Đau mãn tính ở người trẻ: nhóm thiểu số thầm lặng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những người tham gia nghiên cứu cảm thấy sự kỳ thị mạnh mẽ khi họ bị đau mãn tính ở tuổi mà đáng lẽ căn bệnh này không nên xuất hiện...

Người trưởng thành trẻ tuổi luôn được gắn với hình ảnh trẻ trung, khỏe mạnh, sôi nổi và đương nhiên là không nhăn nhó do bị cơn đau hành hạ. Nhưng trong một nghiên cứu về sinh viên đại học chưa tốt nghiệp, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Alabama (Hoa Kỳ) đã phát hiện ra cơn đau mãn tính ở những người từ 18 đến 29 tuổi là phổ biến, và cũng thường bị bỏ qua.

Tiến sĩ Beverly Thorn là giáo sư tâm lý học và là chủ nhiệm nhóm quản lý đau của đại học Alabama. Bà ước tính rằng khoảng 25% thanh niên trải qua cơn đau mãn tính do chấn thương thể thao, tai nạn hoặc các chứng bệnh khác như chứng đau nửa đầu.

"Chúng tôi có nhóm thiểu số thầm lặng này... Họ đang trốn tránh, họ không muốn mọi người biết, họ muốn hòa nhập, họ muốn trở nên bình thường".

Trong nghiên cứu này, Thorn và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu nhóm 44 sinh viên đại học chưa tốt nghiệp. Những sinh viên này đã trải qua những cơn đau mãn tính hoặc đau tái phát có ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hay các hoạt động hàng ngày. Các nhà nghiên cứu đã hỏi những người tham gia về ảnh hưởng của cơn đau đối với các mối quan hệ và việc học của họ, cũng như cách họ đối phó với nó.

Khi phân tích các cuộc thảo luận cho các chủ đề phổ biến, các nhà nghiên cứu thấy rằng nỗi đau của sinh viên thường bị gia đình và bạn bè phớt lờ. Những người tham gia cũng cảm thấy sự kỳ thị mạnh mẽ khi họ bị đau mãn tính ở tuổi mà đáng lẽ căn bệnh này không nên xuất hiện. Điều này làm họ cảm thấy bị cô lập giữa bạn bè đồng trang lứa - những người khỏe mạnh.

Đáng chú ý là ở đây có những sinh viên thường đạt thành tích cao ở trường. Họ hay tự đẩy mình đến giới hạn thể chất và miễn cưỡng tìm kiếm sự trợ giúp y tế hoặc tâm lý, tất cả là để che giấu tình trạng của họ triệt để.

Shweta Kapoor đang thực hiện đề tài nghiên cứu cho học vị tiến sĩ về chủ đề này và cô cho biết:

"Trái ngược với những người lớn tuổi - người trẻ đang thực sự chạy trốn khỏi việc bị coi là mắc bệnh mãn tính".

Những người tham gia đã từ chối ý tưởng tìm kiếm chỗ ở từ Văn phòng Dịch vụ Người khuyết tật của trường đại học, do sự kỳ thị nhận thức liên quan đến cụm từ "khuyết tật", cô nói. Họ cũng tán thành giá trị tiềm năng của chương trình quản lý stress cho các sinh viên khác, nhưng không phải cho chính bản thân họ.

Trên thực tế, Kapoor nói, những người tham gia hiếm khi kết nối sự căng thẳng của họ với những cơn đau mà họ phải chịu đựng."Chúng tôi cần tìm nhiều cách tiếp cận với họ hơn vì họ thực sự cần sự giúp đỡ" - cô nói.

Và đại học là thời điểm quan trọng để can thiệp, giáo sư Thorn bổ sung thêm. "Nếu chúng ta có thể tiếp cận với họ từ bây giờ, có lẽ chúng ta có thể ngăn chặn tất cả các bệnh mãn tính và khuyết tật xảy ra sau này".

Hương Xuân
- Theo American Psychological Association.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Đau mãn tính ở người trẻ: nhóm thiểu số thầm lặng