Đông Y: 3 cách giảm đau đầu không dùng thuốc, đơn giản mà hiệu quả

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ai cũng từng có lúc bị đau đầu, đau tới mức vô cùng khó chịu. Uống nhiều thuốc giảm đau dần dần khiến chúng ta bị phụ thuộc vào thuốc, thậm chí bị biến chứng do gặp phải tác dụng phụ...

Phân loại đau đầu theo vị trí

Đông Y phân loại đau đầu theo Lục kinh, bao gồm tam dương kinh (Dương minh kinh, Thiếu dương kinh, Thái dương kinh) và tam âm kinh (Thái âm kinh, Thiếu âm kinh, và Quyết âm kinh).

Đau đầu của tam âm kinh đều nằm trong sọ não, người bệnh không thể chỉ ra được vị trí thực sự của điểm đau. Theo lời Viện trưởng Viện Trung Y Viêm Long Tô Thủ Nghị, cũng là người quản lý Công hội các bác sĩ Trung Y tại Đài Nam, đây là loại đau đầu tương đối nghiêm trọng, có thể là chứng u hoặc bệnh nặng, người bệnh nên tới các bệnh viện lớn để kiểm tra điện não đồ.

Ngược lại, đau đầu của tam dương kinh thì tất cả đều ở bên ngoài phần da đầu, so với đau đầu ở tam âm kinh thì có ít phần nghiêm trọng hơn, chữa trị tương đối dễ. Đau đầu ở tam dương kinh có thể dễ dàng cảm nhận được vị trí đau ở đâu, cụ thể có thể phân thành 3 vùng sau:

    • Đau đầu kinh Dương minh: vị trí đau ở phía trên mắt cho tới trước trán, thường là loại đau đầu do cảm mạo.
    • Đau đầu kinh Thiếu dương: vị trí đau phía bờ ngoài mắt cho tới huyệt Thái dương, là loại đau do cảm mạo, bị áp lực stress dẫn tới.
    • Đau đầu kinh Thái dương: vị trí đau từ sau gáy lan tới giữa đỉnh đầu. Đau đầu do kinh Thái dương tương đối hay gặp, đa phần là do cảm mạo, chịu áp lực căng thẳng trong khi cơ thể suy yếu mà mắc phải.

3 cách đơn giản giúp thư giãn, làm nhẹ đau đầu

Nếu như đau đầu thuộc vào tam dương kinh như đã nêu ở trên, chúng ta có thể ấn huyệt, ngâm chân, dùng máy sấy tóc để giúp làm thư giãn, giảm nhẹ cơn đau ngay lập tức.

1. Ấn huyệt

Ấn huyệt giúp thư giãn và làm giảm cơn đau đầu. Các huyệt vị chọn dùng đa số nằm trên kinh Thái dương. Bác sĩ Tô Thủ Nghị giải thích rằng, hai kinh Dương minh, Thiếu dương đều giao thoa và đan xen với kinh Thái dương. Nói cách khác, điều trị kinh Thái dương có thể chữa khỏi cả 3 loại đau đầu.

Huyệt Phong trì là cửa ải mà kinh Thái dương cần phải đi qua khi muốn từ thân thể đi lên đến vùng đầu. Vị trí của nó nằm ở phía sau 2 tai, chỗ lõm gần đường chân tóc. Huyệt Phong trì tương đối dễ ấn, khi ấn chỉ cần dùng sức vừa phải.

Huyệt Phong trì là cửa ải nơi Kinh Thái dương từ thân tiến sang vùng đầu... (Sức khỏe 1+1, The Epoch Times)

Nếu như đau đầu kinh Thiếu dương thì có thể ấn thêm huyệt Thái dương để tăng thêm công hiệu.

Nếu như đau đầu kinh Dương minh thì có thể ấn thêm huyệt Toản trúc ở phía trên cung lông mày. "Ấn cùng lúc cả hai huyệt này thì hiệu quả giúp thư giãn đầu óc sẽ rất tốt!" - bác sĩ Tô nói. “Đồng thời ấn và xoa bóp huyệt vị của cùng bên cũng tốt. Ví dụ như đau nửa đầu (thiên đầu thống) bên phải có thể ấn huyệt Phong trì với huyệt Thái dương bên phải…”

Huyệt Toản trúc (bên trái) và huyệt Thái Dương (bên phải) có thể giúp giảm đau đầu... (Sức khỏe 1+1, The Epoch Times)

Nếu sử dụng châm cứu để điều trị đau đầu, thì thường sẽ châm các huyệt vị Côn lôn Phu dương. Huyệt Côn lôn nằm ở phía ngoài mắt cá chân, chỗ lõm giữa đỉnh mắt cá ngoài với gân gót. Huyệt Phu dương nằm ở phía sau cẳng chân, từ huyệt Côn lôn thẳng lên 4 thốn.

Khi đau đầu, châm cứu vào huyệt vị ở chân sẽ có hiệu quả cao. Bác sĩ Tô cho biết: khi con người còn trong phôi thai, chân và đầu liên kết với nhau, cho nên nguyên lý thần kinh, tế bào học của chân và vùng đầu rất có tính tương quan.

Huyệt Côn lôn nằm ở phía sau mắt cá chân, và huyệt Phu dương ở phía trên... (Sức khỏe 1+1, The Epoch Times)

"Người xưa khiến cho chúng ta vô cùng bội phục bởi đã trực tiếp nói cho chúng ta rằng: đau đầu chữa ở chân, đau chân chữa ở đầu", ông ca ngợi, "Người hiện đại chúng ta ứng dụng quan điểm đó để điều trị bệnh, thì phát hiện ra hiệu quả của phương pháp này thật sự rất đáng kinh ngạc".

2. Ngâm chân

Huyệt Côn lôn, Phu dương đều ở vùng chân, nếu như không thể tìm ra chính xác vị trí của huyệt vị thì có thể dùng phương pháp ngâm chân để thay thế. Dù phương pháp này so với việc châm cứu thì hiệu quả không bằng nhưng cũng giúp thư giãn, làm dịu bớt cơn đau đầu.

3. Dùng máy sấy tóc hơ vùng đầu

Đối với loại đau đầu không nghiêm trọng, dùng máy sấy tóc hơ nóng vùng huyệt Phong trì và các vị trí đau đầu khác cũng đều giúp giảm đau. Khi hơ cần chú ý thay đổi vị trí luôn luôn, tránh để nhiệt độ cao làm phỏng vùng da đầu.

Làm sao để tránh đau đầu tái phát?

Để tránh đau đầu tái phát trở lại, chúng ta nên ăn ít đá, uống ít nước quá lạnh, đồng thời tránh gió thổi trực tiếp vào vùng đầu. Mùa hè cần tránh gió lạnh từ điều hòa hoặc quạt điện thổi trực tiếp vào vùng đầu, nhất là vùng cổ, gáy phía sau đầu. Sau khi gội đầu cũng nên dùng máy sấy tóc để làm khô, tránh cho vùng đầu bị nhiễm lạnh.

Khí lạnh thông qua huyệt Phong trì rất dễ nhập vào đầu và gây ra đau đầu, biểu hiện đau bắt đầu xuất hiện từ vùng cổ gáy ở phía sau. Bác sĩ Tô cho biết, những người mắc cảm mạo chưa khỏi hẳn thường hay mắc phải chứng đau này. Những người này chỉ cần uống nước đá, gặp gió lạnh là đau đầu liền tái phát.

Đá có thể đã tan hết, nhưng tính hàn thì còn nguyên... (Pixabay)

Sau khi tự làm giảm cơn đau đầu, nhưng qua một thời gian lại tái phát, thì lúc này bạn nên tới bác sĩ để thăm khám và tìm ra nguyên nhân gốc rễ của cơn đau. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới đau đầu như: tới kỳ kinh, chịu áp lực căng thẳng cho tới các vấn đề về cảm xúc, ngủ không đúng giờ giấc, ăn uống không đúng, tập luyện quá độ hay bị va đập bởi ngoại lực.

Ngoài ra khi uống các thuốc giãn mạch, thuốc tránh thai, hormon thay thế, sử dụng nhiều một vài loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opium hoặc cafein, thì cũng sẽ dẫn tới đau đầu. Ở lâu trong môi trường ánh sáng mạnh, nhiều tạp âm, ô nhiễm không khí, bức xạ điện từ... cho tới những thay đổi về khí hậu phong, hàn, thấp, nhiệt... đều có thể dẫn tới đau đầu.

Bác sĩ Tô Thủ Nghị từng kể về một bệnh nhân bị đau đầu. Sau khi đến phòng khám, phát hiện ra vùng bị đau có liên quan tới một lần bị va đập, ông cho bệnh nhân đi làm điện não đồ. Ông nhấn mạnh rằng, cần có hướng dẫn của bác sĩ thì mới biết rõ được nguyên nhân, từ đó mới có thể biết được cách điều trị thích hợp.

Thanh Tâm Liên Tử
- Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Đông Y: 3 cách giảm đau đầu không dùng thuốc, đơn giản mà hiệu quả