Đạp xe hàng ngày: Biến nhược điểm thành ưu điểm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đến thế kỷ 21, những chiếc xe đạp thong thả dường như trái ngược với nhịp sống hối hả của xe máy, ô tô, máy bay, và tàu vũ trụ...

Xe đạp tưởng chừng rất chậm chạp và mất sức so với các phương tiện khác như ô tô hay xe máy, nhưng nếu nhìn từ góc độ thể chất và tinh thần thì đây lại là ưu điểm. Dưới đây là những lợi ích sức khỏe bạn sẽ nhận được nếu thường xuyên đạp xe đạp.

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Đạp xe buộc các cơ bắp phải hoạt động, bao gồm cả cơ tim. Ngoài ra, đạp xe cũng tương tự tập thể thao, làm tăng sự hiện diện của mỡ tốt trong cơ thể, giảm lượng mỡ xấu, nhờ vậy giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, đi làm bằng xe đạp giúp làm giảm nguy cơ tử vong nói chung lên tới 20%, trong đó giảm 24% nguy cơ tử vong đến từ bệnh tim mạch và giảm 16% nguy cơ do bệnh ung thư.

Giảm căng thẳng, chống trầm cảm

Đạp xe là một thú vui tao nhã. Tốc độ đạp xe không quá nhanh, bạn có thể thong dong đi giữa phố phường hay những cánh đồng quê, tận hưởng cảm giác thanh bình và rời xa ưu tư trong cuộc sống thường nhật. Đạp xe có lẽ thích nhất là vào buổi sáng sớm, khi không khí còn trong lành, đường xá còn vắng vẻ.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng căng thẳng không chỉ là một trạng thái tâm lý, nó thực sự gây nên những thay đổi thể chất như giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Việc đạp xe giúp thư giãn cực tốt, nhất là khi đạp xe trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ... (Pixabay)
Giảm cân, tốt cho khớp

Cũng như nhiều loại hình khác, đây còn là một hình thức giảm cân hiệu quả. Đạp xe với tốc độ ổn định sẽ đốt cháy khoảng 300 calo mỗi giờ. Mỗi ngày đạp xe nửa giờ có thể giúp giảm chắc chắn khoảng 5kg mỡ trong một năm.

Một ưu thế của đạp xe so với các bài tập chạy bộ hay aerobic là không đặt nhiều áp lực lên khớp. Đối với người già, người bị thoái khớp thì đạp xe là môn tập thích hợp mà không làm trầm trọng thêm bệnh khớp, hơn nữa sẽ làm mạnh cơ vùng gối. Người cao tuổi vẫn có thể vận động thường xuyên mà không gây nhiều ảnh hưởng đến khớp. Nhờ vậy đạp xe thường được sử dụng trong phục hồi chức năng sau chấn thương thể thao, hoặc trong các liệu pháp vật lý trị liệu như một biện pháp hồi phục khớp an toàn.

Tăng sức mạnh toàn thân

Đạp xe là một hình thức tập luyện cả thân trên và dưới. Đạp xe hiển nhiên giúp làm tăng sức mạnh cho đôi chân, bạn sẽ cảm nhận rõ ràng điều này khi phải leo bậc thang hay chạy bộ. Bên cạnh đó, đạp xe cũng góp phần huấn luyện phần trên của cơ thể. Khi đạp xe lên dốc hoặc những địa hình gồ ghề, 70% trọng lượng cơ thể sẽ dồn lên yên xe và tay lái, hơn là hông, gối và cổ chân.

Đạp xe là phương pháp trị liệu an toàn, giúp hồi phục cơ bắp hiệu quả... (Pixabay)
Giảm nguy cơ mắc ung thư, tiểu đường

Đạp xe cũng như các môn thể thao khác, giúp làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh. Nghiên cứu tiến hành tại Phần Lan đã phát hiện thấy việc đạp xe từ 30 phút trở lên mỗi ngày làm giảm gần một nửa nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2. Nhiều nghiên cứu khác cũng đều chỉ ra rằng, người lớn vận động thể chất nhiều hơn sẽ làm giảm 30-40% nguy cơ ung thư đại tràng, so với người ít vận động.

Đồng thời, còn có các nghiên cứu thuyết phục chứng minh bạn có thể giảm nguy cơ ung thư vú nhờ tập luyện thường xuyên. Tỷ lệ giảm này là khác biệt giữa các nghiên cứu, nhưng nhìn chung nằm trong khoảng từ 20-80%.

Kể cả đối với ung thư, số vòng bánh xe lăn càng nhiều, thì nguy cơ ung thư cũng càng giảm.

Đại Hải

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Đạp xe hàng ngày: Biến nhược điểm thành ưu điểm