Để phòng bệnh tim mạch, cần chú trọng tới hệ vi sinh vật đường ruột

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày nay, các chuyên gia sức khỏe đã phát hiện ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy, probiotics-hệ vi sinh vật đường ruột, có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, và là yếu tố khởi phát của nhiều loại bệnh tật.

Cho đến nay, bệnh tiểu đường loại 2, hội chứng chuyển hóa và béo phì là một vài ví dụ minh chứng cho thấy tác động của hệ vi sinh vật đường ruột lên sức khỏe con người. Cả ba bệnh này đều có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch.

Trimethylamine-N-oxide

Bằng chứng thuyết phục nhất minh họa mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật và sức khỏe tim mạch liên quan đến một chất gọi là trimethylamine-N-oxide. Nó là một hợp chất hữu cơ được tạo ra bởi gan sau khi vi khuẩn trong đường ruột tiêu hóa một số chất dinh dưỡng, bao gồm choline, L-carnitine, và lecithin.

Choline, L-carnitine, và lecithin được tìm thấy trong các loại thực phẩm như sữa, thịt, trứng và cá. Nếu chúng ta ăn càng nhiều loại thực phẩm này, thì probiotics và gan sẽ sản xuất càng nhiều trimethylamine-N-oxide.

Trimethylamine-N-oxide cao (TMAO) có liên quan đến bệnh tiểu đường, xơ cứng động mạch, ung thư ruột kết, bệnh thận mãn tính và tăng nguy cơ biến cố tim mạch. Đồng thời, có mối liên quan giữa thành phần của probiotics và các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch như cao huyết áp, phản ứng viêm và sự chuyển hóa kém.

TMAO ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ tim mạch, và giúp dự đoán nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong trong tương lai ở người khỏe mạnh. Nếu mức độ TMAO càng cao, thì khả năng tích tụ cholesterol càng nhiều trong thành động mạch, do đó làm tăng nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.

Các nhà khoa học ở Cleveland Clinic đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện, những người có TMAO ở mức cao nhất thì nguy cơ gặp biến cố tim mạch lớn gấp 2,5 lần so với nhóm có mức TMAO thấp nhất trong suốt thời gian theo dõi, ba năm.

Những cách giúp chúng ta giảm TMAO

Chúng ta có thể thực hiện một số cách để giảm TMAO, giúp tạo ra probiotics khỏe mạnh hơn. Từ đó, tránh được một số biến cố tim mạch.

Thực hành chế độ ăn Địa Trung Hải, ăn chay: Nghiên cứu đã chỉ ra, những người ăn chay có hệ vi sinh vật đường ruột sản xuất TMAO ít hơn những người ăn thịt. Tương tự ở những người theo chế độ ăn Địa Trung Hải: Chủ yếu ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh, khẩu phần ít sữa hơn, ít thịt đỏ hơn và ăn cá, thịt gia cầm, đậu và trứng hàng tuần.

Tiêu thụ thêm Prebiotics và Probiotics: Prebiotics là chất xơ thực vật trong trái cây và rau quả giúp nuôi dưỡng probiotics, vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Nó đã được chứng minh trong các nghiên cứu trên động vật rằng prebiotics và probiotics có thể làm giảm TMAO. Một số nguồn thực phẩm chứa prebiotics bao gồm tỏi sống, tỏi tây, hành tây, rau bồ công anh, rễ rau diếp xoăn, măng tây và củ sắn. Probiotics có thể được tìm thấy trong các loại rau lên men (ví dụ: dưa cải bắp, kimchee), sữa chua, kefir và tempeh.

Bổ sung vitamin B và D: Ít nhất một nghiên cứu ở người đã chỉ ra rằng, việc bổ sung vitamin B (tức là, axit folic và vitamin B6 và B12) cùng với vitamin D3 (1.200 IU) làm giảm mức TMAO.

Sử dụng Resveratrol: Một loại polyphenol được tìm thấy nhiều trong vỏ của nho đỏ, rượu vang đỏ, quả mọng và đậu phộng. Resveratrol đã được chứng minh làm giảm nồng độ TMAO trong máu trên thí nghiệm động vật.

Thiện Đức
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Để phòng bệnh tim mạch, cần chú trọng tới hệ vi sinh vật đường ruột