COVID-19: Cách ly khiến trẻ có nguy cơ bị dị ứng, hen suyễn và bệnh tự miễn dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lệnh giãn cách xã hội kéo dài do COVID-19 đã khiến trẻ em không có cơ hội giao tiếp hay chơi đùa tại công viên, trường học…, vì vậy việc giảm cơ hội tiếp xúc với bên ngoài đã khiến hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm.

"Ăn bẩn!" là một cụm từ tôi nhớ rõ. Cụm từ này nằm trong tiêu đề của một bài báo được xuất bản bởi Tiến sĩ Scott T. Weiss, giáo sư sức khỏe môi trường của Đại học Harvard. Tôi đã thực sự bị thu hút bởi cụm từ này khi đang tìm hiểu về một khái niệm miễn dịch học được gọi là “Thuyết vệ sinh ”.

Cốt lõi của ý tưởng này là chúng ta đang sống trong một thế giới đầy vi sinh vật, từ vi khuẩn, ký sinh trùng, virus đến vi nấm. Và những tương tác của chúng ta với những vi sinh vật này sau khi sinh là vô cùng quan trọng để giáo dục hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường. Khi được sinh ra, hệ thống miễn dịch của chúng ta vẫn đang tiếp tục tự hoàn thiện.

Tôi thích cách các nhà nghiên cứu do nhà vi sinh vật học Sally F. Bloomfield dẫn đầu đã thể hiện điều đó trong nghiên cứu của họ:

Hệ thống miễn dịch là một thiết bị học tập, và khi mới sinh ra, nó giống như một máy tính với phần cứng và phần mềm nhưng có ít dữ liệu. Dữ liệu bổ sung phải được cung cấp trong những năm đầu đời, thông qua việc tiếp xúc với các vi sinh vật đến từ người khác và môi trường tự nhiên.

Hệ thống miễn dịch và môi trường xung quanh

Hệ thống miễn dịch có nhiều cơ chế mạnh mẽ để tiêu diệt mầm bệnh. Nhưng nó cần được quản lý cẩn thận để đảm bảo có thể loại bỏ các vi khuẩn nguy hiểm ra khỏi cơ thể mà không gây hại quá mức cho các mô của cơ thể. Những tương tác với môi trường trong giai đoạn đầu đời là điều cần thiết để hệ thống miễn dịch học cách phân biệt vi khuẩn lành và nguy hiểm.

Cơ thể chúng ta chứa nhiều vi sinh vật, bình thường chúng chung sống vui vẻ và giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Nếu trẻ nhỏ không được tiếp xúc đầy đủ với thế giới vi sinh vật xung quanh thì khả năng điều chỉnh hệ thống miễn dịch của trẻ có thể bị tổn hại.

Nói cách khác, lấy ví dụ tương tự trên máy tính, dữ liệu được tải lên phần mềm chưa hoàn chỉnh. Việc thiếu dữ liệu có thể khiến hệ thống miễn dịch dễ “nhầm lẫn” không phân biệt được đâu là virus, vi khuẩn có hại cần loại bỏ, đâu là có lợi, an toàn không cần phản ứng lại. Nói một cách dễ hiểu, tình huống này sẽ dẫn đến các căn bệnh dị ứng, hen suyễn và các bệnh tự miễn dịch ở trẻ quá sạch sẽ.

Những “khu rừng” bê tông

Các nhà khoa học đang tránh sử dụng thuật ngữ Thuyết vệ sinh vì nó có thể bị hiểu sai lầm thành vệ sinh không tốt cho hệ miễn dịch đang phát triển. Điều này không đúng, và cũng không nên ủng hộ việc ăn uống bẩn, thiếu vệ sinh để tạo “cơ hội” tiếp xúc với vi khuẩn. Điều độ và vệ sinh hợp lý sẽ là tốt nhất.

Nhiều quốc gia đã áp dụng nhiều hành vi hạn chế tiếp xúc với vi khuẩn. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh làm trầm trọng thêm tình trạng này bằng cách loại bỏ tất cả các vi khuẩn bao gồm cả vi khuẩn tốt. Cụ thể, chúng ta cần vệ sinh đúng cách nhằm ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nhưng vẫn cho phép hệ thống miễn dịch tương tác với các vi khuẩn lành và thiết yếu.

Hậu quả của tình trạng này là nhiều quốc gia có thu nhập trung bình có tỷ lệ người nhiễm dị ứng tăng mạnh trong vài thập kỷ qua. Điều này một phần là do gia tăng quá trình đô thị hóa, khiến chúng ta sống trong những “khu rừng “bê tông và làm giảm tiếp xúc với môi trường tự nhiên.

Giải pháp đối phó dịch dị ứng trong đô thị

Bloomfield và nhóm các nhà nghiên cứu vi sinh học của mình đưa ra một số gợi ý về cách đối phó với sự gia tăng bệnh dị ứng.

Bằng chứng cho thấy sự kết hợp các chiến lược bao gồm sinh con tự nhiên, cho con bú, tăng cường tiếp xúc với xã hội thông qua thể thao, các hoạt động ngoài trời khác, ít thời gian ở trong nhà hơn, chế độ ăn uống và sử dụng kháng sinh thích hợp, có thể giúp khôi phục hệ vi sinh vật và có thể giảm nguy cơ mắc bệnh dị ứng.

Bloomfield cho biết thêm: “Các nỗ lực phòng ngừa phải tập trung vào giai đoạn đầu đời”.

Trong đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách cách ly và phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, tuy nhiên chính cách làm này lại mâu thuẫn với các khuyến nghị nhằm đảm bảo sự phát triển miễn dịch thích hợp ở trẻ em.

Dữ liệu cho thấy, SARS-CoV-2 không gây nguy hiểm nhiều hơn cho trẻ em so với bệnh cúm mùa. Tuy nhiên, trẻ em đã bị hạn chế tương tác xã hội, trong đó bao gồm cả việc cho trẻ nghỉ học.

Trẻ không được tham gia hầu hết các hoạt động ngoại khóa, và phải ở trong nhà thường xuyên trong suốt mùa dịch. Ngay cả thở, trẻ phải hít thở thường xuyên bằng khẩu trang, đặc biệt phải rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc nước sát trùng tay nhanh.

Phát triển hệ miễn dịch suy giảm

Hầu hết các chính sách COVID-19 đã tối đa hóa tiềm năng phát triển hệ thống miễn dịch kém hoàn thiện của trẻ em. Là một nhà miễn dịch học về virus, tôi không quá lo lắng về điều này trong giai đoạn đầu của đại dịch, khi các biện pháp “tạm thời” của chính phủ được đưa ra để “làm phẳng đường cong

Tuy nhiên, vẫn có lý do để lo ngại một năm sau đó, sau khi nhiều nơi ở Canada và các quốc gia khác đã trải qua nhiều tháng bị phong tỏa hoặc giãn cách xã hội và các hoạt động khác nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Hệ thống miễn dịch của trẻ em bị ảnh hưởng trong suốt một năm qua, và hệ miễn dịch càng non nớt thì càng dễ bị rối loạn trong giai đoạn đại dịch.

Ví dụ, vấn đề này có thể phổ biến ở trẻ sơ sinh hơn là trẻ mới biết đi. Mặc dù, hệ thống miễn dịch của con người phần lớn trưởng thành vào khoảng 6 tuổi, một số thành phần quan trọng vẫn tiếp tục phát triển ở tuổi vị thành niên. Do đó, người lớn là những người duy nhất có thể chắc chắn hệ thống miễn dịch của mình không bị tác động tiêu cực bởi các chính sách cách ly hiện tại.

Việc nuôi dạy trẻ em trong thời kỳ đại dịch COVID-19 chủ yếu xảy ra trong môi trường cách ly và vệ sinh chưa từng có về mức độ và thời gian. Những đứa trẻ này có nguy cơ phát triển chứng quá mẫn cảm và các bệnh tự miễn cao hơn so với thế hệ trẻ trước đó. Hệ thống miễn dịch của trẻ em không được thiết kế để phát triển tách biệt khỏi thế giới vi sinh vật.

Byram W. Bridle là phó giáo sư về miễn dịch học vi rút tại khoa bệnh học tại Đại học Guelph ở Canada. Bài báo này được xuất bản lần đầu tiên trên The Conversation.

Thiện Đức

Theo ET tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

COVID-19: Cách ly khiến trẻ có nguy cơ bị dị ứng, hen suyễn và bệnh tự miễn dịch