ĐCSTQ hô hào tiêm vaccine cúm do Trung Quốc sản xuất, người dân nước này lo âu cảnh giác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã vướng phải vô số vụ bê bối liên quan đến vaccine bị lỗi, không đạt tiêu chuẩn. Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại "hô hào" người dân tiêm vaccine phòng cúm. Tuy nhiên người dân Trung Quốc có vẻ không thực sự hào hứng với chiến dịch này.

Ngày 14/9, tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết khoảng 30 triệu mũi tiêm phòng cúm được phân phát ở Trung Quốc mỗi năm. Năm nay, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường sản xuất để đảm bảo rằng sẽ “cung cấp đủ 50 triệu liều vaccine”, theo Zhang Hui, Phó giám đốc Viện Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc. Tuy nhiên ông Zhang vẫn cảnh báo rằng, ngay cả với sự gia tăng số lượng vaccine thì “tỷ lệ cung cấp chỉ tăng nhẹ lên 3,57%”.

Huang Yanzhong, một thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, cho biết: "Trong khi Trung Quốc có khả năng tăng cung cấp các liều vaccine cúm, thì nhu cầu trong dân chúng vẫn ở mức thấp do thiếu lòng tin, thiếu nhận thức của cộng đồng, khả năng tiếp cận kém cũng như chi phí cao”. Để được tiêm phòng cúm ở Trung Quốc, “hầu hết mọi người phải đến bệnh viện và trả khoảng 100 nhân dân tệ (342.000 VND)”.

Ông Xu Liang (68 tuổi) đến từ thành phố Vô Tích (tỉnh Giang Tô) cho biết ông vẫn chưa quyết định có nên tiêm phòng cúm vào mùa thu này hay không.

Ông Xu, người chưa từng được tiêm phòng vaccine cúm, giải thích: “Tôi đã nghe bạn bè bàn tán, rằng năm nay là năm đặc biệt vì có coronavirus và chúng tôi nằm trong nhóm nguy cơ cao. Nhưng 100 nhân dân tệ là quá nhiều với những người về hưu như tôi. Số tiền này đủ để gia đình tôi mua thực phẩm trong 5 ngày".

Mặc dù có những bệnh nền từ trước như huyết áp cao và một số căn bệnh khác khiến cho ông dễ bị nhiễm virus Corona Vũ Hán hơn, nhưng ông Xu vẫn do dự khi tiêm vaccine do Trung Quốc sản xuất.

Ông cho biết: “Tôi không biết nó hiệu quả như thế nào. Và tôi nghi ngờ chất lượng của nó. Tôi nhớ vài năm trước đã có những báo cáo đáng sợ về vaccine không đạt tiêu chuẩn”.

Ông Xu đang muốn đề cập tới công ty sản xuất vaccine Changchun Changsheng Bio-technology của Trung Quốc. Công ty này đã bán hơn 250.000 liều vaccine DPT ở tỉnh Sơn Đông trước khi các cuộc thử nghiệm vào tháng 11/2017 cho thấy một số vaccine không có tác dụng.

Changchun Changsheng đã bị chính quyền phạt 3,4 triệu nhân dân tệ (502.200 USD) vì cố ý bán vaccine không đạt chất lượng. Vaccine DPT giúp phòng ngừa bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván. Tại Trung Quốc, vaccine DPT được tiêm cho trẻ sơ sinh dưới ba tháng tuổi.

Agence France-Presse (AFP) đưa tin công ty này cũng đã từng bị phạt 1,3 tỷ USD vào năm 2018 vì ngụy tạo hồ sơ cho vaccine phòng bệnh dại ở người.

Tháng 8/2018, chủ tịch Tập Cận Bình đã đích thân chủ trì một cuộc điều trần của ĐCSTQ và bắt giữ ít nhất 40 quan chức chính phủ, trong đó có 7 quan chức cấp tỉnh, chịu trách nhiệm về vụ bê bối trên, 40 quan chức khác bị bãi nhiệm vì dính líu trong vụ tham nhũng.

Vụ bê bối của Changchun Changsheng Bio-technology đã gây ra làn sóng biểu tình công khai hiếm hoi ở Trung Quốc, nơi mà ĐCSTQ thường nhanh chóng dập tắt dù nó chỉ mới "manh nha".

Tháng 7/2018, hàng chục người dân giận dữ đã tụ tập bên ngoài các tòa nhà của Ủy ban Y tế Quốc gia Bắc Kinh và Cơ quan Quản lý Dược phẩm Quốc gia. Họ yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với các giám đốc điều hành dược phẩm và các quan chức ĐCSTQ, những người đã cho phép bán vaccine không đạt tiêu chuẩn cho dân chúng. Một số người biểu tình cũng thúc giục chính phủ cần phải minh bạch hơn.

Bất chấp các tuyên bố chính thức của ĐCSTQ cam kết rằng vaccine không gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, nhiều bậc cha mẹ vẫn khẳng định rằng con của họ bị ốm là do tiêm loại vaccine lỗi này. Theo báo cáo của AFP, vaccine DPT bị lỗi của công ty Changchun Changsheng đã "khiến một số trẻ em bị bại liệt".

Tháng 1/2019, một nhóm cha mẹ của 145 trẻ em mắc bệnh do tiêm vaccine bại liệt đã hết hạn sử dụng đã phẫn nộ bên ngoài Trung tâm y tế chính phủ Licheng ở Jinhu (tỉnh Giang Tô). Đoạn video cho thấy đám đông giận dữ đã đánh một quan chức y tế chính phủ bên ngoài tòa nhà.

Báo cáo của AFP hồi tháng 6 cho biết: “Một vài trường hợp bê bối vaccine khác cũng đã được báo chí Trung Quốc đưa tin trong năm ngoái, bao gồm vaccine giả ở một bệnh viện phía nam, và trẻ em bị tiêm nhầm loại vaccine ở tỉnh Hà Bắc”.

Mặc dù ĐCSTQ đang phải "vật lộn" để xoa dịu sự nghi ngờ của công chúng đối với vaccine do nước này sản xuất, họ vẫn "cao giọng" khẳng định rằng sẽ sớm cung cấp cho công chúng một loại vaccine coronavirus đã qua thử nghiệm của Trung Quốc.

Thanh Hương



BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ hô hào tiêm vaccine cúm do Trung Quốc sản xuất, người dân nước này lo âu cảnh giác