Dương tính với khuẩn Helicobacter pylori (HP), liệu có thể chữa khỏi hay không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Helicobacter pylori có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày mãn tính, thậm chí là tác nhân có liên quan đến ung thư dạ dày. Thực tế không phải ai cũng xuất hiện các triệu chứng trên dù nhiễm khuẩn HP, và việc điều trị cũng có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ. Vậy trong trường hợp nào thì người bệnh cần điều trị dứt điểm, ngoài ra có thể chữa khỏi được không?

1 - Helicobacter pylori có mối liên quan đến ung thư dạ dày

Nhiễm Helicobacter pylori có liên quan mật thiết đến sự xuất hiện của ung thư dạ dày. Helicobacter pylori tiết ra urease và độc tố của vi khuẩn, có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày mãn tính và có thể dẫn đến teo niêm mạc dạ dày và chuyển sản ruột. Những bệnh như vậy cuối cùng có thể gây ra ung thư dạ dày.

Không phải tất cả những người bị nhiễm Helicobacter pylori sẽ có triệu chứng giống như trên, và hầu hết mọi người có thể không phát triển các triệu chứng tương tự trong suốt cuộc đời của họ. Tuy nhiên, tỷ lệ loại bỏ triệt để vi khuẩn này không cao, cũng có thể có nguy cơ phản ứng phụ. Vì vậy, đối với những người bị nhiễm Helicobacter pylori, nếu không có biến chứng và triệu chứng, các bác sĩ đều không khuyến khích điều trị loại bỏ hoàn toàn. Thay vào đó, phương pháp điều trị sẽ tuỳ thuộc vào nguyện vọng của cá nhân người bệnh.

2. Nên loại bỏ Helicobacter pylori trong những trường hợp nào?

Những người bị nhiễm khuẩn Helicobacter pylori, nếu bị viêm loét dạ dày tá tràng (loét dạ dày, hành tá tràng), thì nên điều trị dứt điểm. Đối với những người mắc các bệnh về đường tiêu hóa khác như viêm dạ dày mãn tính, teo niêm mạc dạ dày, bào mòn, polyp dạ dày… cũng như người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày cũng nên điều trị kịp thời.

Cần lưu ý rằng nếu bạn dùng thuốc ức chế bơm proton trong một thời gian dài, thì nên loại bỏ Helicobacter pylori. Để phòng ngừa các bệnh tim mạch và mạch máu não, khi người trung niên và cao tuổi có ý định dùng một liều nhỏ aspirin trong thời gian dài, cũng cần loại bỏ Helicobacter pylori trước để tránh tổn thương đường tiêu hóa trong thời gian dùng thuốc.

3. Khó khăn trong việc loại bỏ Helicobacter pylori là gì?

Phương pháp điều trị để loại bỏ Helicobacter pylori thường là "phác đồ 4 thuốc", sử dụng chất ức chế bơm proton, cộng với chế phẩm bismuth, cộng với hai loại thuốc kháng khuẩn và cần dùng thuốc liên tục trong 10 đến 14 ngày điều trị.

Khó khăn trong điều trị là vi khuẩn Helicobacter pylori có tỷ lệ kháng thuốc cao, tỷ lệ thải trừ của các loại kháng sinh thường dùng chỉ đạt khoảng 60% đến 70%. Nếu loại bỏ không thành công, cần phải thay kháng sinh và điều trị lại.

Tuân thủ dùng thuốc là một "khó khăn" lớn khác trong việc loại bỏ Helicobacter pylori. Trong số bốn loại thuốc, thuốc ức chế bơm proton và bismuth cần được uống nửa giờ trước bữa ăn, trong khi hai loại thuốc kháng khuẩn cần được uống nửa giờ sau bữa ăn. Tùy theo từng loại thuốc cụ thể, mỗi ngày phải uống thuốc từ 2 đến 4 lần, không thể ngắt quãng trong vòng 14 ngày, đây là một việc “khó nhằn” đối với hầu hết mọi người.

4. Nhiễm Helicobacter pylori nên bắt đầu từ việc phòng ngừa

Sau khi diệt sạch Helicobacter pylori thì vẫn có khả năng tái phát, tuy nhiên tỷ lệ tái phát không cao. Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori chủ yếu lây truyền qua đường truyền miệng, chẳng hạn như cha mẹ nhai cơm rồi đút cho trẻ nhỏ, hoặc sử dụng đũa chung khi gắp món ăn v.v. Tất cả đều có thể gây nhiễm trùng.

Vì vậy, để giảm tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori và khả năng tái phát, khi ăn cơm cần dùng riêng bát đũa, người lớn tuổi không nên nhai cơm để đút cho con trẻ. Hãy bắt đầu với các chi tiết nhỏ, dần phát triển thành thói quen ăn uống lành mạnh, bảo vệ bản thân và bảo vệ gia đình của bạn.

Tóm lại, nếu phát hiện nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, và chúng gây ra các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa thì nên loại bỏ. Nếu không có bệnh và triệu chứng, bạn có thể lựa chọn điều trị hoặc không tùy theo ý muốn của mình. Trước khi điều trị, cần phải trải qua các cuộc kiểm tra tương ứng để loại trừ chống chỉ định của thuốc. Trong thời gian dùng thuốc, nhớ làm theo lời khuyên của bác sĩ và không được sơ ý bỏ qua. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về thuốc, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc dược sĩ kịp thời.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Dương tính với khuẩn Helicobacter pylori (HP), liệu có thể chữa khỏi hay không?