Đừng nuôi con bằng Stockholm - Phần II

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu không có năng lực tự phán đoán, thì dù trẻ được bố mẹ dạy dỗ khôn khéo thế nào cũng khó có thể thành công...

Phần I

Nhiều bố mẹ đã trải qua 1000 ngày vàng thành công và tạo được cơ sở để duy trì tính tò mò, tính sáng tạo, khả năng bảo vệ quan điểm cũng như nhiều đức tính khác, nhưng lại bỏ lơ giai đoạn tiếp theo để chuẩn bị hàng rào tư duy miễn dịch tiếp theo cho con trước khi vào lớp 1.

Hội chứng Stockholm

Như đã nói ở phần trước, có 4 điều kiện để tạo thành hội chứng Stockholm:

    1. Con tin bị phong tỏa hoàn toàn mọi thông tin với thế giới bên ngoài.
    2. Con tin thực sự cảm thấy mình bị uy hiếp và có thể bị làm hại bất cứ lúc nào.
    3. Con tin phải cảm thấy mình không còn chút đường thoát thân.
    4. Kẻ tra tấn phải ban phát chút ơn huệ cho người bị hại để họ mang ơn.

Phòng bị hội chứng tẩy não này thì khó hơn là phá. Nỗi sợ hãi ám ảnh có thể bóp méo tư duy và nạn nhân lúc này phải dựa vào một vị thần để cảm thấy an toàn. Hội chứng này càng dễ tác động trước tư duy phản biện non nớt và thiếu độc lập của bé. Lúc này, người bảo hộ nắm toàn quyền quyết định vận mệnh tương lai của con trẻ.

Cây non cần giá đỡ

Trải qua 1000 ngày vàng, tư duy ngôn ngữ của trẻ đã được tạo lập về căn bản. Sau khoảng thời gian tạo móng này, đây là khoảng thời gian tiếp theo để xây dựng những cột trụ tảng của một khả năng biện luận và tư duy sắc bén trước khi đi học chính thức.

Tuy nhiên, trẻ trong độ tuổi này vẫn dễ tổn thương về tâm lý hơn người lớn. Cảm xúc của trẻ và tư duy phản biện đầy lý tính dường như có chút mâu thuẫn; vậy làm thế nào để tìm kiếm điểm trung hòa giữa điều này và những giá trị phổ quát để trồng người?

Những chia sẻ sau giây phút bùng nổ về cảm xúc ở bé, những mẩu chuyện hàng ngày cùng giải thích lý lẽ cho con, những câu "chào buổi sáng" hay "chúc ngủ ngon" sẽ giúp thói quen lý luận, sinh hoạt và điều tiết cảm xúc của bé thêm bền chắc.

Nhưng là bền chắc xung quanh cái gì, điều này phụ thuộc rất lớn vào môi trường sinh hoạt của bé.

Đi nhà trẻ

Khi ông bà không thể chăm và các mẹ phải gánh vác kinh tế thì bé dĩ nhiên đi nhà trẻ. Bé được đặt vào những khung thời gian mới cưỡng chế hơn và phần nào quy củ hơn.

Trong hoàn cảnh này, việc giáo dưỡng trẻ được gửi gắm cho các cô. Nếu may mắn, con bạn sẽ được chăm sóc trong tình yêu thương, được bảo vệ và dạy dỗ đúng lúc; thời gian còn lại khi bé về nhà, bố mẹ sẽ được nghe những chia sẻ phong phú qua những bài học mới, qua những câu chuyện sâu sắc để bồi dưỡng nhân cách tốt đẹp cho mai sau. Hoặc bé đã rơi vào một môi trường bán Stockholm.

Học ngoại ngữ

Nhiều bố mẹ tham vọng hơn và muốn chuẩn bị thêm cả ngôn ngữ cho thành công của con sau này. Đây là mong muốn tốt từ bố mẹ và việc đi học thêm 1-2 tiếng ở các trung tâm dạy tiếng Anh cho trẻ em là điều cần thiết.

Tuy nhiên, điều này sẽ làm giảm thời gian gần gũi với gia đình và tiếp thụ những văn hóa truyền thống được tiếp nhận thụ động ở nhà. Bố mẹ cũng sẽ cần nhiều thời gian trò chuyện bảo ban hơn để đảm bảo cả việc học ngoại ngữ lẫn việc học làm người.

Các bố mẹ cũng không thể yêu cầu các lớp ngoại ngữ đưa ra quá nhiều bài học song ngữ về đạo đức và giá trị phổ quát, vì ngôn ngữ mới bao giờ cũng bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất.

Từ một khía cạnh khác, nhiều gia đình vui mừng khi con mình có thể nói được 2, 3 ngoại ngữ từ trước khi vào lớp 1, nhưng quên mất rằng: liệu con mình có suy nghĩ quá đơn giản về cuộc sống không? Hay đơn giản hơn là, liệu con có biết cách chào tiếng Anh lễ phép với người lớn như thế nào không?

Học qua màn ảnh nhỏ

Sau một ngày đi làm mỏi mệt, không chỉ các bố mà cả các mẹ cũng muốn được yên thân. Trẻ con thì ngược lại, luôn đủ sung sức để tò mò và quậy phá. Vậy thì bật tivi, hoặc iPad, không thì smartphone và thế là đủ cho buổi tối êm đềm. Nhiều người thậm chí còn buồn bực vì con cái mình không biết tự xem tivi hay các kênh video qua màn ảnh nhỏ.

Đọc thêm: Thế giới ma túy của game

Dần dần, vị thần trong suy nghĩ non nớt của các bé được thay đổi liên tục. Từ bố mẹ sang ông bà, từ ông bà sang cô nuôi, từ cô nuôi qua màn ảnh nhỏ. Đây chính là cách mà các bậc phụ huynh vô tình đặt con mình vào hội chứng Stockholm.

Và như đặc tính của bất kỳ đứa trẻ nào, chúng phụ thuộc và dựa dẫm vào vị thần nào dành nhiều thời gian và thỏa mãn chúng nhất.

Và hiển nhiên, khi bị tách khỏi vị thần đó, bé sẽ khóc lóc kêu gào. Lúc này, bố mẹ sẽ làm thế nào để giảng giải và trung hòa lý tính cho trẻ về những đúng sai, những giá trị phổ quát, nhân cách, lễ phép để chuẩn bị cho ngày mai.

(Còn tiếp...)

Kim Anh

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Đừng nuôi con bằng Stockholm - Phần II