Công bố dữ liệu COVID-19 về nhi khoa đầu tiên tại Hoa Kỳ: Trẻ em ít bị nặng hơn người lớn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, các nhà nghiên cứu của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) đã tuyên bố: “Trẻ em ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hơn người lớn”. Thông tin này nằm trong bộ dữ liệu về nhi khoa đầu tiên liên quan COVID-19 do các quan chức y tế công cộng Hoa Kỳ công bố....

Theo dữ liệu được thu thập từ 2572 trẻ em dưới 18 tuổi ở Hoa Kỳ- tính đến ngày 02/04, trong tổng số 149.082 trường hợp đã được xác nhận nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán, chưa có trường hợp trẻ em nào tử vong. Trẻ em chiếm 22% dân số nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh chỉ có 1,7%.

Dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy, trẻ em bị nhiễm COVID-19 ít nghiêm trọng hơn, và biểu hiện triệu chứng cũng khác biệt so với người lớn. Cả hai đặc điểm trên được củng cố bởi báo cáo trên của Hoa Kỳ: ít trẻ em nhiễm virus cần được chăm sóc tại bệnh viện, và ít có trẻ em nào có đủ 3 triệu chứng chính như ở người lớn: sốt, ho, khó thở.

Một cậu bé đi ngang qua các nhân viên y tế khi họ tiếp nhận bệnh nhân tại khu vực tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus CCP tại Trung tâm y tế Maimonides ở thành phố New York vào ngày 6 tháng 4 năm 2020... (Spencer Platt / Getty Images)

Chỉ một nhóm nhỏ bệnh nhi phải nhập viện và có các triệu chứng tiền triệu (có triệu chứng trước khi phát hiện bệnh). Nhưng theo các nhà nghiên cứu, những dữ liệu này “củng cố việc trẻ em nhiễm COVID-19 ít được ghi nhận sốt hay ho thường xuyên như ở người lớn, giống như những phát hiện trước đây… và hầu hết các trường hợp nhiễm COVID-19 ở trẻ em là không nghiêm trọng”.

Gần 1/3 (33,3%) các trường hợp nhiễm virus xảy ra ở trẻ em là từ 15 đến 17 tuổi, còn độ tuổi từ 10 đến 14 tuổi chiếm 27%. Hàng trăm trường hợp đã xảy ra ở trẻ sơ sinh và các nhóm tuổi khác.

Trong tổng số 745 bệnh nhi đến khám tại bệnh viện, có từ 5,7% đến 20% trẻ phải nhập viện, và 2% hoặc ít hơn trẻ cần được chăm sóc đặc biệt, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ này ở người lớn (10-33% phải nhập viện và 1,4-4,5% bị đưa vào các đơn vị chăm sóc đặc biệt). Nhóm trẻ dưới 1 tuổi hoặc có bệnh lý nền là nhóm có tỷ lệ cao nhất cần được chăm sóc tại bệnh viện.

Trong số 345 trường hợp có các bệnh lý nền, 80 bệnh nhi có ít nhất một bệnh. Phổ biến nhất là bệnh phổi mãn tính như hen suyễn, bệnh tim mạch và suy giảm miễn dịch.

Một người đàn ông điều chỉnh khẩu trang bảo vệ trẻ em ở thành phố New York vào ngày 5 tháng 4 năm 2020... (Cindy Ordt / Getty Images)

Có 3 trường hợp thanh thiếu niên tử vong có xét nghiệm COVID-19 dương tính, các trường hợp này cũng được tính vào số liệu nhi khoa tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn đang xem xét lại nguyên nhân tử vong của các trường hợp này. Tử vong do COVID-19 ở trẻ em là cực kỳ hiếm.

Vào tháng Hai, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, tương đối ít trẻ em bị nhiễm virus Vũ Hán, và hầu hết trẻ em bị nhiễm bệnh thì không có triệu chứng hay có triệu chứng nhẹ.

Những hướng dẫn sức khỏe cộng đồng gần đây đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài. Nguyên nhân là ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, virus có thể lây truyền từ những người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng.

CDC tuyên bố: “Vì những người mắc bệnh không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ, bao gồm cả trẻ em, có khả năng đóng vai trò lây truyền COVID-19 trong cộng đồng, nên cách ly xã hội và các hành vi phòng ngừa hàng ngày được khuyến cáo ở mọi lứa tuổi để làm chậm sự lây lan của virus, bảo vệ hệ thống y tế khỏi bị quá tải, đồng thời bảo vệ người già và cộng đồng khỏi nguy cơ nhiễm bệnh nghiêm trọng”.

Trong một báo cáo khác được ban hành trong tuần này, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận rằng, không có bằng chứng nào cho thấy phụ nữ mang thai có thể truyền virus cho thai nhi. Tuy nhiên, họ cũng kêu gọi xét nghiệm COVID-19 cho phụ nữ mang thai đang điều trị tại các đơn vị sản khoa, vì nhiều thai phụ nhiễm virus mà chưa có biểu hiện triệu chứng.

Mỹ Tâm
- Theo The Epoch Times.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Công bố dữ liệu COVID-19 về nhi khoa đầu tiên tại Hoa Kỳ: Trẻ em ít bị nặng hơn người lớn