc đồ bảo hộ; rác thải từ phòng của F0 cần được xử lý riêng và gói ghém cẩn thận; sau khi tiếp xúc cần vệ sinh cá nhân thật sạch, đồng thời bổ sung thêm các loại vitamin như C, B1, B6, B12. Ngoài ra, tuyệt đối không để trẻ em và người già, người có bệnh nền tiếp xúc hay ở cùng F0.
  3. Trường hợp người nhà xuất hiện triệu chứng nghi nhiễm, cần làm theo các biện pháp phòng ngừa lây lan virus như đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, giữ khoảng cách 2m, thông báo và đến các cơ sở y tế.

Người nhiễm Covid-19 nên uống nước đủ và đúng cách

Theo báo Tuổi Trẻ, triệu chứng sốt khá phổ biến trong nhóm các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng.

Sốt sẽ làm tăng nhiệt, cơ thể sẽ tự động bài tiết ra mồ hôi để hỗ trợ điều chỉnh nhiệt độ toàn thân, điều này dẫn đến hiện tượng mất nước. Do đó, bệnh nhân Covid-19 cần bổ sung nước nhiều hơn để bù lại lượng đã bị mất trong quá trình này.

Theo các bác sĩ, ngoài sốt, một số triệu chứng khác như tiêu chảy, nôn ói hay thở nhanh cũng đều có thể gây mất nước ở người bệnh.

Các biểu hiện cho thấy cơ thể mất nước gồm: cảm giác khát (đặc biệt vào sáng sớm), khô miệng, môi khô, da khô, nước tiểu ít hoặc mật độ đi tiểu ít hơn bình thường, nước tiểu màu đậm.

Tuy nhiên chỉ nên uống nước vừa đủ, việc uống quá nhiều nước có thể gây quá tải dịch, sinh ra áp lực cho tim và thận, hạ natri máu, mất cân bằng nước - điện giải của cơ thể.

F0 trở nặng nhanh trong vài giờ, phác đồ điều trị có nhiều thay đổi

Theo VTC, trong những ngày gần đây, tình trạng bệnh nhân F0 nhiễm biến thể Delta (ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ) đang có dấu hiệu trở nặng nhanh hơn chỉ trong vài giờ, gây ra khó khăn lớn cho ngành y tế, do đó phác đồ điều trị cũng đang được điều chỉnh, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Ông Sơn cũng nói thêm, Bộ Y tế hiện đã yêu cầu trang bị phương tiện thở oxy dòng cao và máy thở hiện đại cho tất cả cơ sở thu dung, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó, một số thuốc vốn được sử dụng ở giai đoạn muộn như thuốc kháng đông, corticoid cũng đang được khuyến cáo sử dụng sớm hơn.

Ngoài ra, các loại thuốc khác như kháng sinh, kháng nấm, hệ thống lọc máu và các hệ thống hỗ trợ, hồi sức cũng sẽ được đưa vào sử dụng sớm để hỗ trợ điều trị tích cực cho các bệnh nhân Covid-19.

Bảo Vy



BÀI CHỌN LỌC

F0 cách ly tại nhà cần làm gì để hạn chế lây nhiễm virus?