COVID-19: Xét nghiệm có thể dương tính với xác của virus

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 có độ nhạy rất cao, nhưng đây cũng là yếu điểm khi không phân biệt được giữa virus sống với các mảnh xác của virus ‘đã chết’...

Hầu hết mọi người chỉ bị lây nhiễm trong khoảng một tuần, nhưng kết quả xét nghiệm dương tính vài tuần sau đó. Xét nghiệm chính hiện tại không thể phân biệt được virus sống hay chỉ là xác của virus - mảnh virus đã chết.

Các mảnh xác của virus Vũ Hán này vẫn cho kết quả dương tính với các xét nghiệm. Đây là một phần lý do khiến số ca mắc bệnh tăng lên hàng ngày trong khi số bệnh nhân COVID-19 nhập viện trên thế giới vẫn tương đối ổn định. Nói cách khác, điều này có thể dẫn đến ước tính quá mức về quy mô của đại dịch COVID-19.

Chẩn đoán nhiễm COVID-19 là như thế nào?

Hiện nay, xét nghiệm chính để chẩn đoán COVID-19 là PCR - phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược - cực kỳ hiệu quả trong việc phát hiện vật chất di truyền của virus (RNA) với độ đặc hiệu và độ nhạy cao. Độ đặc hiệu cao có nghĩa là PCR rất ít khi cho kết quả dương tính giả; độ nhạy cao là nó dễ dàng phát hiện thấy sự hiện diện của virus.

Tuy nhiên, không có xét nghiệm virus nào cho kết quả chính xác 100%, đặc biệt là bên ngoài môi trường phòng thí nghiệm.

Rủi ro của dương tính giả

Khi được xét nghiệm COVID-19, chúng ta chỉ nhận được câu trả lời "có" hoặc "không". Kết quả xét nghiệm này không cho thấy có bao nhiêu virus trong mẫu xét nghiệm, hoặc lượng virus vẫn đang hoạt động là bao nhiêu.

Một người nhiễm bệnh thực sự thì có một lượng lớn virus vẫn đang hoạt động, còn một người đã khỏi bệnh thì sẽ còn mảnh xác của virus đã chết sót lại. Tuy nhiên đối với xét nghiệm, cả hai trường hợp này đều sẽ nhận được cùng một kết quả dương tính. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng gọi là dương tính giả-xét nghiệm dương tính với xác của virus.

Theo giải thích của giáo sư Carol Shoshkes Reiss thuộc khoa Sinh học của trường Đại học New York: "Mặc dù một người có thể hồi phục và không còn bị nhiễm virus COVID-19 nữa. Nhưng họ vẫn có thể mang trong người những đoạn nhỏ RNA của virus (không hoạt động). Điều này sẽ cho kết quả xét nghiệm dương tính".

Giáo sư Peter Openshaw của trường Đại học Hoàng gia London cho biết PCR là một phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus nên có độ nhạy cao. Ông nói: “Xét nghiệm PCR dương tính không phải là bằng chứng về sự lây nhiễm. Nhưng có sự đồng thuận trên lâm sàng là bệnh nhân rất khó có khả năng lây nhiễm sau ngày thứ 10 của bệnh".

Cần thêm xét nghiệm để loại trừ rủi ro dương tính giả

Trung tâm Y học thực chứng của Đại học Oxford đã xem xét 25 nghiên cứu. Trong các nghiên cứu này, mẫu virus từ các xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính được nuôi cấy. Cách làm này sẽ cho biết virus liệu có đang thực sự hoạt động hay không hay chỉ là một mảnh virus đã chết.

Cơ quan Y tế Công cộng của Anh đã đồng ý rằng phương pháp nuôi cấy virus sẽ là một cách hữu ích để đánh giá kết quả dương tính của các xét nghiệm PCR. Nước Anh gần đây cũng cho biết họ đang tiến hành phân tích theo cách này.

Bên cạnh đó, nhằm giảm nguy cơ dương tính giả, Cơ quan Y tế Công cộng Anh đang làm việc thêm với các phòng xét nghiệm. Họ đang cân nhắc việc giới hạn chu kỳ xét nghiệm hay đặt lại ngưỡng phát hiện virus của các bộ xét nghiệm.

Mặc dù, không thể kiểm tra hết mọi xét nghiệm để xem liệu có virus đang hoạt động hay không. Nhưng có thể làm giảm kết quả dương tính giả khi tìm ra được ngưỡng giới hạn mới phát hiện virus. Các nhà khoa học đang tiến hành công việc này.

Minh Sang
- Theo BBC.



BÀI CHỌN LỌC

COVID-19: Xét nghiệm có thể dương tính với xác của virus