COVID Pods: Cách người già tại Mỹ tránh bị cô lập trong lễ Giáng sinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh COVID-19 đang tái bùng phát mạnh mẽ tại Mỹ, người già là đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị cô lập, đặc biệt trước những chính sách phong tỏa trong lễ Giáng sinh 2020...

TS Richard Besdine đã thảo luận với vợ mình về một vấn đề mà người cao tuổi trong khoảng thời gian này thường xuyên nhắc đến, đó là việc liệu có nên gặp mặt gia đình và bạn bè nhân dịp Giáng Sinh này không? Điều này càng đặc biệt hơn trong năm nay - năm COVID-19.

TS Besdine đã 80 tuổi, là chủ nhiệm lâu năm của khoa lão tại Trường Y Alpert thuộc Đại học Brown. Vợ ông là bà Terrie Wetle đã 73 tuổi và cũng là một chuyên gia về lão hóa, là nhà đồng sáng lập của Trường Y tế Công cộng Brown. Cả hai đều thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm COVID-19, nên họ thận trọng khi cân nhắc về điều này.

Besdine nghĩ rằng việc gặp mặt người thân là nên làm, miễn là mọi người đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa trong đại dịch. Vợ ông thì không tin rằng nó đủ an toàn, vì nguy cơ lây nhiễm virus ở trong nhà rất cao.

“Chúng tôi khác nhau, nhưng tôi tôn trọng sự do dự của cô ấy, vì vậy chúng tôi không tranh cãi.” - TS Besdine cho biết.

Người lớn tuổi dù sống một mình hay có bạn đời, dù sức khỏe tốt hay không tốt, dù trong hoàn cảnh nào cũng đều đang phải cân nhắc vấn đề tương tự khi bầu không khí đang ngày càng ảm đạm. Tình trạng các ca nhiễm virus Vũ Hán đang tăng nhanh trên khắp thế giới.

Hiệu ứng COVID-19 ảnh hưởng đến người già như thế nào?

Rất nhiều người lớn tuổi đã lên kế hoạch sống một mình trong suốt mùa dịch COVID-19 và sẽ tận hưởng lễ Tạ Ơn một mình.

Judith Rosenmeier là một góa phụ 84 tuổi ở Boston. Bà đã sống sót sau 3 đợt ung thư vú, và trong Giáng sanh năm nay, bà không có ý định mời bạn bè đến căn hộ của mình hoặc đi thăm họ.

Bà Judith Rosenmeier cho biết: “Bác sĩ ung thư của tôi đã nói khi đại dịch mới bắt đầu: Bà thực sự phải ở nhà nhiều hơn những người khác vì hệ miễn dịch - hệ thống phòng thủ của bà đã bị phá hủy rất nhiều bởi các liệu pháp điều trị (ung thư vú)”.

Bà chia sẻ thêm: “Có khả năng tôi sẽ ở một mình vào Lễ Tạ ơn và Giáng sinh, nhưng tôi sẽ sống sót”.

Tuy nhiên, hai nhà tâm lý học Leni de Mik và Brenda Hartman, 79 và 65 tuổi, ở Minneapolis-St. Paul (Mỹ) thì đang kêu gọi mọi người nên chú ý đến cái mà họ gọi là SILOS. Đây là từ viết tắt của nhóm Single Individuals Left Out of Social circles - những cá nhân đơn lẻ bị loại ra khỏi vòng kết nối xã hội. Các nhà tâm lý học nhắc nhở mọi người về nhu cầu tiếp xúc xã hội của những cá nhân này trong mùa đông.

Thực sự, đại dịch COVID-19 đã làm tình trạng trầm cảm, cô đơn và các vấn đề về tâm lý gia tăng mạnh ở các quốc gia. Tại Mỹ, riêng trong tháng Ba, CNN cho biết số cuộc gọi đến đường dây nóng hỗ trợ thảm họa đã tăng 891%. Còn ở Singapore, đường dây nóng chăm sóc quốc gia đã nhận được 23.000 cuộc gọi tư vấn về vấn đề tài chính lẫn tâm lý liên quan đến dịch COVID-19 kể từ tháng Tư.

Không chỉ do lo sợ nhiễm COVID-19, theo WHO, các biện pháp chống dịch như cách ly, hạn chế tiếp xúc, ở nhà thường xuyên có thể làm gia tăng thêm sự cô đơn, trầm cảm, mất ngủ, hoặc thậm chí tự tử ở những nhóm đối tượng dễ tổn thương trong đó có người già.

Điển hình là trường hợp diễn viên gội cội Takashi Fujiki của Nhật, phải tự sát ở tuổi 80 sau nhiều tháng sống cô đơn trong nhà.

Trước tình hình đó, nhà tâm lý học Hartman chia sẻ: “COVID-19 mang đến sự sống và cái chết ngay trước mặt chúng ta, và khi điều đó xảy ra, chúng ta có cơ hội đưa ra những lựa chọn quan trọng - cơ hội để chăm sóc lẫn nhau”.

Cách ứng phó COVID-19: Pods

Trái ngược với nhiều người sống một mình qua đại dịch, một số người già đang hình thành những nhóm nhỏ trên mạng gọi là “Pods”: các nhóm nhỏ này tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa và lên kế hoạch gặp nhau trực tiếp.

Joan Doucette, 82 tuổi, cùng chồng là Harry Fisher đã 84 tuổi quyết tâm duy trì các mối quan hệ xã hội trực tiếp. Họ đã thành lập một Pods với hai cặp vợ chồng khác trong một tòa nhà chung cư nhỏ gồm chín hộ. Tất cả đều là thành viên của Beacon Hill Village, một tổ chức cung cấp các dịch vụ tại chỗ khác nhau cho người cao tuổi.

“Chúng tôi luôn chạy lên và xuống cầu thang hoặc thang máy và mang bánh hoặc súp cho nhau. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ sống sót sau đại dịch này nếu không có sự đồng hành đó.” - bà Doucette nói.

Khoảng một lần một tuần, các cặp vợ chồng già ăn tối cùng nhau và "chúng tôi không đeo khẩu trang", Jerry Fielder, 74 tuổi, người đã chuyển đến Boston 2 năm trước cùng người bạn đời của ông chia sẻ.

Ông Fielder cho biết mình cảm thấy an toàn vì "chúng tôi biết mọi người đi đâu và làm gì: Tất cả chúng tôi đều ở trên cùng một nhóm. Chúng tôi đi dạo mỗi ngày, tất cả chúng tôi. Nếu không, chúng tôi sẽ phải rất thận trọng”.

Eleanor Weiss, 86 tuổi và chồng cũng là thành viên của một nhóm Pods. Weiss nói: “Tôi đeo khẩu trang, giữ khoảng cách nhưng không tự cô lập mình. Mùa đông này, tôi sẽ gặp một vài người bạn thân và ba cô con gái sống ở khu vực Boston”.

Bà chia sẻ thêm con gái mình sẽ tổ chức Lễ Tạ ơn tại nhà và các vị khách sẽ xét nghiệm COVID-19 trước đó. “Tất cả chúng tôi đều cẩn thận. Chúng tôi không ôm và hôn nhau”.

Julie Freestone 75 tuổi và chồng là Rudi Raab 74 tuổi đều “khá cuồng tín” về việc giữ an toàn trong đại dịch. Cặp đôi này đã mời 6 người bạn đến tham dự Lễ Tạ ơn vào tháng trước - trong sân sau của họ ở Richmond, California.

“Thay vì sơ đồ chỗ ngồi, năm nay tôi có sơ đồ các đĩa đồ ăn và tôi đã lên trước trước thực đơn cho mọi thứ” Freestone nói. “Tôi yêu cầu mọi người cho tôi biết họ muốn gì - Thịt trắng hay thịt đỏ? Cải Brussels hay bông cải xanh?”

Mùa đông này, Freestone sẽ đến thăm nhà mọi người theo nhóm. Một là “hội chị em” thường gặp nhau hàng tháng, họ đã họp cùng nhau qua Zoom. “Theo cách nào đó, tôi cảm thấy chúng tôi đã thân thiết nhau ở một mức độ mới, bởi vì mọi người đang phải vật lộn với rất nhiều vấn đề - và tất cả chúng ta đang nói về điều đó”.

Đây chính là điều mà hai nhà tâm lý học Leni de Mik và Brenda Hartman khuyên những người cao tuổi. Người già neo đơn nên tiếp cận với những người có cùng chung sở thích - ví dụ như những người mà họ có thể đã gặp ở nhà thờ, hoặc trong câu lạc bộ sách, hoặc lớp học nghệ thuật - và cố gắng nhóm thành một Pods.

Họ cũng khuyên gia đình hoặc bạn bè nên mời người già thân quen vào nhóm Pods để dễ trao đổi, nói chuyện, động viên và giúp đỡ họ vượt qua mùa dịch COVID-19.

Do Judith Graham, chủ bút chuyên mục đóng góp của KHN, đã viết cho The New York Times, Chicago Tribune, Stat, The Washington Post, Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, và một số tạp chí khác. Cô được đề cử giải Pulitzer cho loạt bài của Denver Post về máy trợ tim bị lỗi.

Thiện Đức
- Theo Bluezones.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

COVID Pods: Cách người già tại Mỹ tránh bị cô lập trong lễ Giáng sinh