COVID-19: Đột biến virus Vũ Hán đang diễn ra theo chiều hướng nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà nghiên cứu tin rằng đột biến sẽ khiến virus lây lan nhanh hơn nhưng độc lực lại giảm...

Virus có khả năng đột biến cao. Chẳng hạn virus cúm, chúng đột biến nhanh tới mức vaccine cúm hàng năm cũng luôn phải thay đổi để thích ứng. Người cũng có tỷ lệ đột biến, khoảng 0.001%, còn virus Corona thì khoảng 0.02%. Rõ ràng, virus Corona có khả năng đột biến cao hơn chúng ta rất nhiều. Liệu các đột biến của SARS-CoV-2 có khiến nhân loại hụt hơi trong cuộc chiến với COVID-19?

Vaccine liệu có bị vô hiệu hóa?

Một vấn đề đáng lo ngại là virus có khả năng đột biến để “sinh tồn”, để kháng thể hay đội quân miễn dịch được huấn luyện bởi vaccine cũ không nhận ra kẻ địch trong phiên bản mới đã đột biến. Điều này xảy ra ở rất nhiều loại virus, điển hình nhất là cúm. Do đó, vaccine cúm luôn được thay đổi mỗi năm để thích ứng với những biến đổi của các chủng virus lưu hành.

Khi SARS-CoV-2 có biến thể mới và phát sinh những đặc tính sinh học riêng biệt, đã có những lo ngại về việc cần các loại vaccine khác nhau cho các biến thể khác nhau.

May mắn thay, một nghiên cứu mới đây đã cho thấy [2]: "Đột biến sẽ không gây mất hiệu lực của vaccine trong các thử nghiệm lâm sàng". Theo đó, dù virus đã đột biến, nhưng trong đa số các trường hợp chúng vẫn giữ lại phần đặc trưng, đủ để đội quân miễn dịch do vaccine tạo ra nhận biết được. Còn một điểm may mắn khác là virus Vũ Hán có tốc độ đột biến rất chậm so với virus cúm.

Thuốc kháng virus liệu còn hiệu quả?

Mới đầu các chuyên gia tìm đến các loại thuốc sẵn có để điều trị virus Vũ Hán. Chẳng hạn như dexamethasone giúp ngăn ngừa phản ứng miễn dịch thái quá của cơ thể, hay thuốc remdesivir để nhắm trực tiếp vào virus.

Các nghiên cứu trước đó đã phát hiện thấy hai chủng đột biến của virus khiến chúng kháng lại remdesivir. Trái lại, nghiên cứu của Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London lại không phát hiện thấy đột biến nào như vậy.

Theo báo cáo của một nghiên cứu phân tích sơ bộ trình tự gen của SARS-CoV-2, không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy việc đột biến có thể khiến virus trở nên kháng thuốc. Chẳng hạn remdesivir, một loại thuốc kháng COVID-19, hiện đang mang lại hiệu quả. Từ phía virus Vũ Hán, các chủng đột biến mà chúng ta đã phân lập dường như đáp ứng tốt với điều trị bằng remdesivir.

Dù vậy, các nhà khoa học vẫn quan ngại việc sử dụng thuốc này rộng rãi có thể sẽ gây áp lực chọn lọc lên virus, góp phần tạo ra đột biến. Vì vậy, việc theo sát các đột biến này là rất quan trọng.

Vấn đề xét nghiệm

Để chẩn đoán một người nhiễm virus, các xét nghiệm cần kiểm tra trình tự gen. Nhìn chung, mỗi chủng virus sẽ có các mục tiêu gen được nhắm vào khác nhau. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cần tìm kiếm những đột biến có thể dẫn đến kết quả âm tính giả.

Điều phức tạp là những đột biến này rất đa dạng và có sự phân bố địa lý mạnh mẽ. Các nhà khoa học luôn phải lưu ý từng chủng virus lưu hành tại riêng từng khu vực khi cân nhắc sử dụng các xét nghiệm. Đặc biệt là khi du lịch quốc tế được nới lỏng, các chuyên gia lại càng cảnh giác hơn trước nguy cơ nhập khẩu thêm chủng virus lạ.

Độc lực

Trước khi G614 trở thành biến thể thống trị toàn cầu như hiện nay, các nhà nghiên cứu tại Đại học New York (NYU) Langone Health [3] đã từng quan sát thấy rằng, các quốc gia có tỷ lệ nhiễm G614 cao hơn sẽ có tỷ lệ tử vong cao hơn. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa tìm ra mối liên quan đáng kể nào của đột biến với mức độ nghiêm trọng của bệnh. Do đó, biến thể G614 có thể dễ lây nhiễm hơn, nhưng chưa hẳn nguy hiểm hơn D614.

Ngoài ra, còn một hạn chế khác mà các nhà khoa học đang gặp phải, đó là những sai lệch trong cơ sở dữ liệu về trình tự bộ gen hiện có. Các mẫu virus phần lớn được lấy từ những bệnh nhân nặng, do đó vẫn chưa thể đánh giá chính xác mối liên hệ giữa những đột biến cụ thể với mức độ tiến triển của bệnh.

Trước khi một bộ dữ liệu lớn về giải trình tự gen của các bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng được thêm vào từ nhiều quần thể người khác nhau, chúng ta khó có thể đánh giá được mối liên hệ giữa đột biến và mức độ nặng của bệnh

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu tin rằng đa phần các đột biến sẽ khiến virus dễ lây lan nhưng lại làm giảm đi độc lực. Dù vậy Giáo sư Erica Ollmann Saphire thuộc Viện miễn dịch La Jolla, California, Hoa Kỳ cho rằng khuynh hướng đột biến này vẫn còn chưa chắc chắn, chủng virus mới sẽ biến đổi ra sao vẫn là điều khó đoán biết, vì “đột biến là các sự kiện ngẫu nhiên”.

Rất nhiều nỗ lực trên thế giới đều đổ dồn vào virus Vũ Hán đang gây nên đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên các đột biến trong tương lai sẽ theo diễn ra theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực đối với nhân loại, vẫn là câu hỏi chưa có hồi đáp.

Tài liệu tham khảo:

      1. Tầm soát bùng phát dịch SARS-CoV-2, thông tin chi tiết về trình tự bộ gen được thu thập trên quy mô lớn
      2. Chủng đột biến Spike D614G làm tăng tính nhạy cảm SARS CoV-2.
      3. Chủng đột biến G614 của SARS‐CoV‐2 cho thấy tỷ lệ tử vong cao hơn.
      4. Ý nghĩa của đột biến virus Corona đối với chúng ta.
      5. Đột biến D614G có ý nghĩa gì đối với sự lây lan, tỷ lệ tử vong, việc điều trị và chế tạo vaccine COVID-19
      6. Có bao nhiêu chủng đột biến COVID-19?

Đại Hải



BÀI CHỌN LỌC

COVID-19: Đột biến virus Vũ Hán đang diễn ra theo chiều hướng nào?