Dùng trường kỳ các thức uống thanh nhiệt có hại gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ai cũng biết không nên lạm dụng các loại thuốc Tây Y, thuốc Đông Y cũng tương tự, và các loại nước uống thanh nhiệt, lá mát cũng không phải là ngoại lệ...

Mùa hè là thời điểm mà các loại nước uống thanh nhiệt lên ngôi. Các thức uống này thường là những thứ cây cỏ quen thuộc như lá đắng, diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa), rau má, diếp cá, mướp đắng... Nhiều người vẫn có suy nghĩ rằng các loại nước này có thể uống rất thoải mái, không có bất cứ nguy hại gì với sức khỏe. Tuy nhiên sự thực có phải như vậy?

Ảnh hưởng đến tiêu hóa

Theo Đông Y, các loại nước thanh nhiệt đều là vị thuốc thuộc tính hàn lương (lạnh và mát), nếu sử dụng trường kỳ, phần dương của Tỳ Vị có thể bị tổn thương, từ đó xuất hiện các triệu chứng như đầy bụng khó tiêu, đau bụng, ăn không ngon miệng, chán ăn, đại tiện lỏng nát…

Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng như trên, thì nên dừng việc uống các loại nước uống này càng sớm càng tốt. Rất nhiều loại cây lá quen thuộc có tác dụng thanh nhiệt tưởng chừng như vô hại, nhưng trường kỳ sử dụng đều có thể gây những hậu quả không tốt cho việc tiêu hóa.

Khiến cơ thể mệt mỏi, vô lực

Nhiều người trong chúng ta đã trải qua tình huống này: uống một loại nước thanh nhiệt quá đặc, hoặc lượng quá nhiều, rồi cơ thể cảm thấy mệt mỏi, tứ chi vô lực. Điều này cũng đúng khi dùng các loại nước uống thanh nhiệt trong thời gian dài, chỉ khác là quá trình này diễn ra từ từ.

Theo Đông Y, thanh nhiệt là một phép chữa bệnh thuộc phép tả, tả có nghĩa là làm cho vơi bớt đi. Nếu cơ thể có thực tà, ở đây là nhiệt tà, các loại thuốc thanh nhiệt có thể giúp trừ bớt tà khí đi, nhưng nếu cơ thể không có tà khí, các loại thuốc này sẽ làm cho chính khí của cơ thể bị tổn thương. Các loại thuốc thanh nhiệt làm phần dương khí của cơ thể bị hao tổn.

Trong cơ thể dương khí có vai trò hết sức quan trọng, là phần chủ yếu trong mọi hoạt động sống, chính vì vậy, các loại nước thanh nhiệt có thể khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, vô lực. Nghiêm trọng hơn, việc này có thể dẫn đến một số chứng bệnh như Tỳ khí hư, Thận dương hư...

Cân bằng âm dương trong cơ thể là vô cùng quan trọng... (Pixabay)

Làm nặng thêm một số bệnh

Uống thuốc phải uống đúng bệnh, đây là điều mà chúng ta đều biết. Nếu uống thuốc không đúng, bệnh không những không khỏi, mà tình trạng bệnh có thể còn nặng hơn.

Các loại lá mát, thức uống thanh nhiệt đều là các loại thuốc. Các loại thuốc thanh nhiệt này, theo Đông Y chỉ thích hợp với các chứng thực nhiệt. Người xưa có câu: “Hàn ngộ hàn tắc tử” tức là người bệnh thuộc tính lạnh mà uống nhầm thuốc có tính lạnh thì sẽ chết. Với các bệnh mang tính hàn, người thể trạng hàn, dùng các loại nước uống thanh nhiệt có thể làm cho bệnh nặng hơn, thậm chí có thể dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng hơn nữa.

Những ai không nên dùng những thức uống thanh nhiệt

1. Người dương hư, thể trạng hàn

Như đã nói ở trên, các thứ nước thanh nhiệt có thể dẫn đến dương khí của cơ thể hư tổn vì vậy người dương hư, thể trạng hàn, người có bệnh tính hàn không nên dùng đồ uống thanh nhiệt. Những người này thường có huyết áp thấp, các triệu chứng thường gặp cảm thấy lạnh trong người, sợ lạnh, chân tay lạnh, mệt mỏi, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng nát…

Cần lưu ý đối với người thể trạng nhiệt, vì theo Đông Y, cũng có những trường hợp “giả nhiệt”. Những người này tuy bên ngoài có những biểu hiện nóng, nhưng thực chất nguyên nhân lại do dương khí hư nhược, hàn lãnh gây ra. Để phân biệt được “chân nhiệt”“giả nhiệt”, người bệnh cần tìm đến thầy thuốc có chuyên môn để có thể được thăm khám cẩn thận.

2. Người tiêu hóa kém, tỳ vị yếu nhược

Đồ uống thanh nhiệt có thể ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, vì vậy người tiêu hóa kém, tỳ vị yếu nhược với các triệu chứng đầy bụng khó tiêu, đau bụng, ăn không ngon miệng, chán ăn, đại tiện lỏng nát... nhất định không được uống những đồ uống này.

3. Người bệnh nặng, bệnh lâu ngày

Theo Đông Y, người bị bệnh nặng, bệnh lâu ngày thường thuộc về thể trạng hư nhược, cần phải ôn bổ, không nên ăn uống những đồ mát, lạnh. Với những người này, tuy không có chống chỉ định tuyệt đối, nhưng việc dùng thuốc thanh mát là cần có chỉ định của thầy thuốc, đồng thời phải được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt không nên tự ý sử dụng, nhất là trong thời gian dài.

4. Phụ nữ sau sinh, phụ nữ trong kỳ kinh

Phụ nữ sau sinh thể trạng hư nhược, lại có huyết ứ, sản dịch cần thông suốt, không nên bị ứ trệ, không thích hợp sử dụng trường kỳ các loại nước thanh mát. Phụ nữ trong kỳ kinh, kinh nguyệt cần thông suốt không bế tắc, các loại nước thanh nhiệt tính hàn lương thường gây ứ trệ, có thể làm trở ngại kinh nguyệt, làm nặng thêm các triệu chứng khó chịu như đau bụng, đầy bụng...

Cũng giống như với người bệnh nặng, bệnh lâu ngày, phụ nữ sau sinh, phụ nữ đang hành kinh không có chống chỉ định tuyệt đối với những đồ mát lạnh. Nếu có bệnh do thực nhiệt, các thầy thuốc vẫn cần dùng thuốc thanh nhiệt, tả hỏa. Nhưng họ cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn trước khi sử dụng những loại nước thanh nhiệt.

Ngay sau sinh, cơ thể người mẹ vô cùng yếu nhược... (Pixabay)

Đọc thêm: 4 trường hợp không được uống nước đá

Bàn về tầm quan trọng của dương khí, danh y Trương Cảnh Nhạc thời Minh có viết:

“Tất cả sự sống của vạn vật đều do dương khí, sự chết đi của vạn vật cũng đều do dương khí, không phải dương khí có thể giết hại vạn vật, dương khí đến thì sinh, dương khí đi thì chết” (phàm vạn vật chi sinh do hồ dương, vạn vật chi tử diệc do hồ dương, phi dương năng tử vật dã, dương lai tắc sinh, dương khứ tắc tử hĩ).

Trong trời đất, dương chủ phát sinh ,phát triển; âm chủ hủy diệt, bế tàng. Trong cơ thể người, dương khí là động cơ của mọi hoạt động sống, dương khí vì vậy theo Đông Y là vô cùng quan trọng đối với cơ thể, không thể tùy tiện làm tổn hại. Đồ uống thanh nhiệt tính âm hàn, nếu dùng quá nhiều có thể gây ra những hậu quả rất lớn, mọi người không nên tự ý sử dụng, cần xét đến thể trạng, sức khỏe của bản thân và tốt nhất nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.

Nhạc Phong



BÀI CHỌN LỌC

Dùng trường kỳ các thức uống thanh nhiệt có hại gì?