Dịch bệnh nào đã giết chết 843.000 người ở Trung Quốc trong năm 2017 và hiện đang tiếp tục gia tăng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số ca tử vong do bệnh tiểu đường được thống kê trong năm 2017 tại Trung Quốc, đã gấp hơn 3 lần số ca tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới trong khoảng 6 tháng qua...

Dịch Covid-19 đã và đang làm thế giới chao đảo với số ca nhiễm bệnh 3,5 triệu người và số ca tử vong đã vượt quá 270.000 người kể từ khi nó bắt đầu xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, ít ai biết rằng có một căn bệnh mãn tính khác cũng nguy hiểm không kém đang tiếp tục gia tăng tại nước này.

Theo đài truyền hình nhà nước, CCTV, chỉ trong năm 2017, riêng tại Trung Quốc đã có 114 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Đặc biệt là số ca tử vong trong một năm do căn bệnh này đã lên đến 843.000 người, gấp hơn 3 lần số ca tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới trong khoảng 6 tháng qua.

Đương nhiên, có thể nói rằng so sánh này khá khiên cưỡng, nhưng không thể không đặt câu hỏi: Bệnh tiểu đường là gì? Tại sao tại Trung Quốc số người tiểu đường lại cao như vậy? Và đối phó với "đại dịch" này như thế nào?

Bệnh tiểu đường là gì?

Tiểu đường là căn bệnh xảy ra khi lượng đường trong máu tăng quá cao. Bệnh tiểu đường có hai nhóm (type) phổ biến:

    • Tiểu đường type 1, thường do di truyền, xảy ra khi cơ thể không sản xuất được insulin.
    • Tiểu đường type 2, có thể phát triển theo thời gian, xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc tế bào của cơ thể đề kháng với insulin.

Insulin là một hormon của tuyến tụy (một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa) có nhiệm vụ đưa glucose từ máu vào tế bào, từ đó chuyển đổi thành năng lượng. Nếu thiếu insulin, lượng đường trong máu sẽ cao, nhưng tế bào lại đói do thiếu năng lượng và xảy ra hàng loạt hậu quả nghiêm trọng sau đó trên hệ tim mạch, thần kinh, thận, mắt, nhiễm trùng v.v..

Chế độ ăn nhiều chất béo, calo và cholesterol nhưng lại thiếu hoạt động thể chất sẽ dẫn đến béo phì... (Pixabay)

Tại sao căn bệnh này lại phổ biến ở Trung Quốc?

Theo Tổ chức Tiểu đường Quốc tế (IDF), bệnh tiểu đường có thể là kết quả của các yếu tố di truyền, hoặc xuất phát từ lối sống không lành mạnh, chẳng hạn như ăn chế độ ăn nhiều chất béo, calo và cholesterol nhưng lại thiếu hoạt động thể chất, dẫn đến béo phì.

Người ta thường tin rằng dịch bệnh tiểu đường gia tăng tại Trung Quốc có liên quan chặt chẽ với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng tại đất nước này trong vài thập kỷ qua.

Theo CEO của công ty dược phẩm Trung Quốc Hua Medicine, tiến sĩ Li Chen, có tới 95% các trường hợp tiểu đường là thuộc type 2, do mắc phải chứ không phải là di truyền. Tuy nhiên, trong 114 triệu người mắc bệnh tại Trung Quốc thì chỉ có 39% bệnh nhân có kiến thức về tình trạng bệnh của mình. Sự thiếu hiểu biết sẽ càng làm cho căn bệnh này trầm trọng thêm do gia tăng biến chứng nếu điều trị không hợp lý.

Thật vậy, một thị trường kinh doanh khổng lồ liên quan đến việc điều trị tiểu đường đang xuất hiện tại Trung Quốc vì số lượng bệnh nhân quá lớn tại đây. Theo báo cáo của Hua Medicine, trong năm 2018, tổng chi phí y tế liên quan đến bệnh tiểu đường của quốc gia này đạt 57,3 tỷ nhân dân tệ (8,25 tỷ USD). Đến năm 2028, con số chi tiêu đó dự kiến ​​sẽ tăng gấp 3, lên tới 173,9 triệu nhân dân tệ.

Tiến sĩ Li Chen, giám đốc điều hành của công ty dược phẩm Hua Medicine (Trung Quốc), cho rằng để chống lại bệnh dịch tiểu đường đang phát triển, mọi người cần hiểu biết nhiều hơn về căn bệnh này, từ đó có thể giúp giảm biến chứng do nó gây ra.

Bệnh tiểu đường được điều trị ở Trung Quốc như thế nào?

Bệnh tiểu đường hiện đang là một căn bệnh nan y và tốn kém. Bệnh nhân cần theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên và điều trị bằng thuốc đều đặn.

Jia Weiping, giám đốc Trung tâm điều trị bệnh tiểu đường Thượng Hải, cho biết các loại thuốc phổ biến sẽ giúp cải thiện độ nhạy hoặc phản ứng của các tế bào của cơ thể đối với insulin để điều chỉnh glucose, ngoài ra còn ức chế sự hấp thụ đường trong hệ thống tiêu hóa. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị hiện tại không thể chữa khỏi bệnh, vì chúng không thể khôi phục khả năng tự điều chỉnh lượng đường trong máu của cơ thể.

Thiết bị đo, thuốc đã trở thành vật dụng bất ly thân của người điều trị tiểu đường... (Pixabay)

Công nghệ mới: nỗ lực có được đền đáp?

Để tìm ra phương pháp chữa bệnh tiểu đường, chính phủ và các công ty trên khắp thế giới đã đầu tư hàng tỷ USD để tìm hiểu nguồn gốc của nó và phát triển các loại thuốc mới.

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học England, Đại học Birmingham đã công bố một nghiên cứu vào tháng 1 năm nay, tiết lộ rằng họ đã thu được hình ảnh độ nét cao của protein thụ thể trong các tế bào kích thích tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra cách thụ thể này phản ứng với các phân tử tín hiệu nhất định.

Julian Broichhagen, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết những nghiên cứu như thế này cho phép các nhà khoa học hiểu các tế bào tuyến tụy gặp vấn đề gì trong việc sản xuất insulin, dẫn đến bệnh tiểu đường. Những phát hiện mới có thể cho phép các nhà khoa học phát triển các phương pháp hiệu quả hơn để điều trị căn bệnh này.

Chen, người đã tham gia phát triển thuốc từ những năm 1990, tin rằng các nhà khoa học đang tiến gần đến việc tìm ra một bước đột phá trong điều trị bệnh tiểu đường. "Chúng tôi có những công nghệ mới đang phát triển, chẳng hạn như cấy ghép tuyến tụy và tế bào gốc", ông nói. Tuyến tụy nhân tạo - một công nghệ tiên tiến sử dụng bơm insulin và cảm biến để theo dõi lượng đường trong máu và theo đó cung cấp lượng insulin phù hợp cho bệnh nhân cũng đang được phát triển.

Các loại thuốc mới giúp ổn định cân bằng nội môi glucose (trạng thái cân bằng tương đối ổn định) trên bệnh nhân tiểu đường cũng đang được phát triển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, công nghệ lại không phải là giải pháp duy nhất cho dịch bệnh tiểu đường ngày càng tăng ở Trung Quốc. Sự thiếu nhận thức mới là lý do chính đằng sau sự gia tăng mạnh mẽ số ca mắc bệnh.

Tiến sĩ Li Chen nói: "Để giải quyết bệnh tiểu đường, chúng ta nên thay đổi cách suy nghĩ và thay đổi hành vi của mình bằng cách áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng thời gian tập thể dục và ngủ hằng đêm’. Ông nói thêm ‘các nhân viên y tế nên thông tin cho công chúng về căn bệnh này và những tác động của nó, đồng thời thúc giục họ thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như kiểm soát cân nặng".

"Nhờ vậy chúng ta thực sự mới có cơ hội tốt để ngăn chặn được bệnh tiểu đường".

Eric Cheung là một nhà báo hoạt động tự do tại Hồng Kông, hứng thú với các câu chuyện chính trị và xã hội. Tác phẩm của ông cũng đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông quốc tế khác bao gồm CNN International, Reuters, The Guardian và ABC News (America).

Hương Xuân
- Theo The Epoch Times.

 

 

 

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Dịch bệnh nào đã giết chết 843.000 người ở Trung Quốc trong năm 2017 và hiện đang tiếp tục gia tăng?