Đông Y: 4 điều cần tránh và 3 điều cần nhớ để giữ sức khỏe trong mùa hè

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mùa hè mọi người thường ăn uống những món lạnh mát (hàn lương) để giải nhiệt, thích sử dụng điều hòa ở nhiệt độ thấp, nhưng ăn uống hay sử dụng như thế nào để có thể khỏe mạnh và phòng bệnh?

Tại sao mùa hè cần dưỡng dương?

Mùa hè là lúc thời tiết nóng bức, trong Đông Y có câu “Dương gặp dương thì vượng, âm gặp âm thì thịnh” vậy vì sao mùa hè lại cần phải dưỡng dương?

Mùa hè mồ hôi nhiều, mà theo Đông Y, mồ hôi này là dịch của tạng Tâm, là thứ sinh ra do dương khí thêm vào phần âm. Nói đơn giản, nếu mồ hôi ra quá nhiều, thì điều này biểu hiện không những phần âm mà dương khí cũng đã bị hư tổn.

Ngoài ra, mùa hè mọi người thường ăn uống những món lạnh mát (hàn lương) để giải nhiệt, thích sử dụng điều hòa ở nhiệt độ thấp; những điều này đều cũng sẽ ảnh hưởng đến dương khí của cơ thể.

Mùa hè thuộc hành hỏa, hỏa khí tràn ngập khắp trời đất. Đông y có câu: “Tráng hỏa thực khí” - sau khi đi ngoài trời nắng nhiều người trong chúng ta có thể cảm thấy cơ thể mệt mỏi, khó thở.

Mùa hè cũng là lúc tuy khí trời nóng nực nhưng nước giếng lại mát, tương ứng với cơ thể người, phần bì mao ở ngoài và thượng tiêu ở trên tuy có nhiệt, nhưng hạ tiêu ở dưới lại hư hàn.

Chính vì những lý do trên, ngoài việc thanh nhiệt, mùa hè cũng là thời điểm cần chú ý nuôi dưỡng dương khí.

4 điều cần tránh để dưỡng dương khí trong mùa hè

Mùa hè cần chú ý dưỡng dương khí, điều đầu tiên cần chú ý là tránh những hoạt động tổn thương phần dương khí này.

1. Ở phòng điều hòa thời gian quá dài

Mùa hè thời tiết oi bức, ra khỏi cửa là trời nắng gắt, phòng điều hòa trở thành nơi mà chúng ta đều ưa thích, người thích mát mẻ thường đặt nhiệt độ điều hòa rất thấp, đặc biệt là người vừa đi từ ngoài về, liền bật điều hòa để hạ nhiệt.

Theo Đông Y, mùa hè nóng nực chính là thời điểm các lỗ chân lông của con người mở rộng, nếu vừa ra mồ hôi liền lập tức vào phòng điều hòa có thể khiến chúng ta dễ bị cảm lạnh và làm tổn thương dương khí của chúng ta. Không những vậy, đây cũng là một lý do khiến chúng ta có thể dễ bị say nắng, gọi là “âm trúng thử” trong Đông Y.

Để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, mùa hè tốt nhất nên hạn chế ở phòng điều hòa; trước khi vào phòng điều hòa cần lau khô mồ hôi; nên để nhiệt độ ở mức trên 26 độ; khi ngủ, tốt nhất nên đặt trên 27 độ. Khi làm việc ở văn phòng, tốt nhất nên có 1 chiếc khăn choàng hoặc áo khoác nhỏ để bảo vệ vùng vai gáy và thắt lưng, đây là những vùng rất dễ bị đau nhức khi bị lạnh.

2. Ăn quá nhiều hoa quả đóng đá, hoa quả dầm đá

Mùa hè là mùa của các loại trái cây, nhiều loại hoa quả có tác dụng giải khát và giải nhiệt, giúp chúng ta bổ sung nước và điện giải. Tuy nhiên, nhiều người có thói quen để các loại trái cây trong ngăn đá tủ lạnh trước khi ăn, hoặc thường xuyên ăn hoa quả dầm đá, là cách nhiều người thường xuyên sử dụng để giải nhiệt. Nếu trường kỳ làm vậy, đá lạnh kết hợp hoa quả đóng đá sẽ rất dễ làm tổn thương tỳ vị, khiến chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng, lâu dần có thể làm tổn thương dương khí của cơ thể.

3. Uống nhiều nước lạnh, trà đá

Ngoài việc ăn các loại trái cây lạnh, mùa hè mọi người còn rất thích uống các loại nước lạnh.

Nước đá, trà đá lâu nay vẫn là thức uống được ưa thích, cánh đàn ông rất thích uống bia lạnh cho thêm 1 chút đá. Uống quá nhiều những đồ uống lạnh này sẽ gây trở ngại không nhỏ cho dương khí của cơ thể, làm tổn thương dương khí, từ đó sinh ra rất nhiều bệnh tật như viêm họng, đau bụng, đầy bụng, ho hen…

Ngoài những đồ uống lạnh ra, trà thanh nhiệt cũng có thể gây hậu quả tương tự cho cơ thể. Một lượng vừa phải thì có tác dụng thanh nhiệt và giải khát, nhưng chúng ta không nên lạm dụng và uống quá nhiều trong một thời gian dài. Mùa hè chúng ta không nên sử dụng quá nhiều nước đá, kem lạnh, trà đá và các loại nước uống thanh nhiệt, đặc biệt với những người có bệnh đường tiêu hóa, tỳ vị hư nhược và thể trạng hư hàn.

4. Trường kỳ thức khuya

Nhiều người biết rằng, thức khuya sẽ ảnh hưởng đến phần âm của cơ thể gây ra âm hư, huyết thiếu, nhưng trường kỳ thức khuya cũng ảnh hưởng đến dương khí. Buổi tối là lúc phần dương khí cần được liễm nạp, nếu buổi tối cơ thể không nghỉ ngơi thuận theo nhịp độ tự nhiên mà bị cưỡng ép hoạt động, dương khí của cơ thể lâu dần cũng bị suy kiệt. Ngoài ra, âm dương trong cơ thể cần sự cân bằng, thức khuya làm phần âm hao tổn, thời gian lâu cũng khiến phần dương bị suy kiệt theo.

Dưỡng dương cần nhớ 3 điều sau

1. Trọng điểm của dưỡng dương vào mùa hè là dưỡng Tâm

Mùa hạ theo ngũ hành thuộc hành hỏa, đối ứng với cơ thể là tạng Tâm. Theo cuôn Hoàng Đế nội kinh có viết: “Tâm là gốc của sinh mệnh, là biến hóa của thần minh, sự tươi tốt của nó biểu hiện ở mặt, sự sung túc của nó thể hiện ở huyết mạch, là thái dương ở trong dương, thông với khí mùa hè”. Mùa hè thời tiết nóng nực, ngày dài đêm ngắn, con người ra nhiều mồ hôi, mà theo Đông Y mồ hôi là dịch của Tâm, vì vậy đây là thời gian Tâm âm hao tổn nhiều, Tâm dương dễ tổn thương. Vì vậy Đông Y cần chú trọng dưỡng Tâm trong mùa hè.

2. Tâm dương không đầy đủ thì sắc mặt trắng bợt

Sắc mặt trắng bợt là biểu hiện của Tâm dương không đầy đủ. Mùa hè Tâm dương dễ tổn thương nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ làm Tâm dương hư tổn nặng hơn. Sắc trắng bợp là sắc trắng mà không sáng nhuận, không có “huyết sắc”. Ngoài ra Tâm dương không đầy đủ còn dẫn đến nhiều chứng trạng khác như tinh thần suy sụp, thân thể hư nhược, hồi hộp, khó thở....

3. Dưỡng dương không quên dưỡng âm

Đông Y cho rằng âm dương cần cân bằng thì cơ thể mới khỏe mạnh, khi dưỡng dương khí chúng ta cũng không được phép bỏ qua việc tư bổ phần âm. Đơn thuần chỉ bổ dương thì có thể tạo thành “dương thịnh âm suy”, không những không giải quyết được vấn đề dương khí không đầy đủ, mà còn dẫn đến phần âm hao tổn. Vì vậy mùa hè có cách nói “ba phần bổ dương bảy phần bổ âm”, số ba và số bảy ở đây chỉ là con số ước lệ, có ý nhấn mạnh việc bổ dương nhưng không được quên việc dưỡng âm.

Trong cơ thể, phần âm đầy đủ cũng có thể tác động để sinh dương khí. Mùa hè mồ hôi nhiều, dương khí hư nhược, vì vậy cần dưỡng dương để phòng ngừa bệnh tật, đồng thời cũng cần dưỡng âm giúp âm khí đầy đủ, đảm bảo vật chất cơ sở đầy đủ để bổ sung cho dương khí. Âm khí dương khí cùng đầy đủ cơ thể mới khỏe mạnh.

4. Dưỡng dương đồng thời cần trừ thấp

Cuối mùa hè là lúc mưa nhiều, độ ẩm không khí cao, theo Đông Y là thời điểm mà thấp khí nhiều, đặc biệt vào khoảng tháng 7, tháng 8. Thấp khí có thể gây ra một số bệnh tật cho cơ thể, đồng thời có thể khiến một số bệnh tật vốn có nặng hơn như bệnh xương khớp, bệnh lý dạ dày… Vì vậy mùa hè dưỡng dương bổ âm đồng thời cũng cần trừ thấp.

Nhạc Phong



BÀI CHỌN LỌC

Đông Y: 4 điều cần tránh và 3 điều cần nhớ để giữ sức khỏe trong mùa hè